Theo quy luật phát triển, chủ nghĩa tư bản ra đời là tất yếu lịch sử. Vào khoảng những thập kỷ đầu của thế kỷ XVI giai cấp tư sản bắt đầu bước lên vũ đài chính trị với tư cách là một lực lượng chính trị - xã hội độc lập, chủ thể của một chế độ xã hội mới - chế độ tư bản chủ nghĩa. Với chưa đầy một trăm năm, chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một lượng của cải khổng lồ bằng tất cả những gì trước đó xã hội loài người đạt được. Đây là bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của nhân loại, thể hiện vai trò tích cực, tiến bộ của giai cấp tư sản.
Chủ nghĩa tư bản ra đời, trên thực tế thay thế hoàn toàn nền kinh tế tự nhiên bằng nền kinh tế hàng hóa. Tuy nhiên, về bản chất, chủ nghĩa tư bản vẫn dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Theo đó, C.Mác phát hiện ra quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản là quy luật giá trị thặng dư.
Quy luật giá trị thặng dư thể hiện sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản đối với những người công nhân làm thuê, quan hệ giữa tư bản và lao động, giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản, là những mối quan hệ xã hội cơ bản dưới chủ nghĩa tư bản. Dưới tác động của quy luật này đã diễn ra sự phát triển ngày càng gay gắt của tất cả những mâu thuẫn xã hội trong lòng chủ nghĩa tư bản.
Sự phát triển của lực lượng sản xuất ngày càng mang tính xã hội hóa cao đã tạo ra nhu cầu và điều kiện để xóa bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đạt tới cái điểm mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ tư bản chủ nghĩa của chúng được nữa, thì nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại nảy sinh ra sự phủ định chính bản thân nó, với tính tất yếu của một quá trình tự nhiên.
Mâu thuẫn trên đây cũng là nguyên nhân sâu xa của tình trạng người trực tiếp lao động tạo ra của cải thì không có tư liệu sản xuất, trong khi kẻ nắm toàn bộ tư liệu sản xuất chủ yếu thì không cần lao động. Tách người lao động ra khỏi tư liệu sản xuất là hậu quả tồi tệ mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra trên quy mô phổ biến và đạt đến mức triệt để chưa từng thấy trong lịch sử.
Những người vô gia cư ở TP Honolulu - Mỹ. Ảnh: Internet.
Trước phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ngày càng mạnh mẽ, đe dọa đến sự tồn tại của chế độ, giai cấp tư sản đã có những điều chỉnh về quan hệ sản xuất. Những giải pháp như các công ty cổ phần, các ten, xanh-đi-ca, tơ-rớt, công-xoóc-xi-om,… đã tỏ ra ít nhiều có hiệu quả trong việc điều chỉnh mâu thuẫn xã hội, nhưng chỉ là tạm thời, vì đây là một hình thức nhằm che đậy bản chất thực sự của chủ nghĩa tư bản. Thực chất việc công nhân có cổ phần trong chủ nghĩa tư bản điều đó không đồng nghĩa với quyền sở hữu thuộc về người lao động và không còn bị bóc lột. Để vạch trần âm mưu này của chủ nghĩa tư bản, V.I.Lênin viết: ““Sự dân chủ hóa” việc sở hữu cổ phiếu,... thực ra chỉ là một trong những phương pháp tăng thêm uy lực cho bọn đầu sỏ tài chính”[1]. Xét trên thực tế, số cổ phần mà người công nhân có nhỏ hơn rất nhiều so với tổng tư bản của giai cấp tư sản ứng ra, nên công nhân thường không được tham dự đại hội cổ đông, không được tham gia vào quá trình phân phối kết quả sản xuất. Vô hình chung giai cấp công nhân bị bóc lột dưới một hình thức tinh vi hơn trong một điều kiện phát triển mới của chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, “Thực tế ngày nay hoàn toàn chứng thực những ý kiến của Lênin phê phán những lý thuyết tư sản - cải lương về “dân chủ hóa tư bản”, mà người ta nặn ra nhằm tô điểm cho chủ nghĩa đế quốc và làm lu mờ sự thống trị của các tổ chức độc quyền. Bọn trùm tư bản đang lợi dụng việc lưu hành rộng rãi những cổ phiếu nhỏ để tăng cường bóc lột và lừa bịp nhân dân, để làm giàu cho chúng. Trái với những lời tuyên bố của bộ máy tuyên truyền tư sản nói rằng, trong các nước đế quốc chủ nghĩa hiện nay, những cổ phiếu nhỏ (“nhân dân”), đang lưu hành rộng rãi, trong thực tế chỉ có một số ít công nhân lành nghề - những đại biểu của cái gọi là tầng lớp công nhân quý tộc mới có thể mua được cổ phiếu. Chẳng hạn như ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1958 có khoảng nửa triệu gia đình công nhân có cổ phiếu, nhưng giá trị của những cổ phiếu đó chỉ chiếm 0,2% tổng giá trị của toàn bộ cổ phiếu có trong nước. Trong lúc đó, chỉ riêng một gia đình Đuy-pông đã có số cổ phiếu nhiều gấp 10 lần so với số cổ phiếu của toàn thể công nhân Mỹ cộng lại. Như vậy, thực tế đang đánh đổ những lý thuyết có tính chất tán dương về việc biến công nhân thành những người sở hữu (người cùng sở hữu) các xí nghiệp, về việc “làm cho” thu nhập của các nhà tư bản “đồng đều” với thu nhập của công nhân. Chủ nghĩa tư bản hiện đại có đặc điểm là cái hố sâu ngăn cách giữa lao động và tư bản, giữa nhân dân và các tổ chức độc quyền ngày càng sâu sắc thêm”[2].
