Đạo luật trí tuệ nhân tạo (AI) của Liên minh châu Âu (EU) đề xuất đang gây nhiều tranh cãi. (Nguồn: CNN) |
Bức tranh sẽ phần nào trở nên sáng tỏ hơn nếu giải đáp được những câu hỏi sau.
Câu hỏi đầu tiên là: AI sẽ thay đổi cán cân quyền lực giữa các quốc gia như thế nào? Liệu nó sẽ thu hẹp khoảng cách về quyền lực giữa các nước hay tập trung nhiều quyền lực hơn vào một số nước lớn?
Trong lịch sử, quyền lực quốc gia thường chỉ được đo lường bởi tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự. Trong tương lai, năng lực phát triển công nghệ AI cũng như khả năng vận dụng, tích hợp AI vào bộ máy quản trị của quốc gia sẽ tạo ra lợi thế đáng kể, cho phép bộ máy vận hành một cách trơn tru, hiệu quả và ổn định hơn. Điều này nhiều khả năng sẽ có lợi nhất cho các quốc gia đang dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ như Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia đã và đang khai thác AI để đạt được lợi thế chiến lược trong các lĩnh vực cốt yếu như kinh tế, quân sự, ngoại giao và quản lý xã hội.
AI vì thế sẽ dễ tập trung quyền lực vào tay của một số quốc gia thay vì phân tán nó, bởi chỉ một số nước mới vừa sở hữu kho tàng dữ liệu khổng lồ, vừa có cơ sở hạ tầng công nghệ và tài chính để liên tục vận hành và cập nhật các hệ thống AI một cách hiệu quả. Ưu thế vượt trội mà hai siêu cường này đã có trong lĩnh vực AI có sẽ củng cố vị thế của họ trên trường quốc tế, ngăn cản việc trật tự hiện nay dịch chuyển theo hướng đa cực. Nhìn chung, AI có thể làm gia tăng khoảng cách giữa những nước có công nghệ AI tiên tiến và phần còn lại.
Tuy nhiên, kết cục này không phải là chắc chắn. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới tác động của AI tới cán cân quyền lực giữa các nước. Một là sự xuất hiện của những đột phá bất ngờ về AI ở các nước nhỏ và tầm trung, vô hình trung phá thế “độc quyền” về AI của các nước lớn. Yếu tố thứ hai cần kể đến là tốc độ ứng dụng và tích hợp AI khác nhau của các quốc gia. Những nước nhỏ có thể đi sau và sẽ không tạo ra được những hệ thống AI tân tiến nhất song trên lý thuyết, họ có thể khai thác công nghệ AI một cách hiệu quả và khôn ngoan hơn các nước lớn.
Câu hỏi thứ hai là: AI sẽ thay đổi như thế nào tới khả năng xảy ra và cường độ của xung đột vũ trang? Nói cách khác, xung đột sẽ xảy ra nhiều hơn hay ít hơn, với số lượng thương vong nhiều hơn hay ít hơn trong một thế giới của AI?
Sự xuất hiện của AI trong quân sự tạo ra một nghịch lý về xung đột vũ trang trong tương lai. Một mặt, AI có thể giảm thương vong trong chiến tranh một cách đáng kể. Các kỹ thuật đánh mục tiêu chính xác và sự hỗ trợ của các thuật toán trong khâu ra quyết định có thể dẫn đến một hình thức chiến tranh chính xác hơn bao giờ hết, giảm thiểu thiệt hại cho cả đôi bên.
Tuy nhiên, việc AI khiến cho xung đột vũ trang trở nên “rẻ” hơn và “sạch” hơn có thể dẫn đến việc các quốc gia ngày càng tăng tần suất tiến hành. Khả năng xảy ra nhiều cuộc chiến hơn nếu nguy cơ thương vong cho cả đôi bên giảm đáng kể. Các nhà lãnh đạo có thể sẵn sàng sử dụng các lựa chọn quân sự hơn nếu chiến tranh do AI điều khiển hứa hẹn mang lại kết quả nhanh chóng, hiệu quả và rõ ràng.
Dù vậy, tác động của AI đối với tần suất cũng như cường độ của xung đột sẽ hết sức phức tạp và đa chiều. Nguy cơ leo thang vẫn còn đó, cũng như khả năng xảy ra phản ứng dữ dội của quốc tế đối với các quốc gia tham gia vào cuộc chiến do AI điều khiển mà không có sự cân nhắc thích đáng về khả năng phán đoán và trách nhiệm giải trình của con người. Hơn nữa, phản ứng của cộng đồng quốc tế, thông qua các khuôn khổ pháp lý tiềm năng, cũng có thể điều tiết mức độ tích hợp AI vào các hoạt động quân sự.
Câu hỏi thứ ba là: Liệu AI có thể giúp đỡ con người một cách đáng kể trong việc ứng phó với các vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu hay không?
