Luận điệu của những kẻ có dã tâm thâm độc
Trong những đợt dịch Covid-19 bùng phát trước đây, khi lực lượng quân đội cùng tham gia chống dịch như kiểm soát các chốt biên giới, tổ chức cách ly tập trung cho nhân dân tại các đơn vị, doanh trại hay tham gia sàng lọc, xét nghiệm bệnh nhân cùng với lực lượng y tế, các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã cố tình bóp méo, xuyên tạc đóng góp của lực lượng quân đội. Trên các trang mạng xã hội của các lực lượng phản động xuất hiện những luận điệu cố tình chia rẽ lực lượng quân đội với công an, quân đội với chính quyền. Họ còn cho rằng việc những cán bộ chiến sĩ nhường doanh trại, nhường cơm sẻ áo cho nhân dân là “cố tình làm màu”, là “mị dân” (!).
Trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư, nhất là trong những ngày gần đây, khi thấy những cán bộ, chiến sĩ, học viên quân y miền Bắc lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tham gia chống dịch, các phần tử cơ hội chính trị lại được dịp tung ra những luận điệu xuyên tạc hết sức thâm độc. Trên các trang mạng xã hội, nhất là trang Việt Tân, Đài Á Châu tự do, BBC tiếng Việt... liên tục xuất hiện các bài viết cố tình xuyên tạc hay gieo rắc sự hoài nghi về sự tham gia của quân đội trong công tác phòng, chống dịch ở các tỉnh phía Nam.
VTV đưa tin về sự xuyên tạc đối với sự tham gia chống dịch Covid-19 của lực lượng vũ trang.
Luận điệu của chúng là: “Chẳng lẽ miền Nam rơi vào thời kỳ quân quản?”, “Chống giặc hay chống dân?”, “Bội đội bồng súng có phải để trấn áp nhân dân?”. Nguy hại hơn nữa, chúng cố tình cắt ghép những hình ảnh xe tăng, xe bọc thép, súng ống... để vu cáo lực lượng quân đội vào miền Nam để “trấn áp nhân dân”, “coi nhân dân như giặc”...
Những luận điệu trên xuất phát từ những dã tâm thâm độc hòng phủ nhận vai trò của lực lượng quân đội trong công tác phòng, chống dịch bệnh; kích động nhân dân chống đối lại chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc tăng cường chống dịch với phương châm “ai ở đâu thì ở yên chỗ đó”. Sâu xa hơn nữa là nhằm phá hoại những nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch, hòng làm cho nhân dân ta mất niềm tin vào Đảng, vào chế độ.
Tỏa sáng phẩm chất người lính cụ Hồ khi tham gia chống dịch
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, Đảng, Chính phủ ta đã xác định Covid-19 là một loại “giặc” và phòng, chống “giặc Covid-19” là một cuộc chiến cam go, nhiều thử thách. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ đã huy động cả hệ thống chính trị cùng nhân dân cả nước vào cuộc và nhiều lần kêu gọi các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị cùng chung tay chống dịch.
Gần đây, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra “Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19”; trong đó, Tổng Bí thư nêu rõ: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
Lãnh đạo Học viện Quân y tiễn đoàn công tác lên đường vào miền Nam phòng, chống dịch. Ảnh: Internet.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lực lượng quân đội đã xung phong tăng cường cho miền Nam thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Trong những ngày gần đây, có nhiều cán bộ, chiến sĩ, học viên quân y từ miền Bắc vào tăng cường cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đáng chú ý, ngày 21/8/2021, gần 300 cán bộ y tế, học viên quân y năm thứ tư của Học viện Quân y lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tăng cường công tác phòng, chống dịch. Trong Lễ xuất quân, đồng chí Trung tướng Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y đã phát biểu: “Chống dịch như chống giặc, chưa bao giờ người dân thành phố Hồ Chí Minh, người dân miền Nam cần sự giúp đỡ của chúng ta như bây giờ”. Lời phát biểu đó đã tiếp thêm sức mạnh cho những cán bộ y tế, học viên quân y lên đường làm nhiệm vụ với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam theo 5 mũi chính: (1) Phối hợp, thành lập các tổ, nhóm cung cấp lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là ở vùng đỏ (vùng dịch có nguy cơ cao); (2) Tăng cường chăm sóc y tế, tầm soát dịch bệnh, khám chữa bệnh, điều trị các ca F0; (3) Tham gia các tổ, chốt, trạm kiểm soát cố định và cơ động để hạn chế đi lại của người dân; (4) Tham gia vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân hoặc vận chuyển những người dân mắc bệnh đến các khu điều trị; (5) Tham gia giải quyết hậu sự cho những người không may qua đời vì Covid-19.
Có thể nói, sự tham gia của lực lượng quân đội trong công tác phòng, chống dịch ở các tỉnh phía Nam vừa là tự tâm, tự nguyện, vừa xuất phát từ phẩm chất “tất cả vì nhân dân” của những người lính cụ Hồ. Khi đất nước có chiến tranh, họ đã sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Ngày ngay, khi đất nước bước vào một cuộc chiến mới - cuộc chiến chống Covid-19, những người lính một lần nữa lại xả thân, không ngại hi sinh sức khỏe và tính mạng của mình để bảo vệ cuộc sống, tính mạng cho nhân dân. Vì vậy, không thể nhắm mắt làm ngơ hay cố tình xuyên tạc đóng góp của những người lính cụ Hồ trong công tác phòng, chống dịch.
Niềm vui của người dân phường Linh Trung, TP Thủ Đức khi được nhận phần quà từ tay các cán bộ chiến sĩ. Ảnh: Internet.
Trong những ngày qua, hình ảnh những người lính trở nên thân thuộc hơn lúc nào hết với người dân các tỉnh phía Nam. Họ xuất hiện ở hầu hết các đường phố, ngõ hẽm, gõ cửa từng nhà để phân phát lương thực, các nhu yếu phẩm cho nhân dân. Họ động viên, tận tình phục vụ nhân dân tại các cơ sở y tế lưu động, bệnh viện dã chiến. Rất nhiều người dân đã cảm động, cảm thấy yên tâm khi thấy màu áo xanh của những người lính tại các tâm dịch.
Có thể nói, sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của lực lượng quân đội đã phần nào “chia lửa” với các tỉnh phía Nam, giúp những “vùng đỏ” dần hạ nhiệt. Đó cũng chính là biểu tượng cao đẹp của tình quân - dân, làm sáng ngời phẩm chất đáng quý của người lính cụ Hồ trong thời bình mà không luận điệu xuyên tạc có thể làm hoen ố hoặc phủ nhận được.
Trước mắt, cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở thành phố Hồ Chí Minh và trên cả nước còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng chúng ta tin tưởng rằng, với sự tham gia của lực lượng quân đội cùng cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, “giặc Covid-19” sẽ nhanh chóng được đẩy lùi đúng như đồng chí Tổng Bí thư từng căn dặn: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!”.
Chiên Lê