Ngân khố quốc gia gần như là con số 0 khiến cho xây dựng nền tài chính quốc gia trở thành nhiệm vụ quan trọng và cấp bách sau Cách mạng Tháng Tám. Chủ trương đúng đắn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đặc biệt là lòng yêu nước vô bờ bến của nhân dân là cơ sở để chúng ta sớm giải quyết được nhiệm vụ quan trọng và cấp bách này
Cách mạng tháng Tám thành công với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: độc lập, dân tộc, dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngay từ khi mới ra đời, Nhà nước ta phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách.
Nạn đói khủng khiếp xảy ra trong vòng chưa đầy một năm (từ đầu 1945 đến trước ngày cách mạng Tháng Tám thành công) ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã làm hai triệu người chết đói. Trong khi nạn đói chưa được khắc phục thì lụt lội, hạn hán dẫn đến mất mùa liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống hằng ngày của hàng triệu người dân từ thành thị đến nông thôn.
Nền công nghiệp vốn nhỏ bé, trang bị cũ kỹ, sản xuất lại bị đình đốn vì thiếu nguyên liệu, bị phân tán và còn nằm trong tay giới chủ ngoại quốc, bị phụ thuộc nặng nề vào tư bản nước ngoài. Chính quyền dân chủ nhân dân mới quản lý được một số xí nghiệp: điện, nước, bưu điện, hoả xa. Một số xí nghiệp công nghiệp nhẹ và khai thác của Pháp, Nhật để lại chưa phục hồi được sản xuất. Hàng vạn công nhân bị thất nghiệp, đời sống rất cực khổ.
Ngoại thương bế tắc, ngưng đọng vì cửa biển bị phong toả. Việc buôn bán với nước ngoài đình trệ, hàng hoá trong nước khan hiếm, giá cả tăng vọt.
Nền tài chính quốc gia khánh kiệt, kho bạc trống rỗng. Khi giành chính quyền, tiền mặt ở ngân khố Trung ương còn có 1.250.000 đồng[1], trong đó 580.000 đồng là tiền rách, không sử dụng được. Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp. Vấn đề tiền tệ trở nên gay go với sự phá hoại của giới tư bản tài chính Pháp, nhất là việc thu hồi giấy bạc 500 đồng. Quân đội Trung Hoa dân quốc thì luôn yêu sách, đòi ta cấp tiền; tung tiền “quan kim” và “quốc tệ” đã mất giá ra thị trường bắt ta lưu hành, phá giá đồng bạc Đông Dương. Nền tài chính quốc gia thật sự lâm vào cảnh khốn khó.
Hậu quả về mặt xã hội cũng rất nặng nề. Trên 90% số dân không biết chữ. Những tàn dư và tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại như nạn rượu, chè, cờ bạc, nghiện hút, đĩ điếm, mê tín dị đoan.... có ở khắp nơi. Hàng triệu người không có công ăn việc làm...
Những khó khăn nói trên hết sức to lớn, nhưng nghiêm trọng hơn cả là nạn thù trong giặc ngoài, trực tiếp đe doạ sự tồn vong của chế độ. Trong tình thế thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, Việt Quốc, Việt Cách bắt tay cùng các thế lực phản động trong nước như lực lượng Đại Việt, lực lượng tay sai cũ của Pháp, dựa vào thế lực quân đội của chính quyền Tưởng Giới Thạch, cùng nhau ra sức chống phá chính quyền cách mạng.
Chưa có thời kỳ nào cách mạng nước ta cùng một lúc phải đối mặt với những thách thức lớn lao như những năm 1945, 1946. Trên khắp cả nước có tới 24 đảng phái và tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản, trong đó 11 đảng phái thân Pháp; một số thân Mỹ, Trung Hoa dân quôc, Nhật và một số lập trường ngả nghiêng, xu thời. Hầu hết các đảng phái phản động trên đây đều đòi giải tán Đảng Cộng sản, đòi tham gia chính quyền, nắm giữ các cơ quan quan trọng, hòng từng bước chiếm đoạt thành quả của Cách mạng Tháng Tám từ tay Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh.
Những khó khăn, thách thức về mọi mặt nêu trên đặt chính quyền dân chủ nhân dân và vận mệnh đất nước vào thế “nghìn cân treo sợi tóc”.
Quang cảnh ngày khai mạc Tuần lễ Vàng tại Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Để giải quyết khó khăn cho nền tài chính quốc gia, ngày 4/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 4/SL lập “Quỹ độc lập” nhằm thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên góp giúp Chỉnh phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia. Quỹ này có cơ sở đặt ở Hà Nội, gọi là Quỹ độc lập Trung ương do ông Đỗ Đình Thiện phụ trách, có một Tiểu ban Lạc quyên để điều khiển mọi việc. Ở các địa phương trong nước, Quỹ độc lập sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức và chịu trách nhiệm về khu vực tỉnh mình. Tiền và đồ vật quyên được sẽ chuyển giao về Hà Nội thu nhận, quản lý và đặt dưới sự giám sát của Bộ Tài chính. Số tiền và các đồ vật thu được do Chính phủ kiểm soát. Khi nhận tiền và đồ vật, Tiểu ban Lạc quyên Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh đều phải giao cho người quyên giấy biên lai để chứng nhận.
