Một trong những mục tiêu ứng phó với dịch bệnh hiện nay của ngành giáo dục là triển khai học trực tuyến. Có điều, dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục và để khắc phục được những khó khăn hiện tại, đó không phải là chuyện riêng của ngành giáo dục trong ngày một ngày hai.
Giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập, nhất là việc học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp và đến sự phát triển của trẻ em, học sinh.
Hiện nay cả nước có gần 20 triệu học sinh phổ thông. Trong đó có hơn 7.350.000 học sinh, thuộc 26/63 tỉnh thành phố trong cả nước đang triển khai học trực tuyến. Tuy nhiên, theo thống kê ban đầu, tính tới ngày 12 tháng 9, có khoảng hơn 1,5 triệu học sinh (thuộc 213 quận huyện) không thể tham gia lớp học cùng các bạn do thiếu thiết bị. Việc tổ chức dạy học trên truyền hình cho lớp 1 và lớp 2, dạy học bổ trợ cho các lớp khác trên truyền hình cũng gặp những khó khăn lớn về thiết bị, sóng và đường truyền.
Trong khi đó, đến thời điểm này, các nhà mạng cũng đang gặp khó khăn, thậm chí là chưa mặn mà phát triển hạ tầng, xây dựng các trạm phát sóng ở các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Con số thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đất nước chúng ta còn đến 2.000 điểm lõm sóng, đều là những chỗ rất khó khăn tồn tại nhiều năm nay.
Hơn nữa, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân để đạt mục tiêu mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng thành quả của nền giáo dục, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách…
Hơn 1 triệu máy tính được trao tặng tại chương trình "Sóng và máy tính cho em", diễn ra tối 12/9/2021. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Vì lẽ đó, để bảo đảm công bằng trong giáo dục, không chỉ giữa các vùng miền mà cả những nơi có dịch và không có dịch, nhất là đối tượng học sinh nghèo ở vùng có dịch. Việc vận động, kêu gọi cộng đồng, xã hội hỗ trợ trang thiết bị, công cụ học tập cho học sinh nghèo trong điều kiện có dịch bệnh là điều vô cùng cần thiết.
Và chương trình “Sóng và máy tính cho em” mới được Chính phủ phát động mới đây thật sự có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Mục tiêu chương trình nhằm mang đến băng thông Internet giá rẻ, với các nền tảng dạy học từ xa và với hàng chục triệu chiếc máy tính cá nhân hỗ trợ các em học sinh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Mỗi máy tính, mỗi khu vực có sóng, mỗi trẻ em được kết nối, được học tập trên không gian mạng trong điều kiện phải giải quyết tình thế góp phần gieo từng hạt mầm để những hạt mầm ấy lớn lên và tiếp tục lan tỏa, tạo thành xã hội số, kinh tế số, tạo thành tình yêu thương trên khắp mọi miền của đất nước ta”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng: “’Sóng và máy tính cho em’ cũng là để chuyển đổi số cho tất cả các hộ gia đình, xây dựng xã hội số. Ở vùng quê, vùng sâu vùng xa, chính các em sẽ giúp cha mẹ mình lên môi trường số, mua bán trên các sàn thương mại điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhận tiền, chuyển tiền…”.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định: “Hỗ trợ hàng triệu học sinh lúc này là hỗ trợ cả một thế hệ, giảm bớt khó khăn và thiệt thòi cho các em hôm nay là chúng ta giảm bớt gánh nặng xã hội cho hàng chục năm về sau. Giúp các em học tập hôm nay là chăm lo cho tốc độ và chất lượng phát triển đất nước trong tương lai. Đường truyền mạng, sóng và thiết bị máy tính cho các em là sự kết nối vật lý và cơ giới phục vụ học tập, nhưng cũng là sự kết nối bền chặt hơn con người với con người, sự kết nối các vùng miền và kết nối hiện tại với tương lai”.
Có thể thấy, so với các nước có trình độ phát triển kinh tế-xã hội ngang bằng thì ở nước ta, giáo dục, đào tạo nói riêng và các vấn đề liên quan đến con người nói chung luôn được Đảng, chính quyền và nhân dân hết lòng chăm lo.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tập trung chống dịch, đã hỗ trợ cho nhiều đối tượng xã hội. Quan tâm lo lắng cho ngành giáo dục, các địa phương và tự thân ngành giáo dục đã hết sức cố gắng. Tuy nhiên những khó khăn mà dịch bệnh gây ra là quá lớn, công cuộc ứng phó với dịch bệnh COVID-19 cần thêm nhiều hơn nữa sự tham gia của toàn thể xã hội, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.
Mặt khác, nếu thực hiện tốt chương trình đầy ý nghĩa nhân văn này, nó sẽ là cơ sở quan trọng để thiết lập mô hình xã hội học tập. Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng thôn bản/tổ dân phố học tập… Từ đó, góp phần hình thành mô hình công dân học tập, có những năng lực cần thiết để xây dựng nền kinh tế tri thức, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của nền sản xuất kỹ thuật số và hội nhập quốc tế.
Thế mới nói, mỗi một máy tính, điện thoại từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” không khác gì chúng ta đang tạo ra những hạt mầm tương lai của đất nước. Tạo điều kiện cho mỗi công dân, xã hội học tập suốt đời./.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp