Chưa bao giờ loài người sản xuất ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ như bây giờ, mà về mặt lượng thuần túy, có thể đảm bảo dư dật lương thực, thực phẩm cho toàn bộ dân số thế giới. Nhưng như một nghịch lý, danh sách các quốc gia kém phát triển nhất (Last Developed Countries - LDC) vẫn ở con số 47 quốc gia hiện nay (33 nước châu Phi, 9 nước châu Á, 4 nước châu Đại dương và 1 nước châu Mỹ), so với 25 quốc gia năm 1999.
Ngoại trừ vài trường hợp của các quốc gia công nghiệp hóa mới (New Industrialized Countries - NIC), tuyệt đại đa số các quốc gia đang phát triển (Developing Countries) chìm đắm trong bẫy thu nhập trung bình. Thế giới hôm nay vẫn còn gần 900 triệu người nghèo đói cùng cực. Tuổi thọ bình quân của người dân các nước công nghiệp phát triển hiện nay cao hơn 32 năm so với tuổi thọ bình quân của người dân các nước châu Phi nam Xahara.
Sự phân hoá giàu nghèo, tình trạng “lồi lõm” về thu nhập ngày càng bộc lộ rõ nét trên phạm vi toàn cầu. Ảnh minh hoạ.
Theo các báo cáomới nhất của Oxfam vừa được công bố từ năm 2018 đến năm 2020, khoảng cách giữa 1% giới siêu giàu và 99% còn lại của thế giới ngày càng có xu hướng tăng; 82% của cải trên thế giới được tạo ra đã rơi vào túi 1% số người giàu nhất thế giới - những người đang sở hữu lượng tài sản gấp hơn 2 lần tổng tài sản của 6,9 tỷ người còn lại. Từ năm 2011 đến nay, tiền lương trung bình của người lao động ở các nước G7 tăng 3%, trong khi cổ tức cho các cổ đông giàu có tăng 31%. Nếu mọi người quy đổi tài sản của mình thành các tờ 100 USD và ngồi lên đó, thì phần lớn nhân loại sẽ ngồi trên sàn nhà; những người thuộc tầng lớp trung lưu ở quốc gia phát triển sẽ ngồi ở độ cao tương đương với chiếc ghế; những người giàu nhất thế giới sẽ ngồi ở ngoài vũ trụ.
Hiện nay, 60% GDP toàn cầu nằm trong tay 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2020, mặc dù hàng tỷ con người lao đao trong dịch bệnh, nhưng ngân sách quân sự toàn thế giới vẫn vọt lên mức kỷ lục: 1.830 tỷ USD, trong đó siêu cường Mỹ chiếm gần 780 tỷ USD. Có nghĩa là, riêng nước Mỹ chi tiêu quân sự gần bằng cả thế giới còn lại gộp lại !
Thế giới hôm nay là một thế giới 1% và 99% tương phản, loại trừ nhau. Sự giàu sang của một nhóm người, hoặc một số quốc gia phải được đánh đổi bằng sự bần cùng của các nhóm người khác, quốc gia khác - đây là một nghịch lý và sự lồi lõm đáng sợ nhất trong sự phát triển của thế giới đương đại.
Tình trạng bất bình đẳng trên thế giới có xu hướng ngày càng gia tăng. Ảnh minh hoạ.
Sinh thể COVID-19 vô hình lại làm sâu hơn sự lồi lõm của thế giới hôm nay. Danh sách 10 tỷ phú hàng đầu thế giới về cơ bản khá ổn định: Jeff Bezos (Amazon); Bill Gates (Microsoft); Bernard Arnault (LVMH); Warren Buffet (Berkshire Hathaway); Larry Ellison (Oracle); Amancio Ortega (Inditex); Mark Zuckerberg (Facebook); Jim Walton (Walmart); Alice Walton (Walmart) và Rob Walton (Walmart). Tài sản của họ thật sự siêu khủng: từ trên 50 tỷ USD đến trên 110 tỷ USD. Năm 2020, kinh tế toàn thế giới tăng trưởng âm 4%, nhưng 10 tỷ phú này vẫn gia tăng được 540 tỷ USD cho núi tài sản vốn đã cao ngất trời của mình. Chỉ cần có một sắc thuế phụ thu đánh vào khối lượng tài sản gia tăng đột biến của 32 tập đoàn tư bản lớn nhất thế giới, thì cộng đống quốc tế sẽ có 104 tỷ USD, thừa sức trang trải cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế, bình ổn xã hội.
COVID-19 đã phải mang cái tên “virus của sự bất công”!
Những người nghèo có nguy cơ rơi vào dịch bệnh cao hơn 40% so với người giàu. Vừa qua, Diễn đàn Davos đã cảnh báo rằng nếu như người giàu, nước giàu sẽ chỉ mất 1-2 năm khắc phục hậu quả kinh tế - xã hội do COVID-19 gây ra, thì người nghèo, nước nghèo sẽ phải mất hơn 10 năm. Hơn nữa, xấp xỉ 75% lượng vắc-xin chống COVID-19 hiện nay là được sử dụng ở các quốc gia phát triển. Có lẽ vì những sự lồi lõm ấy do con người tạo ra, COVID-19 đã phải mang cái tên “virus của sự bất công” !
Cần nhìn nhận kịp thời những sự lồi lõm trong “thế giới phẳng” không chỉ có ý nghĩa nhận thức, mà còn để chúng ta trân trọng hơn những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, trong đó có thành tựu thực hiện mục tiêu kép từ năm 2020 đến nay. Đây cũng là hành trang cần thiết trên con đường xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc !
Minh Trí