Khởi nghĩa Nam Kỳ - một sự kiện lịch sử hào hùng, oanh liệt của nhân dân Nam Kỳ trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hòa chung với khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu oanh liệt và ý chí quật cường của đồng bào và chiến sĩ Nam Kỳ, khắp nơi trong cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và các Đảng bộ địa phương đã dấy lên các phong trào ủng hộ Nam Kỳ với nhiều hình thức phong phú. Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, chống đàn áp, khủng bố, thiết thực chống chính sách áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc.
Trung ương Đảng kêu gọi đảng bộ các địa phương cả nước ủng hộ khởi nghĩa Nam Kỳ
Ngay sau Hội nghị Trung ương đầu tháng 11 năm 1940, đồng chí Phan Đăng Lưu quay trở lại miền Nam để hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ theo quyết định của Hội nghị Trung ương. Tuy nhiên, khi vừa đến về Sài Gòn, đồng chí bị bắt địch bắt vào đêm 22-11-1940, chưa kịp truyền đạt chỉ thị của Trung ương. Do đó, Xứ ủy Nam Kỳ không nắm được chủ trương hoãn cuộc khởi nghĩa. Do thúc bách của tình thế, Xứ ủy Nam Kỳ phát lệnh toàn Nam Kỳ nổi dậy vào đêm 22 rạng sáng 23-11-1940. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ khắp các tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu… với khí thế mạnh mẽ chưa từng có.
Đêm 22 rạng sáng ngày 23-11-1940, cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long (Ảnh tư liệu)
Ngay khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, qua phân tích tình hình và báo chí công khai, Trung ương Đảng nhận định, nhân dân Nam Kỳ đã nổi dậy khởi nghĩa. Trước tình thế đã rồi, lập tức Ban Thường vụ Trung ương ra Hiệu triệu các đồng chí, cấp bộ Đảng Cộng sản Đông Dương, kêu gọi toàn Đảng lãnh đạo quần chúng đứng lên hành động cùng với Đảng bộ Nam Kỳ: “Thế là cách mạng đã bốc cháy ở phía Bắc và phía Nam Đông Dương rồi! Cái trách nhiệm của Đảng bộ (Nam Kỳ) là phải làm cho ngọn lửa đó cháy đến các tỉnh chung châu rồi bén sang dãy núi Hoành Sơn để thiêu đốt cả hệ thống thuộc địa của Pháp và đánh tan cuộc đế quốc chiến tranh ở trên bán đảo Đông Dương”[1]. Đồng thời, Trung ương yêu cầu Đảng bộ Nam Kỳ phải thống nhất chặt chẽ ý chí và hành động, phải khăng khít liên lạc, phối hợp giữa các địa phương, không được do dự lừng chừng, phải hăng say, cương quyết tranh đấu, phải làm gương anh hùng, dũng cảm cho nhân dân cả nước noi theo.
Trong lúc cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đang sục sôi mạnh mẽ, Ban Thường vụ Trung ương Đảng tiếp tục ra Thông cáo khẩn cấp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, yêu cầu các Đảng bộ Trung Kỳ, Bắc Kỳ phải lập tức tổ chức những cuộc hưởng ứng khởi nghĩa Nam Kỳ, nhằm gây thêm thanh thế cho quần chúng lao động; đồng thời, làm phân tán lực lượng của thực dân Pháp, tránh sự đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân Nam Kỳ. Ban Thường vụ Trung ương cũng thẳng thắn phê bình các đảng bộ, các địa phương vẫn còn hưởng ứng “yếu ớt” và cho rằng các đảng bộ vẫn quen hoạt động theo “thời kỳ bình thường” mà chưa đặt mình vào thời kỳ đấu tranh vũ trang mới.
Để phát huy thanh thế của khởi nghĩa Nam Kỳ, Trung ương yêu cầu các đảng bộ địa phương phải nhanh chóng tổ chức các cuộc bãi công, bãi khóa, bãi thị, phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh, tuần hành, mít tinh… Nơi nào phát động được du kích chiến tranh thì phải biến đội tự vệ thành đội du kích để tùy thời đánh úp các đồn trại, tước khí giới, tịch thu tài sản của thực dân, đế quốc. Những nơi gần đường giao thông quan trọng thì phải tổ chức các đội biệt động bí mật đánh phá cầu, đường sắt, ngăn chặn sự điều động binh lính, khí giới của thực dân Pháp. Tại các nhà máy, xí nghiệp, trường học và các khu đông dân cư, các đảng bộ phải tổ chức các cuộc diễn thuyết, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh, tố cáo tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi ủng hộ nhân dân Nam Kỳ.
