Các khu vực ông Trump muốn kiểm soát, nguồn: vnexpress.net
Châu Mỹ có hình thế rất đặc thù, trải dài từ Bắc đến Nam bán cầu, cách biệt với châu Á, Âu, Phi, Úc. Ở châu lục này, Mỹ nằm ở vị trí địa chiến lược và là quốc gia có sức mạnh vượt trội so với các nước còn lại, vì vậy quá trình vận động địa chính trị ở đây chịu tác động rất mạnh từ các chính sách của Mỹ. Đặc biệt, kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11/2024, các tuyên bố của ông D. Trump đang khiến cho tình hình an ninh - chính trị ở châu Mỹ vận động mạnh mẽ.
Gia tăng căng thẳng Mỹ - Mexico
Mỹ và Mexico là hai quốc gia láng giềng có chung đường biên giới trên bộ và trên biển (vịnh Mexico), có mối quan hệ lịch sử lâu dài nhưng đầy phức tạp. Thời gian gần đây, vấn đề người di cư từ Mexico vượt biên giới sang Mỹ trở thành chủ đề lớn trong nền chính trị Mỹ và được ông D. Trump sử dụng như một công cụ trong tranh cử, đồng thời cũng là một con bài để Mỹ “mặc cả”, gây sức ép với Mexico trong các cuộc thương lượng liên quan đến quan hệ giữa hai nước sắp tới.
Sau khi đắc cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ thực hiện việc trục xuất hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ, đặc biệt là những người đến từ Mexico. Ngày 18/11/2024, ông tuyên bố sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động quân đội thực hiện cam kết trục xuất hàng loạt người di cư bất hợp pháp. Ngày 7/1/2025, ông D.Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico (và Canada) nhằm gây sức ép buộc Mexico siết chặt dòng người nhập cư và ngăn chặn vận chuyển chất ma túy tổng hợp fentanyl vào nước Mỹ.
Về vấn đề này, các quan chức Mexico thường yêu cầu Mỹ giải quyết các mối quan ngại nhân đạo liên quan đến những người xin tị nạn. Ngày 21/11/2024, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum lên tiếng phản đối kế hoạch trục xuất người nhập cư của ông D. Trump, đồng thời khẳng định không có lý do gì để trục xuất họ. Và, Mexico cũng tuyên bố sẵn sàng trả đũa bằng cách đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Ngày 7/1/2025, ông D. Trump đưa ra ý tưởng đổi tên “Vịnh Mexico” thành “Vịnh Mỹ”. Việc đổi tên như vậy sẽ thúc đẩy ý thức chủ quyền và tinh thần dân tộc của người Mỹ về vùng biển này, và vì thế có thể làm phai mờ hình ảnh của Mexico trên trường quốc tế. Ý định đổi tên vịnh Mexico có thể còn gắn với một chiến lược mới của Mỹ đối với vùng vịnh, làm gia tăng sự căng thẳng giữa hai nước. Phản ứng lại ý định đó, Tổng thống Mexico đã mỉa mai bằng cách nói đùa rằng nên đổi Bắc Mỹ thành “Mỹ thuộc Mexico” như tên gọi của một tấm bản đồ cổ vẽ từ năm 1607[1].
Mâu thuẫn Mỹ - Panama bùng phát
Ngày 21/12/2024, sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông D. Trump viết trên mạng xã hội rằng hải quân và thương mại Mỹ đang bị đối xử bất công khi đi qua kênh đào Panama. Ông nói, tàu thuyền của Mỹ đang chịu những khoản phí vô lý dù Washington đã đối xử “hào phóng” khi trao trả quyền kiểm soát kênh đào cho Panama năm 1999. “Nếu các nguyên tắc về đạo đức lẫn pháp lý của hành động này không được tuân thủ, chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại kênh đào Panama cho nước Mỹ một cách toàn diện, nhanh chóng”[2].