Để xây dựng ngân quỹ của Nhà nước độc lập, ngày 17/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi đồng bào hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, động viên mọi người dân yêu nước, tha thiết với cách mạng, tự nguyện đóng góp ủng hộ nền độc lập của Tổ quốc. Trong bức thư Bác viết: “Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có. Ý nghĩa "Tuần lễ VÀNG" là ở đó. Tuần lễ VÀNG sẽ thu góp số VÀNG trong nhân dân và nhất là của các nhà giàu có để cúng vào việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là việc quốc phòng. Tuần lễ VÀNG sẽ tỏ cho toàn quốc đồng bào và cho toàn thế giới biết rằng trong lúc chiến sĩ Việt Minh trên các mặt trận quyết hy sinh giọt máu cuối cùng để giữ vững nền tự do độc lập của nước nhà, thì đồng bào ở hậu phương, nhất là những nhà giàu có, cũng có thể hy sinh được chút VÀNG để phụng sự Tổ quốc”[2].
Theo đó, “Tuần lễ vàng” diễn ra từ ngày 17 đến ngày 24/9/1945, nhân dân cả nước đã đóng góp được 370 kg vàng và 20 triệu đồng vào “Quỹ độc lập”. Riêng nhân dân ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã góp được 40 triệu đồng cho “Quỹ đảm phụ quốc phòng”[3]. Nhiều nhà công thương ở Hà Nội đã ủng hộ Chính phủ hàng trăm lạng vàng và hàng triệu đồng; nhiều đoàn thể và cá nhân các nơi cho đến các em nhỏ, thiếu niên, nhi đồng “đã nhịn ăn quà để góp tiền vào Quỹ độc lập”[4]. Đây không chỉ đơn thuần là sự quyên góp, mà về bản chất là một phong trào yêu nước, một sự chứng minh lòng yêu nước tha thiết, nồng nàn của các tầng lớp nhân dân ta. Vì độc lập, tự do của đất nước nhân dân không hề tiếc công tiếc của để góp phần củng cố, giữ vững nền độc lập tự do vừa giành được.
Ngày 25/11/1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc làm cương lĩnh hành động trước mắt của toàn Đảng, toàn dân ta. Khi nêu ra nhiệm vụ về kinh tế tài chính Chỉ thị nhấn mạnh, cần huy động các nguồn lực, nhanh chóng khôi phục sản xuất công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển thương nghiệp, xây dựng hệ thống ngân hàng, thuế, ngân quỹ, phát hành giấy bạc…
Quán triệt tinh thần của chỉ thị, để xây dựng nền tài chính độc lập của nước nhà, ngày 31/1/1946, Chính phủ cách mạng ra Sắc lệnh số 18/SL phát hành tiền Việt Nam. Theo Sắc lệnh đồng giấy bạc Việt Nam sẽ phát hành từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam. Đến ngày 13/8/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 154/SL cho phép phát hành đồng bạc giấy Việt Nam tại miền Bắc Trung Bộ, từ vĩ tuyến 16 trở ra. Ủy ban hành chính Trung Bộ tổ chức và điều khiển việc phát hành đồng giấy bạc. Kẻ nào làm giả hay có hành động phá hoại giá trị của đồng bạc giấy Việt Nam sẽ bị đưa ra Toà án Quân sự.
Tiền Việt Nam được nhân dân cả nước nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ. Miền Nam Trung Bộ được chọn làm nơi phát hành đầu tiên. Tuy tiền giấy của ta chưa định rõ bản vị vàng bảo đảm, nhưng trước sự tín nhiệm của toàn dân, tiền Việt Nam đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường cả ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đó là thắng lợi lớn của chính quyền dân chủ nhân dân trên mặt trận tài chính và cũng là thất bại nặng nề của tư bản thực dân Pháp.
Từ trái sang phải: nhà tư sản Hoà Tường, ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ, mẹ ông Trịnh Văn Bô, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà điền chủ Nguyễn Hữu Tiệp trước thềm Nhà hát Lớn tại Tuần lễ vàng 1945 (Ảnh tư liệu).
Có nền tài chính độc lập, chính quyền dân chủ nhân dân chủ động đề ra được các chương trình kinh tế-xã hội và có khả năng thực hiện các chương trình đó; có kinh phí để mua sắm trang thiết bị, vũ khí, đạn dược chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến. Bởi vậy, những thắng lợi đầu tiên trên mặt trận tài chính cũng là thắng lợi của chính công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Sớm chú trọng xây dựng nền tài chính quốc gia độc lập cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần yêu nước, tài trí, phẩm chất và đạo đức của mình, thực sự trở thành linh hồn của toàn dân tộc, có uy tín và sức quy tụ lớn đối với các tầng lớp, giai cấp trong xã hội đoàn kết đấu tranh vì mục tiêu độc lập, dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Người đã dự đoán được những diễn biến cơ bản của tình hình thế giới liên quan tới cách mạng Việt Nam, thấy được những công việc cấp bách sau khi nước nhà giành được độc lập để cùng Đảng ta và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo toàn dân sẵn sàng ứng phó. Tầm vóc, vai trò của lãnh tụ và bản lĩnh, trí tuệ của Đảng tiền phong thể hiện rõ nét hơn lúc nào hết.
Thảo Trần
[1] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930-1954), quyển 2 (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia Sư Thật, Hà Nội, 2018, tr.31.
[2] Hồ chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.16.
[3] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930-1954), quyển 2 (1945-1954), Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2018, tr.41.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.59, 164.