Ngoài bản Hiệu triệu và Thông cáo, Ban Thường vụ Trung ương còn ban hành nhiều truyền đơn kêu gọi các tầng lớp nhân dân, binh lính ủng hộ cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nam Kỳ. Nội dung khẩu hiệu là: “Đả đảo đế quốc chiến tranh!”, “Hãy noi gương chiến sỹ Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Sơn và Nam Kỳ!”, “Đả đảo bọn Việt gian thân Pháp, thân Nhật!”, “Đông Dương cách mạng thành công muôn năm!”…
Đảng bộ các địa phương hưởng ứng, ủng hộ cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nam Kỳ
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của các Xứ ủy và đảng bộ các tỉnh, ngay sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, tại các địa phương khắp cả nước, khí thế cách mạng trong nhân dân bùng lên sôi sục. Ở các tỉnh Bắc Bộ, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân về khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng thời, tích cực vận động nhân dân chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.
Tại Hà Nội, các tổ chức Công hội, Thanh niên phản đế gấp rút in sách, báo, truyền đơn, bí mật tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân về khởi nghĩa Nam Kỳ; kêu gọi nhân dân ủng hộ khởi nghĩa Nam Kỳ. Đồng thời, Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo thành lập các tổ hành động, giao nhiệm vụ bí mật chặn đánh, phá các chuyến tàu vận chuyển hàng hóa, vũ khí của thực dân Pháp từ Bắc vào Nam đàn áp nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, tháng 12-1940, một tổ hành động đã tìm cách chặn đoàn tàu tốc hành Bắc - Nam trên đoạn đường xe lửa Hà Nội - Văn Điển (cách Hà Nội khoảng 11 km). Tiếp đó, đêm 14, rạng ngày 15-1-1941, Đảng bộ Hà Nội cho tiến hành một đợt rải truyền đơn kêu gọi nhân dân hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ[2].
Tại Hà Đông, sau khi nhận được chỉ thị của Trung ương, những tháng cuối năm 1940, đầu năm 1941, Đảng bộ Hà Đông đã tiến hành nhiều đợt treo cờ, rải truyền đơn ở khu vực gần cầu Mai Lĩnh (Thanh Oai), ở ngã ba đường cuối thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa); kẻ khẩu hiệu trên đường số 6 ngang cây số 26 Hà Nội - Hòa Bình, thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ… Tại một số nơi đã tổ chức các cuộc mít tinh, diễn thuyết nhằm ca ngợi tinh thần chiến đấu của nhân dân Nam Kỳ.
Đầu năm 1941, Tỉnh ủy Hà Đông tổ chức nhiều cuộc họp tại Đại Mỗ, bàn kế hoạch phối hợp hoạt động với khởi nghĩa Nam Kỳ và hướng dẫn các cấp đảng, các tổ chức quần chúng học tập tinh thần chiến đấu oanh liệt của nhân dân Nam Kỳ. Đồng thời, phát động quần chúng thiết thực ủng hộ cuộc khởi nghĩa.
Tại Sơn Tây, Tỉnh ủy Sơn Tây lãnh đạo các cấp tiến hành tuyên truyền rộng rãi hưởng ứng khởi nghĩa Nam Kỳ và phát động đẩy mạnh mít tinh, tuyên truyền, rải truyền đơn. Nhiều nơi tại thị xã Sơn Tây, khu vực trại lính Thông - Sơn Lộc và trên các trục đường quan trọng như phố Gạch, Bún Thượng, Cầu Trôi, Quán Họ… đã xuất hiện truyền đơn, khẩu hiệu, kêu gọi nhân dân ủng hộ khởi nghĩa Nam Kỳ[3].