Tuyên bố có tính đe dọa của ông D.Trump đã thổi bùng hiềm khích lịch sử giữa Mỹ và Panama. Người dân thủ đô Panama đã biểu tình và gọi ông D.Trump là “kẻ thù”. Ngày 24/12/2024, những người biểu tình tập trung trước Đại sứ quán Mỹ ở Panama hô các khẩu hiệu yêu cầu ông Trump tôn trọng chủ quyền của Panama đối với kênh đào, khẳng định Panama là quốc gia có chủ quyền và kênh đào thuộc về người dân Panama [3]. Tổng thống Panama Jose Raul Mulino đã phản bác lời đe dọa từ ông D. Trump, nhấn mạnh đây là vấn đề không thể đàm phán, “mỗi mét vuông của kênh đào và vùng lãnh thổ bao quanh thuộc chủ quyền của Panama và kênh đào sẽ tiếp tục nằm trong tay Panama chứ không phải một cường quốc nào khác”[4].
Quyền kiểm soát kênh đào Panama là vấn đề lớn trong quan hệ Mỹ - Panama, vì đây là tuyến giao thương huyết mạch của thế giới nối liền Thái Bình Dương - Đại Tây Dương, thuộc lãnh thổ Panama, đem lại nguồn thu nhập quan trọng cho quốc gia Trung Mỹ này. Những tuyên bố của ông D. Trump khiến vấn đề kênh đào Panama lại nổi lên như một tâm điểm địa chính trị của châu Mỹ và thế giới, đồng thời làm gia tăng mâu thuẫn và căng thẳng giữa hai nước.
Quan hệ Mỹ Canada đứng trước nhiều thách thức
Thời gian gần đây, nhất là từ khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau từ chức ngày 6/1/2025, ông D. Trump liên tục đề cập đến ý tưởng biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 7/1/2024, ông đề cập đến ý tưởng dùng sức mạnh kinh tế để sáp nhập Canada, và tự đánh giá đó là “một ý tưởng táo bạo”[5]. Trước đó, ông D.Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 25% giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Canada (cùng với Mexico).
Có thể nói, sự gắn bó chặt chẽ và mối quan hệ mật thiết giữa Mỹ và Canada trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khiến cho ý tưởng sáp nhập Canada được một số nhà phân tích xem không phải là “viển vông” hay “bông đùa” của ông D.Trump. Những tuyên bố của ông D.Trump về vấn đề lãnh thổ gắn liền với những cảnh báo áp thuế cao với hàng hóa từ Canada hoặc loại bỏ thuế quan nếu Canada sáp nhập khiến cho vấn đề thêm phần nhạy cảm, ít nhiều gây hoang mang cho phía Canada trong bối cảnh tình hình chính trị nước này đang diễn biến phức tạp.
Đứng trước những tuyên bố của ông Trump, Giới chức Canada đã phản ứng quyết liệt và khẳng định không bao giờ trở thành một phần của Mỹ. Cuộc thăm dò ngày 6-9/12/2024 cho thấy, 82% người Canada không muốn quốc gia trở thành một phần của Mỹ, trong khi đó có 13% có nguyện vọng này6]. Nhìn vào thực tế hiện nay, có thể khẳng định ý đồ sáp nhập Canada sẽ khôngnhững không thể thành hiện thực mà nó đang khiến cho quan hệ hai nước đứng trước nhiều thách thức. Canada cũng nhiều lần tuyên bố sẽ buộc phải trả đũa nếu Mỹ áp thuế lên các sản phẩm của nước này. Đó là những dấu hiệu cho thấy rằng, quan hệ Mỹ - Canada đang đứng trước nhiều sóng gió, khó có thể tốt đẹp như đã có trong thời gian sắp tới.
