Câu hỏi: Xin Ban biên tập cho biết tác động của mạng xã hội đến đời sống con người?
Trả lời:
* Tác động tích cực
Mạng xã hội là nơi người dùng có thể giao lưu chia sẻ với nhau những thông tin hữu ích giúp nâng cao kỹ năng sống và mở mang sự hiểu biết,… Bên cạnh đó, nó còn hướng đến mục tiêu xây dựng một cộng đồng có giá trị, nâng cao vai trò của mọi người trong các mối quan hệ, thiết lập các nhóm người có cùng mục đích.
Ngoài ra, mạng xã hội còn có một số lợi ích như:
- Cập nhật thông tin nhanh: Thông qua mạng xã hội, người dùng cập nhật nhanh chóng các chủ đề hấp dẫn trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, có thể cập nhật tin tức của mình trên mạng xã hội để chia sẻ với mọi người, có thể xem phim, video ca nhạc...
- Tạo ra nhiều mối quan hệ: Mạng xã hội thúc đẩy sự tương tác giữa mọi người. Trò chuyện qua mạng xã hội giúp mỗi người dễ dàng liên lạc với bạn bè, người thân mọi lúc mọi nơi.
- Thực hiện hoạt động kinh doanh - quảng cáo: Mạng xã hội cho phép các cá nhân quảng bá hình ảnh, thông tin sản phẩm, mua bán, trao đổi hàng hóa... bằng cách tạo trang miễn phí.
* Tác động tiêu cực
Bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội còn có một số tác động tiêu cực như:
- Giảm sự tương tác ngoài xã hội: Tham gia mạng xã hội, mỗi người có xu hướng phụ thuộc vào nó, thậm chí “nghiện” mạng xã hội nên ít có nhu cầu giao tiếp, coi trọng các mối quan hệ “ảo” hơn là quan hệ thực tế nên sự tương tác ngoài xã hội bị thu hẹp.
- Gây ra trầm cảm: Thức khuya và sử dụng nhiều điện thoại cũng như các thiết bị điện tử có kết nối mạng có thể khiến nhiều người kiệt sức và dẫn đến các rối loạn về cảm xúc và tinh thần, nghiêm trọng hơn là mắc bệnh trầm cảm, ảo tưởng, xa rời thực tế.
- Phát sinh bạo lực mạng xã hội: Lợi dụng mạng xã hội, nhiều người nảy ra ý định bình luận vì đam mê của bản thân mà không nghĩ đến cảm nhận, suy nghĩ của người khác khi tiếp nhận những bình luận tiêu cực đó sẽ như thế nào. Đôi khi quá nhiều bình luận tiêu cực đã dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là tự tử, rối loạn tâm lý. Nhiều trường hợp đã xảy ra xung đột, bạo lực trên mạng xã hội.
- Mất động lực, mục tiêu: Khi tập trung quá nhiều vào mạng xã hội, nhiều người thường quên mất những gì đã từng muốn làm và tiếp tục hành trình. Thay vì tự tạo ra một tương lai tươi sáng cho bản thân, nhiều người lại trở thành những “anh hùng bàn phím”, quá đam mê hoặc lệ thuộc vào mạng xã hội mà mất đi mục tiêu, động lực sống của mình.
- Ảnh hưởng quyền riêng tư: Khi tham gia mạng xã hội, nhiều người bị mất đi quyền riêng tư nếu trang cá nhân bị hacker tấn công, đánh cắp thông tin cá nhân. Có nhiều trường hợp khi trang cá nhân bị mất quyền kiểm soát, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng để trục lợi hoặc bêu xấu danh dự, uy tín cá nhân của chủ tài khoản.
- Sống “ảo”: Tham gia nhiều mạng xã hội khiến nhiều người có xu hướng thích sống “ảo”, thường xuyên đăng ảnh/video/status để “câu view”, “câu like”, thích sự tán dương của người khác trên mạng xã hội, lâu dần tạo thành lối sống phù phiếm, không thực tế.
BBT