Toàn cảnh phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại tổ 9 (Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV). Ảnh: Như Ý
Đột phá thế nào để GDP 5 năm về đích
Sáng qua (23/5), Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Ý kiến chung của nhiều vị đại biểu đều ghi nhận những kết quả tích cực như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát đang được kiểm soát, giải ngân đầu tư công có tiến bộ. Song vẫn còn nhiều hạn chế cần được quan tâm thấu đáo hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh nói, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, khi tăng trưởng năm 2023 đạt 5,05%, còn GDP quý I/2024 tăng 5,66%, ở mức cao so với khu vực và thế giới.
“Dù GDP của năm 2023 và quý I/2024 tốt, nhưng bình quân 3 năm đầu nhiệm kỳ mới đâu đó trên 5,2%, mà kế hoạch 5 năm đặt mục tiêu là 6,5 - 7%, thì đột phá thế nào để bù vào? Muốn về đích, thì GPP 2 năm cuối phải trên 8%. Đó là thách thức”, ông Thanh phân tích.
Liên quan đến chất lượng tăng trưởng, ông Thanh phân tích, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra, cho thấy dấu hiệu giảm sút. Mức tăng 3,65% của năm 2023 là thấp hơn nhiều so với mức trung bình 6,35%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực có vấn đề, nhân lực doanh nghiệp cần thì không có và ngược lại.
Đặc biệt, về khó khăn của doanh nghiệp, ông Thanh cho biết, qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với doanh nghiệp, thì doanh nghiệp vẫn phản ánh, việc xử lý thủ tục hành chính còn trì trệ, người thực thi công vụ còn sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy. “Có những việc trước đây vẫn quyết, mà bây giờ không dám quyết, có nhiều việc cứ hỏi lên cấp trên, hỏi cả sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Thanh cho hay.
“Doanh nghiệp mới tăng chậm, còn doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn, thì tăng trưởng cao hơn rất khó”, ông Thanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận xét, các loại thị trường, từ tiền tệ, chứng khoán, bất động sản cho đến trái phiếu doanh nghiệp đều còn rất khó khăn. “Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rất quan tâm đến khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024, khoảng 300.000 tỷ đồng, cao nhất trong 3 năm gần đây, sẽ tác động đến nền kinh tế”, ông Thanh nói.
Bên cạnh đó, theo ông Thanh, các động lực tăng trưởng cũ chưa được làm mới, còn các động lực mới thì rất mờ nhạt, khó tạo đột phá cho tăng trưởng. Vì thế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị các vị đại biểu quan tâm hiến kế để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng tham gia thảo luận về chất lượng tăng trưởng, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nói, trong 4 tháng đầu năm ghi nhận 86.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bình quân một tháng có 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua ghi nhận số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. “Vậy cần đánh giá về phục hồi kinh tế thế nào, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ra sao? Lâu nay cứ nói doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển, kỳ họp này nên có quyết sách kịp thời để gỡ khó cho doanh nghiệp”, ông Đồng nêu quan điểm.
Đồng tình với nhận xét của đại biểu là mục tiêu tăng trưởng 5 năm khó về đích, nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2024 có những yếu tố tích cực, như ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng đang phục hồi, nhiều chính sách ban hành nhanh, tháo gỡ rất nhiều vướng mắc và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bao nhiêu vướng mắc được Chính phủ đề xuất, thì Quốc hội đều đồng hành tháo gỡ cho hết.
Thời gian tới, những khó khăn nổi lên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập là niềm tin của thị trường, tâm lý xã hội và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức. Đây đang là rào cản, thách thức của nền kinh tế, nếu không giải quyết được, thì rất khó phát triển.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, phải cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư mạnh hơn nữa.
“Tôi đi nước ngoài thấy, 1 nhà máy ô tô 5 tỷ USD từ khi khởi công đến khi đưa vào hoạt động chỉ 11 tháng; 1 trung tâm thương mại Aeon thì chỉ có 68 ngày. Tất cả mọi người trong đoàn đều ngỡ ngàng vì thấy người ta như vũ bão, còn ta cái gì cũng xin - cho, đá lên đá xuống, vòng qua vòng lại, thì nhà đầu tư sẽ đi nơi khác”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Nhu cầu nắm giữ vàng tăng đột biến do đâu?
Về những vấn đề nổi lên giữa 2 kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu lo ngại về hạn chế, yếu kém trong quản lý thị trường vàng.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận xét, sự bất ổn gần đây của thị trường vàng từ quốc tế tới trong nước thực sự đã gây tác động tiêu cực và ngoài dự tính tới thị trường ngoại tệ và tỷ giá VND/USD. Cụ thể, giá vàng thế giới và trong nước cùng tăng rất mạnh kể từ đầu năm 2024, đạt đỉnh mọi thời đại, khi cầu tăng đột biến chủ yếu do rủi ro địa chính trị và có thể một phần do hoạt động đầu cơ lũng đoạn nhân bối cảnh hỗn loạn. Hiện tại, giá vàng thế giới trên 2.400 USD/ounce, tăng hơn 20% so với đầu năm; giá vàng miếng SJC trong nước khoảng 91 triệu đồng/lượng, tăng 24% với so đầu năm.
Kể từ khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ra đời cho tới thời kỳ trước Covid-19, giá vàng trong nước gần như bám sát giá vàng quốc tế quy đổi. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, giá vàng trong nước luôn lớn hơn giá vàng quốc tế quy đổi 15 - 20 triệu đồng/lượng. Điều này khiến thị trường vàng trong nước trở nên nhạy cảm hơn, kích thích hoạt động đầu cơ và nhập lậu, gây ảnh hưởng mạnh lên tỷ giá tự do và gián tiếp gây áp lực lên tỷ giá chính thức.
“Điều tôi băn khoăn là, thực chất nhu cầu nắm giữ vàng trong nước tăng đột biến đến từ ai và do đâu? Hẳn không phải đến từ đa số người dân bình thường và do nguyên nhân thuần túy rằng đây là một kênh đầu tư thay thế cho kênh gửi tiền tiết kiệm ngân hàng với mức lãi suất không còn hấp dẫn? Liệu có phải đây chủ yếu là do một nhóm lợi ích với các hành vi phi pháp như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối loạn thị trường? Nếu đúng thế, thì liệu chỉ riêng Ngân hàng Nhà nước với các giải pháp thuần kinh tế có xử lý một cách căn cơ được vấn đề này? Theo dõi lý giải của Ngân hàng Nhà nước ở nhiều diễn đàn, thì tôi chưa tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi này”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.
Liên quan vấn đề này, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, hiện không có một “thị trường vàng” đúng nghĩa.
“Tôi không thích dùng từ ‘thị trường vàng’, bởi chúng ta không có thị trường đúng nghĩa. Cơ quan quản lý nhà nước cũng không nên vì nhu cầu, vì tâm lý của một nhóm nhỏ trong xã hội khi muốn tích trữ, kinh doanh vàng, tìm lợi từ vàng miếng… mà đưa ra những hành động có tính chất phi thị trường”, ông An tỏ rõ quan điểm.
Theo vị đại biểu Đồng Nai, cần nghiên cứu, tính toán lại việc độc quyền vàng miếng theo thương hiệu hiện nay, phải quay lại đúng quy luật của thị trường, phải có cung - cầu, phải có những yếu tố cấu thành nên giá mang tính chất phổ quát của quy luật thị trường. Nếu đây là một mặt hàng không khuyến khích, hoặc nếu quá phức tạp trong quản lý, thì để cho thị trường điều tiết và không khuyến khích hình thức kinh doanh, sở hữu vàng miếng
Theo Công luận