Tại Bắc Giang, Ban Cán sự Tỉnh ủy Bắc Giang thực hiện chỉ thị của Trung ương, từ cuối năm 1940, đầu năm 1941 ở khắp tỉnh lỵ Bắc Giang: Phủ Lạng Thương, phố Giỏ, phố Kép và các làng Đìa Đông, Xuân Phú, Tân An, Hương Gián, tổng Hoàng Vân… phối hợp với nhân dân các địa phương khác thuộc các phủ, huyện Lạng Giang, Lục Ngạn, Yên Thế, Hiệp Hòa… diễn ra hàng loạt các cuộc mít tinh, rải truyền đơn, dán áp phích, treo cờ Đảng. Quần chúng nhân dân hăng hái tham gia mít tinh, quyên góp tiền, vàng, quần áo, nhu yếu phẩm thiết thực ủng hộ cuộc khởi nghĩa. Với khí thế cách mạng của quần chúng, Ban Cán sự Tỉnh ủy Bắc Giang đã họp bàn công tác chuẩn bị xây dựng chiến khu ở các vùng núi Yên Thế (căn cứ cũ của Hoàng Hoa Thám), chuẩn bị đánh đồn Hà Vị (Phủ Lạng Thương) để chia lửa với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tuy nhiên, cuộc đánh đồn này không thành[4].
Tại Vĩnh Phúc, trên cơ sở chỉ thị của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, tháng 1-1941, Ban Cán sự Tỉnh ủy Vĩnh Yên và Tỉnh ủy Phúc Yên đồng loạt tổ chức cuộc mít tinh công khai hưởng ứng khởi nghĩa Nam Kỳ tại chợ Lồ (huyện Yên Lạc) và chợ Thượng Phúc (huyện Đông Anh), do một đồng chí trong Ban Cán sự trực tiếp phụ trách. Ngay trong cuộc mít tinh, nhiều truyền đơn được tung ra kêu gọi nhân dân hưởng ứng cuộc khởi nghĩa bằng cách không nộp thuế cho đế quốc[5].
Tại Thái Bình, nhận được thông báo của Trung ương và chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ, Tỉnh ủy Thái Bình triệu tập hội nghị đại biểu toàn tỉnh tại Kênh Son (huyện Kiến Xương) bàn những biện pháp thiết thực phối hợp hành động với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Hội nghị quyết định tổ chức 5 cuộc biểu tình vào ngày Tết âm lịch (đầu tháng 2-1941) ở các phủ, huyện Kiến Xương, Tiền Hải, Vũ Tiên, Thụy Anh, Hưng Nhân, phân công cán bộ phụ trách từng điểm, đồng thời, thực hiện một đợt treo cờ, rải truyền đơn rộng khắp. Mặc dù kế hoạch bị địch phát hiện và không thực hiện được, tuy nhiên, cờ búa liềm, truyền đơn vẫn xuất hiện ở nhiều nơi trong tỉnh; truyền đơn còn xuất hiện tại các trại lính, nội dung kêu gọi binh lính, nhân dân noi gương chiến đấu anh dũng của nhân dân Nam Kỳ, đả đảo thực dân, đế quốc xâm lược…
Ngoài ra, tại các địa phương miền Bắc như Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, nhiều nơi đã tổ chức các cuộc mít tinh quần chúng nhằm ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Nam Kỳ và kêu gọi quần chúng ủng hộ cuộc khởi nghĩa.
Tại Trung Kỳ, ngay sau khi Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương có Hiệu triệu và Thông cáo khẩn cấp kêu gọi cả nước đứng lên chiến đấu cùng các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, tháng 12-1940, Xứ ủy Trung Kỳ triệu tập hội nghị liên tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An quyết định phát động quần chúng đấu tranh, mở rộng phong trào phản đế. Sau hội nghị của Xứ ủy, tháng 1-1941, Ban Cán sự Tỉnh ủy Thanh Hóa triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại làng Phong Cốc (huyện Thọ Xuân). Hội nghị nhận định: “Tình hình rất khẩn trương, lửa cách mạng đã bùng cháy ở Nam, ở Bắc, Thanh Hóa phải làm gì để Trung - Nam - Bắc cùng nổi dậy đánh tan quân đế quốc, cứu lấy giang san Tổ quốc”[6]. Hội nghị quyết định phát động một phong trào đấu tranh, kết hợp đấu tranh chống thuế nhằm ủng hộ, phối hợp với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và mùa hè năm 1941. Sau hội nghị, công tác tuyên truyền, cổ động cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ được tổ chức rộng khắp. Truyền đơn, biểu ngữ kêu gọi quần chúng nhân dân ủng hộ cuộc khởi nghĩa được rải khắp nơi. Nhiều cuộc mít tinh đã được tổ chức tại những nơi có Hội phản đế cứu quốc. Nhiều cuộc quyên góp và phát hành tín phiếu do Mặt trận phản đế tổ chức để gây quỹ cho lực lượng vũ trang. Từ trong các phong trào quần chúng, các đội vũ trang được thành lập và tổ chức theo đơn vị các làng (ở Long Linh, Xá Lê, Kim Phúc…), mỗi làng có khoảng 10 đội viên[7].