Vấn đề chủ quyền đảo Greenland nóng lên
Tổng thống đắc cử D. Trump gần đây nhiều lần đề cập ý định mua đảo Greenland - vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, có diện tích hơn 2 triệu km2, dân số 57.000 người, được xem là một phần của lục địa Bắc Mỹ. Thậm chí, ngày 7/1/2025, ông D. Trump còn tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát hòn đảo. Theo góc nhìn của Mỹ, đảo Greenland có vai trò quan trọng về địa chiến lược, quan hệ mật thiết với an ninh quốc gia Mỹ, có cơ hội phát triển mới khi băng tan, tuyến thương mại quốc tế qua Bắc Cực đang hình thành.
Ý đồ kiểm soát đảo Greenland khiến cho sự vận động chính trị của hòn đảo này gắn liền với sự vận động địa chính trị ở châu Mỹ cũng như những tác động lan tỏa tới nhiều quốc gia, khu vực khác. Tuyên bố của ông D.Trump gặp phải sự phản đối của Đan Mạch và nhiều quốc gia châu Âu và nó cũng đang làm cho ý thức độc lập của hòn đảo này gia tăng. Sau các thông điệp của ông D. Trump, lãnh đạo Greenland Mute Egede thẳng thừng bác bỏ ý tưởng đó, khẳng định “hòn đảo của chúng tôi không phải để bán và sẽ không bao giờ để bán”[7], đồng thời nhấn mạnh người dân hòn đảo muốn “tự làm chủ ngôi nhà của mình”[8].
Người dân Greendland thì có những tâm trạng trái ngược nhau: một bộ phận lo ngại vì có thể mất đi hệ thống phúc lợi từ Đan Mạch hay ngôn ngữ bản địa bị biến mất,v.v..; nhưng một bộ phận khác thì hào ứng vì Mỹ có vẻ hấp dẫn hơn Đan Mạch. Thực tế đó khiến cho vấn đề đảo Greenland có thể sẽ diễn biến phức tạp, đặc biệt là khi lượng cư dân ở đây rất nhỏ lại sinh sống trên một lãnh thổ rộng lớn. Mỹ cũng đã có một căn cứ quân sự trên hòn đảo này.
Như vậy, có thể thấy những tuyên bố của Tổng thống Mỹ đắc cử D. Trump về vấn đề nhập cư, thuế quan, việc kiểm soát kênh đào Panama ở Trung Mỹ, Canada và đảo Greenland ở phía Bắc là nhất quán với chiến lược “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, “đặt nước Mỹ lên trước hết” do chính ông đề xướng. Những ý tưởng đó có thể tạo thế nhất định cho Mỹ trong các cuộc đàm phám, mặc cả sắp tới với các bên liên quan nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức trong quan hệ giữa Mỹ với nhiều quốc gia vốn là đồng minh, đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực. Điều đó có thể dẫn tới những đảo lột trong trật tự và địa chính trị ở khu vực và trên thế giới thời gian tới.
………………..................
[1]. Huyền Lê, “Mexico mỉa mai ý tưởng của ông Trump về đổi tên vịnh”, https://vnexpress.net, ngày 9/1/2025.
[2], [4]. Gram Slattery, “Trump threatens to retake control of Panama Canal”, https://www.reuters.com, ngày 23/12/2024.
[3]. Thanh Danh, “Người Panama biểu tình phản đối lời đe dọa về kênh đào của ông Trump”, https://vnexpress.net,ngày 25/12/2024.
[5]. Hà Thu, “Kinh tế Mỹ - Canada gắn bó với nhau như thế nào”, https://vnexpress.net, ngày 8/1/2025.
[6]. Đức Trung, “Người Canada nghĩ gì về ý tưởng sáp nhập vào Mỹ của ông Trump?”, https://vnexpress.net, ngày 9/1/2025.
[7]. Đức Hoàng, “Khảo sát: hơn một nửa người Greenland ủng hộ sáp nhập vào Mỹ”, https://dantri.com.vn, ngày 13/1/2025.
[8]. Thanh Danh, “Lãnh đạo Greenland sẵn sàng đối thoại với ông Trump”, https://vnexpress.net, ngày 11/1/2025.
Nguyễn Văn Chuyên