1. Khi nói về niềm tin, nhà khoa học William Jame khẳng định: “niềm tin tạo ra hiện thực” (Belief creates the actual fact). Chính có một niềm tin mãnh liệt mà con người - dân tộc Việt Nam đã vượt qua biết bao gian nan, thử thách để phát triển như ngày hôm nay. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, giải phóng dân tộc niềm tin của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam được đặt vào một mục tiêu đó là chiến thắng kẻ thù, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chính niềm tin vào sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh của chính nghĩa đã hun đúc nên khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên ý chí, quyết tâm để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.
Trong quá trình đổi mới đất nước, mặc dù có những lúc chúng ta đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng với niềm tin đúng đắn vào hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của toàn dân tộc, chúng ta đã tạo nên nhiều thành tựu to lớn, đưa Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thế giới.
Kinh tế phát triển, xã hội ổn định là cơ sở then chốt để Nhân dân đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, hiện nay do sự chi phối bởi các quan hệ lợi ích và biến đổi nhu cầu cuộc sống trong nền kinh tế thị trường, dưới sự tác động tiêu cực của nhiều yếu tố mới từ bên ngoài, cùng với nội tại bên trong của đất nước còn nhiều hạn chế, bất cập đã làm cho niềm tin của một số ngườicó xu hướng suy giảm. Đó là sự suy giảm niềm tin giữa con người với nhau, suy giảm niềm tin của con người vào thể chế xã hội, suy giảm niềm tin vào kỷ cương của luật pháp, vào tương lai phát triển của đất nước,…
Lợi dụng sự suy giảm niềm tin đó, các các thế lực thù địch, phản động đang ráo riết bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, vừa trực diện, vừa ẩn mình chống phá Đảng và Nhà nước ta. Bằng những quan điểm sai trái, chúng tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng; chống phá sự lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng ta, lịch sử cách mạng; bôi nhọ cá nhân các lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng; lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của Đảng để xuyên tạc bản chất của Đảng... Tất cả các hành động đó nhằm hướng tới làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, từ đó kích động nhân dân tiến hành bạo loạn, lật đổ chế độ. Điều này đã diễn ra ở một số địa phương trong thời gian qua và nguy cơ tiềm ẩn vẫn đang hiện hữu. Do vậy, quan tâm, tăng cường xây dựng, củng cố niềm tin là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và thường xuyên lâu dài của chúng ta hiện nay, đây cũng là hình thức đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch.
2. Để đấu tranh làm thất bại âm mưu thâm hiểm đó của các thế lực thù địch, hơn lúc nào hết chúng ta cần tăng cường xây dựng, củng cố niềm tin cho nhân dân, cụ thể là:
Thứ nhất, tăng cường xây dựng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Để thực hiện điều này thì quan trọng nhất là cần thực hiện nghiêm túc các cam kết chính trị giữa Đảng với Nhân dân trên các vấn đề cơ bản của đời sống xã hội. Trong Đảng cần xây dựngcơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Kiểm soát quyền lực là để bảo đảm cam kết của Đảng trong việc xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Quyền lực sinh ra là để bảo vệ và phục vụ nhân dân, kiểm soát quyền lực là để cho quyền lực được sử dụng đúng với mục đích, đúng thẩm quyền, vì lợi ích chung của nhân dân, của đất nước.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là điểm tựa niềm tin của nhân dân. Điều quan trọng nhất là khắc phục tình trạng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong hệ thống chính quyền; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường quản lí chặt chẽ cán bộ, đảng viên; khắc phục những bất hợp lí trong công tác cán bộ. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp.
Thứ ba, cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, xử lí kỉ luật những người vi phạm thật sự nghiêm minh. Đặc biệt cần có cơ chế, pháp luật để loại trừ “tham nhũng vặt”. “Tham nhũng vặt” dù không lớn nhưng hàng ngày tác động trực tiếp đến nhân dân, nhân dân thường ngày bắt gặp, thậm chí “bắt buộc” phải làm những hành vi sai trái mà mình không muốn. Điều kì vọng, tin tưởng nhất của quần chúng nhân dân hiện nay vẫn là việc chống tham nhũng triệt để và hiệu quả. Làm được những điều này sẽ góp phần to lớn đối với việc củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng.