Như vậy, có thể thấy cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ do Xứ ủy Nam Kỳ phát động theo đường lối chỉ đạo của Trung ương, cho nên Trung ương Đảng không chỉ dừng lại ở chỗ ca ngợi tình thần cách mạng, ý chí quật cường của nhân dân Nam Kỳ, mà đã có sự chỉ đạo quyết liệt phong trào cách mạng cả nước cùng đứng lên đấu tranh ủng hộ phong trào khởi nghĩa của nhân dân Nam Kỳ. Từ trong thực tế, phong trào cách mạng cả nước đã có sự chuyển biến rõ rệt, các đảng bộ, địa phương từ chỗ hoạt động cầm chừng, đã đặt mình vào thời kỳ đấu tranh vũ trang mới. Khắp cả nước, từ các phủ, huyện, tỉnh, liên tỉnh đến cấp khu, xứ nhiều nơi đã thành lập được các Ban bạo động (tức Ban chỉ huy khởi nghĩa) và có những hình thức, phương pháp, hình thức đấu tranh của thời kỳ cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã vượt ra phạm vi địa giới Nam Kỳ, ở một chừng mực nhất định, đã trở thành hành động cách mạng chung của cả nước. Văn kiện Hiệu triệu và Thông cáo khẩn cấp của Trung ương Đảng gửi các cấp bộ Đảng về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ không chỉ nhằm động viên, khích lệ, mà thực sự là một lời hiệu triệu cả nước ủng hộ và phối hợp hành động với Nam Kỳ. Điều đó thể hiện bản lĩnh chính trị và lòng quyết tâm của Đảng, của dân tộc khát khao đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, thoát khỏi kiếp nô lệ của thực dân, đế quốc.
Đỗ Phương
[1] Hiệu triệu các đồng chí, cấp bộ Đảng Cộng sản Đông Dương của Đảng Cộng sản Đông Dương, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. Phông Đại hội I và Hội nghị hợp nhất: TL ngày 25-11-1940 của Đảng Cộng sản Đông Dương, đơn vị bảo quản 167, 4 trang.
[2] Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội (1926-1954), Nxb Hà Nội, 1989, tr.126-127.
[3] Lịch sử Đảng bộ Hà Sơn Bình 1926-1945, xuất bản năm 1986, tr. 178-180, 290; Sơn thảo Lịch sử Cách mạng Tháng Tám Hà Đông, Sơn Tây, xuất bản 1967, tr.19.
[4] Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Hà Bắc, 1987, tr.71-72.
[5] Những sự kiện Lịch sử Đảng bộ Vĩnh Phú, tập I (1930-1954), 1982, tr.69.
[6] Tinh thần cuộc họp được phản ánh trong bài xã luận của báo Tự Do, cơ quan tuyên truyền, cổ động của Hội phản đế cứu quốc tỉnh. Kèm theo bài xã luận này, báo Tự Do minh họa một cuộc biểu tình quần chúng, trong đó giương cao ngọn cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh. Đến ngày 26-1-1941, các đồng chí trong Tỉnh ủy Thanh Hóa đã in lại hình ảnh lá cờ trong báo Tự Do (số 3). Từ đây, cờ đỏ sao vàng đã bí mật xuất hiện trong các cuộc luyện tập tự vệ, mít tinh của quần chúng. Đến ngày 19-8-1941, cờ đỏ sao vàng được tung bay tại Hang Treo, trong buổi lễ thành lập đội du kích Ngọc Trạo. Như vậy, có thể Thanh Hóa là tỉnh giới thiệu cờ đỏ sao vàng 5 cánh của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ sớm nhất trong cả nước. Theo: Những sự kiện Lịch sử Đảng bộ Thanh Hóa (1925-1945), 1978, tr. 130 và Lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.479.
[7] Sơ giản Lịch sử Cách mạng Tháng Tám Thanh Hóa (1939-1945), 1966, tr. 24-27.