Vào tháng 4, các chuyên gia an ninh mạng cho biết thông tin cá nhân của nửa tỷ người dùng Facebook, bao gồm số điện thoại, ngày sinh và địa chỉ email, đã bị đăng tải lên một trang web bị tin tặc sử dụng. Facebook cho biết vào thời điểm đó, dữ liệu tương tự trước đây đã được báo cáo là bị "tác nhân độc hại" thu thập từ hồ sơ của mọi người vào năm 2019.
Facebook đối mặt với sự cố rò rỉ dữ liệu quy mô lớn. (ảnh: CNN)
Cũng trong tháng 4, LinkedIn xác nhận rằng các chi tiết công khai từ khoảng 500 triệu hồ sơ người dùng của họ đã được rao bán trên một trang web của hacker. LinkedIn cho biết vào thời điểm đó, cơ sở dữ liệu rao bán "thực sự là một tập hợp dữ liệu từ một số trang web và công ty". Công ty cũng cho biết đây không phải là một vụ vi phạm dữ liệu LinkedIn.
Tấn công ransomware trở nên phổ biến
Năm nay, các cuộc tấn công ransomware đã tăng mạnh, trong đó tin tặc có quyền truy cập vào hệ thống máy tính và giữ những thông tin bí mật của công ty để đòi tiền chuộc. Đáng chú ý là những cuộc tấn công nhắm vào các doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng . Một trong những đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất ở Mỹ, Colonial Pipeline đã buộc phải tạm dừng hoạt động khi bị tin tặc tấn công hệ thống mạng. DarkSide, nhóm tin tặc chuyên tấn công ransomware, được cho là thủ phạm.
CEO của Colonial Pipeline sau đó thừa nhận đã trả 4,4 triệu USD tiền chuộc để mạng của công ty hoạt động trở lại. Vào tháng 6, các nhà điều tra Hoa Kỳ cho biết họ đã thu hồi được 2,3 triệu USD tiền điện tử được trả cho các tin tặc đứng sau vụ tấn công Colonial Pipeline.
Hàng loạt hệ thống lớn bị sập
Đầu tiên, vào ngày 8/6, vô số trang web bao gồm Reddit, CNN, Amazon và nhiều trang web khác đã ngừng hoạt động do mạng phân phối nội dung Fastly ngừng hoạt động. Sau đó, vào ngày 17/6, một sự cố tại một công ty tương tự, Akamai Technologies, đã phá vỡ các trang web bao gồm các trang web của Southwest Airlines, United Airlines, Commonwealth Bank of Australia và Hong Kong Stock Exchange.
Đây không phải là sự cố internet lớn duy nhất trong năm: Vào tháng 12, dịch vụ điện toán đám mây của Amazon đã bị ba lần ngừng hoạt động dẫn đến sự cố cho Disney+, Slack, Netflix , Hulu và nhiều hãng khác. Nó cũng làm gián đoạn hoạt động hậu cần của Amazon trong kỳ nghỉ lễ quan trọng.
Bê bối Facebook
Không chỉ tin giả, Facebook còn dính nhiều bê bối khác, đỉnh điểm là những tiết lộ chấn động của cựu nhân viên Frances Haugen, được giới truyền thông gọi là Hồ sơ Facebook. Từ tháng 9, bà phơi bày một loạt thông tin nội bộ của công ty cũ trên các báo hàng đầu ở Mỹ, xoay quanh việc Facebook ưu tiên lợi nhuận hơn là kiểm soát thông tin sai lệch, thuật toán xếp hạng thúc đẩy sự thù hận và chia rẽ, Instagram tác động tiêu cực đến người dùng trẻ... Nghiên cứu của chính Facebook cho thấy khoảng 360 triệu người nghiện Facebook.
Giữa tranh cãi, Công ty Facebook bất ngờ tuyên bố đổi tên thành Meta, đặt mục tiêu phát triển vũ trụ ảo metaverse. Một số chuyên gia cho rằng công ty chọn tên mới nhằm né tránh bê bối.
Mạng 5G vẫn chưa phổ biến
Mạng di động thế hệ thứ 5 được đánh giá là bước nhảy vọt về công nghệ để thay đổi cuộc sống nhờ vào tốc độ cao, ổn định. Giới chuyên gia dự đoán, 2021 sẽ là năm 5G bùng nổ ở tất cả các lĩnh vực, đồng thời thay thế 4G. Tuy vậy, đến nay mạng 5G mới chỉ được áp dụng hạn chế tại hầu hết quốc gia. Các ứng dụng thực tiễn được kỳ vọng như thành phố thông minh, ô tô tự lái... chưa thực sự phổ biến.
Theo Khoa học và Đời sống