Chống tham nhũng triệt để và hiệu quả là chìa khoá để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng,
với chế độ
Thứ tư, tăng cường cơ chế dân chủ, công bằng và phát huy vai trò làm chủ của quần chúng nhân dân. Cần xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, công bằng với cốt lõi “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Bởi vì dân chủ - sáng kiến - hăng hái luôn đi liền với nhau, dân chủ, công bằng chính là chìa khóa vạn năng, là xung lực của đổi mới và là động lực để phát huy tất cả năng lực của con người. Có dân chủ, công bằng sẽ có được niềm tin của dân, có niềm tin của dân sẽ có tất cả. Đảng, chính quyền phải học cách lắng nghe ý kiến của nhân dân. Trong lấy ý kiến của nhân dân thì không chỉ “mở rộng cửa công quyền để đón dân vào” mà cần “tìm đến dân”, đặc biệt là vai trò của những người đứng đầu.
Thứ năm, cần phải quan tâm kịp thời đến đời sống vật chất của nhân dân. Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền các cấp cần xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển toàn diện. Đây chính là chìa khoá mấu chốt cho việc xây dựng và phát triển niềm tin hiện nay. Cần đặc biệt chú trọng nghiên cứu xây dựng chính sách đối với đồng bào vùng miền núi, biển đảo, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở những khu vực đặc biệt khó khăn. Chú trọng khắc phục những hậu quả thiên tai, bảo đảm các cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Thứ sáu, chú trọng xây dựng, củng cố văn hoá ứng xử trong cộng đồng. Trong đó, vấn đề cơ bản và quan trọng nhất là đạo đức và nhân cách của người ứng xử. Trách nhiệm đầu tiên phải được bắt nguồn từ gia đình vì đây mới là nơi thế hệ trẻ được học những giá trị sống và những kĩ năng sinh tồn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần định hình những phong cách văn hoá ứng xử phù hợp và đưa vào nội dung giảng dạy cho học sinh các cấp. Và cao hơn hết là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước cùng chính quyền các cấp, cần phải tạo ra được những định chế mang tính bắt buộc bởi nếu không có cơ chế bắt buộc thi hành thì văn hoá ứng xử sẽ không thể nhân rộng, thậm chí ngày càng bị phai mờ và mất đi. Việc gìn giữ văn hoá vừa giúp giữ vững niềm tin nhưng cũng đồng thời là để nuôi dưỡng niềm tin cho con người với thời gian.
Thứ bảy, chú trọngthực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.Đây cũng chính là những vấn đề rất then chốt để xây dựng niềm tin cho mỗi cá nhân và cho cộng đồng.Thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Điều quan trọng là cần quantâm đầy đủ các điều kiện, các cơ sởđể mỗi người dân cảm thấy tin tưởng khi sử dụng các dịch vụ y tế; bảo vệvà chăm sóc sức khoẻ, sự công bằng trong việc phân bổ các quyền lợi một cách công bằng của ngành y tế - là một cơ sở căn cốt để xây dựng niềm tin cho con người.
Không phải ngẫu nhiên mà các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề “niềm tin” để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, vì rằng “niềm tin” có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói: “Chúng ta không sợ bất kì một thế lực nào, dù là hung bạo nhất, chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, vào Nhà nước và chế độ ta”. Để đấu tranh và chiến thắng âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch thì chúng ta cần tăng cường xây dựng, củng cố niềm tin, đây cũng vấn đề quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước hiện nay trong quá trình hội nhập và phát triển, khi có niềm tin vững chắc thì sẽ làm được tất cả và có được tất cả.
Thành Lê