Không ai phủ nhận rằng, chủ nghĩa tư bản ngày nay “đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”[3]. Tuy nhiên, dù có bất kỳ ưu điểm gì đi nữa, thì cũng không bác bỏ được một sự thật, bản chất của chủ nghĩa tư bản không thay đổi. Chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó, nhất là mâu thuẫn giữa trình độ xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Hệ quả, các cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn ra, “kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: Đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc”[4].
Chủ nghĩa tư bản ngày nay đang hứng chịu khủng khoảng toàn diện
Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa. Hiện tại, “các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ”[5]. Chính vì vậy, “tại các nước tư bản phát triển, các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ”, dù có thể thay đổi chính phủ, nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”[6].
Giai cấp tư sản tìm mọi cách biến nhà nước thành công cụ riêng, bằng cách khuôn nó vào sự hoạt động theo hướng có lợi cho giai cấp mình. Bằng nhiều thủ đoạn, nhà nước ấy gạt quần chúng ra khỏi địa vị quyền lực hoặc vô hiệu hóa họ trong địa vị quyền lực. Ngay cả nguyên tắc “tam quyền phân lập” cũng bị làm cho biến dạng bằng thủ đoạn phân phối không công bằng quyền lực. Sự tập trung quá cao quyền lực vào cơ quan hành pháp đến mức chúng lấn át các cơ quan lập pháp đã làm cho lời tuyên bố dân chủ biến thành cái áo khoác bọc ngoài. Bởi vì, ý nguyện của nhân dân chỉ được phản ánh yếu ớt và hình thức thông qua cái nghị viện thiếu quyền lực mang danh là đại biểu của họ. Hơn thế nữa, quyền lực của cái nghị viện đó còn bị chặn đứng và làm mất tác dụng chi phối quyền hành pháp bởi bức tường “phân lập” của ba quyền - lập pháp, hành pháp, tư pháp - bị tuyệt đối hóa đến cực đoan. Chưa hết, ngay cả cái nghị viện tư sản mà nguyên tắc dân chủ buộc phải tuyển lựa bằng con đường “dân cử” cũng bị mọi thủ thuật gian lận của giai cấp tư sản làm cho méo mó, sai lệch. V.I.Lênin nhiều lần vạch trần sự giả dối của nền dân chủ tư sản: giai cấp tư sản giơ món dân chủ ra quảng cáo ở tay này, làm như thể nó là món hào phóng có thể cho không; nhưng lại kín đáo giật lại bằng tay kia rồi thủ kỹ trong túi làm của riêng.
Khi luận chứng về sự diệt vong của chủ nghĩa tư bản, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin trước hết căn cứ vào những điều kiện và những quy luật phát triển từ chính bên trong nó. Các ông đã phân tích các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong một sự thống nhất tổng thể. Nếu sự vận động kinh tế là cội nguồn của sự phát triển xã hội thì chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế, mà chính trị là mối quan hệ giữa các giai cấp được xác lập trên cơ sở những lợi ích sống còn. Xét đến cùng, chính là xuất phát từ lập trường nhân đạo cao cả và hiện thực, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã nhận thức sâu sắc về sự diệt vong không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản và tất yếu ra đời của chủ nghĩa xã hội; theo đó, “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và sự thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”.
Sơn Hà