Tiềm năng của AI trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu sẽ là rất lớn, bởi nó có thể cung cấp các giải pháp mang tính đột phá trên nhiều lĩnh vực. Khả năng xử lý dữ liệu vô song của AI cho phép tổng hợp nhiều định dạng và khối lượng thông tin khổng lồ để đưa ra các sách lược phù hợp nhằm đối phó với các vấn đề toàn cầu cấp bách như biến đổi khí hậu.
Sự ra đời của ChatGPT và các công cụ AI tạo sinh đánh dấu một bước đột phá lớn trong lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo. (Nguồn: Internet) |
Bằng cách phân tích dữ liệu liên tục, AI có thể dự đoán những thay đổi của môi trường với độ chính xác cao, tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng và phát triển các phương pháp đổi mới để giảm lượng khí thải carbon. Trong lĩnh vực y tế công cộng, AI có thể đóng vai trò là “bức tường thành” chống lại sự lây lan của dịch bệnh và đại dịch. Nó có thể nâng cao tốc độ và độ chính xác của các dự báo, giúp ta nhanh chóng kiểm soát các đợt bùng phát bằng cách khai thác dữ liệu y tế công cộng và phân phối vaccine một cách nhanh chóng đến những nơi trọng yếu nhất.
Hơn nữa, đóng góp của AI trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu còn có tiềm năng mở rộng sang lĩnh vực an ninh quốc tế và viện trợ nhân đạo. Nó có thể giúp giám sát các khu vực xung đột, dự báo dòng người tị nạn và tối ưu hóa việc cung cấp viện trợ cho những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. AI do đó có thể đóng vai trò là “xương sống” của một hệ thống mới, phản ứng nhanh hơn và hiệu quả hơn để hợp tác quốc tế và phân phối viện trợ, giảm thời gian ứng phó với thảm họa nhân đạo và nâng cao hiệu quả của những phản ứng này.
Câu hỏi cuối cùng và có lẽ quan trọng nhất là: Liệu các nước có đạt được một thoả thuận quốc tế để kiểm soát AI trước khi quá muộn hay không?
Anh Quốc dưới chính quyền của Thủ tướng Rishi Sunak mới đây đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về chủ đề “an toàn AI”, thể hiện một bước tiến đáng kể hướng tới hợp tác quốc tế trong việc quản lý rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Kết quả là một mặt trận thống nhất không chỉ giữa các nhà lãnh đạo chính trị và các công ty công nghệ trong việc thiết lập các giao thức an toàn (safety protocols) cho AI, mà còn giữa hai siêu cường đang cạnh tranh công nghệ quyết liệt với nhau là Mỹ và Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trên thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra tại Bletchley, phía Bắc thủ đô London, Vương quốc Anh ngày 1-2/2023. (Nguồn: Euronews) |
Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh này mới chỉ là bước đầu mang tính biểu trưng. Khả năng các quốc gia đạt được một thỏa thuận có ý nghĩa để kiểm soát AI trong tương lai sẽ còn phụ thuộc vào sự tương tác phức tạp của nhiều yếu tố.
Điều quan trọng là những nước đang có lợi thế về AI và những nước đang theo sau phải tìm được tiếng nói chung khi họ có mâu thuẫn về lợi ích rõ ràng: Các nước mạnh sẽ ưu tiên việc khai thác AI để đạt được lợi ích kinh tế và duy trì ưu thế về quyền lực, trong khi các nước yếu hơn sẽ ủng hộ các quy định kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chúng ta đã có các tiền lệ như Công ước về Vũ khí Hóa học (CWC), cho thấy rằng ngay cả trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, vẫn có thể tìm thấy điểm chung khi lợi ích của việc cùng nhau hạn chế một công nghệ tiềm ẩn nguy cơ tiềm tàng vẫn lớn hơn việc để nó phát triển một cách mất kiểm soát.
Bên cạnh đó cũng cần tăng cường năng lực giám sát của cộng đồng quốc tế. Việc thiết lập các biện pháp kiểm soát có khả năng thích ứng với tốc độ phát triển nhanh chóng của AI sẽ đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật và sự phối hợp chưa từng có giữa các quốc gia. Tính minh bạch trong nghiên cứu và phát triển AI sẽ là điều tối quan trọng để đảm bảo tuân thủ, giống như các giao thức kiểm tra là trọng tâm của các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Cuối cùng và quan trọng nhất chính là ý thức của người dân. Suy cho cùng, những người lãnh đạo sẽ có động lực để hành động quyết liệt nhất khi chính người dân của họ đòi hỏi sự quyết liệt đó. Nếu người dân ở mọi quốc gia đều ủng hộ chính phủ mình có những hành động thực chất để đảm bảo sự an toàn của AI, các nước sẽ có động lực để hợp tác với nhau trong nỗ lực hết sức tham vọng này. Nếu không, chúng ta sẽ có nguy cơ bị làn sóng AI lấn lướt.
Nguồn: baoquocte.vn