Tài chính xanh (Green Finance) là các hoạt động huy động và phân bổ nguồn tài chính từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cá nhân để đầu tư cho các dự án, hoạt động có tác động tích cực đến môi trường và xã hội, giảm thiểu tác hại và quản lý rủi ro môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Theo Sachs và cộng sự (2019), tài chính xanh đề cập đến một danh mục rộng lớn các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ (bao gồm rủi ro tài chính, quản lý liên quan đến khí hậu và môi trường), các công cụ và cơ chế trong lĩnh vực tài chính được liên kết với các khoản đầu tư vào các hoạt động kinh doanh và công nghiệp có thể tạo ra các hoạt động bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường, bao gồm đất, nước, đa dạng sinh học, không khí và con người. Còn theo Scholtens (2017), tài chính xanh là sự giao thoa giữa hành vi thân thiện môi trường và lĩnh vực tài chính và kinh doanh.
Theo Nawaz và cộng sự (2021), tài chính xanh có thể được hiểu một cách đơn giản nhất là một tập hợp các chiến lược và phương pháp để đạt được hoặc huy động và phân bổ quỹ (cả khu vực tư nhân và công, cũng như đóng góp từ thiện) để thu hẹp khoảng cách đầu tư lớn trong việc tạo ra và duy trì các công trình mới, có khả năng thích ứng với khí hậu, cơ sở hạ tầng bền vững. Điều này sẽ giúp các quốc gia giải quyết nhiều thách thức xã hội, đáp ứng các cam kết hành động khí hậu của họ và quyết tâm quốc gia đóng góp phù hợp với Thỏa thuận Paris và đạt được mười bảy mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc trong thập kỷ hiện tại từ năm 2021 đến năm 2030.
Theo UNEP (United Nations Environment Programme - Chương trình môi trường Liên hợp quốc), tài chính xanh nhằm tăng mức độ dòng tài chính (từ ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư) từ khu vực công, tư nhân và phi lợi nhuận tới các ưu tiên phát triển bền vững. Một phần quan trọng của việc này là quản lý tốt hơn các rủi ro môi trường và xã hội, nắm bắt các cơ hội mang lại cả tỷ suất lợi nhuận và lợi ích môi trường hợp lý, đồng thời mang lại trách nhiệm giải trình cao hơn.
ENERTEAM, đơn vị tư vấn kỹ thuật trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng và nguồn tài nguyên trong hơn 20 năm qua, đưa ra định nghĩa: “Tài chính xanh” (trong lĩnh vực ngân hàng thường hay gọi là “tín dụng xanh”) là: “Những hỗ trợ về tài chính hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường một cách hiệu quả và có ý nghĩa”.
Tài chính xanh có thể được coi là cách tiếp cận chiến lược của ngành tài chính để đáp ứng những thách thức của biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi sang một thế giới carbon thấp. Tài chính xanh bao gồm một loạt các sản phẩm tài chính và dịch vụ, có thể được chia rộng rãi thành ngân hàng, các sản phẩm đầu tư và bảo hiểm như tín dụng xanh, vay xanh, trái phiếu xanh,….
Tín dụng xanh: Tín dụng xanh (Green Credit) là các khoản vay xanh mà các tổ chức tín dụng cho vay nhằm tài trợ hoặc tái tài trợ cho một phần hoặc toàn bộ dự án xanh. Các khoản vay xanh thường là khoản vay có kỳ hạn hoặc tuần hoàn.
Một số định nghĩa khác cũng cho rằng, tín dụng xanh là các dòng vốn tín dụng hướng đến các hoạt động không gây ô nhiễm môi trường sinh thái, thiết lập trạng thái cân bằng của các điều kiện tự nhiên, hướng cuộc sống của con người trở nên hài hòa với môi trường tự nhiên.
Hay có thể định nghĩa lại một cách dễ hiểu như sau, tín dụng xanh là một giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Nó bao gồm các khoản vay được ngân hàng cung cấp cho các dự án, hoạt động hoặc cá nhân có tác động tích cực đến môi trường, như năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững,..
Trái phiếu xanh: Là trái phiếu do chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hoặc tổ chức tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho các dự án xanh, thân thiện với môi trường. Số tiền thu được từ các trái phiếu này được dành cho các dự án xanh cụ thể, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, nâng cấp hiệu quả sử dụng năng lượng hoặc các sáng kiến giao thông bền vững.
Khoản vay xanh: Là các khoản vay mà người vay cam kết sử dụng vốn vay để đầu tư vào các dự án có lợi ích cho môi trường, như nâng cao hiệu suất năng lượng hoặc xây dựng hạ tầng xanh. Các khoản vay này được cung cấp bởi các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính để tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường hoặc đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng sạch, nông nghiệp bền vững hoặc xây dựng công trình xanh.
Trái phiếu và khoản vay liên kết bền vững: Các công cụ tài chính này gắn liền với các mục tiêu hoạt động bền vững cụ thể hoặc các chỉ số hoạt động chính (KPI). Nếu tổ chức phát hành đáp ứng các mục tiêu bền vững được xác định trước, lãi suất hoặc điều khoản trả nợ có thể được điều chỉnh theo hướng có lợi cho người đi vay.
Quỹ đầu tư xanh: Đây là các quỹ đầu tư hoặc quỹ giao dịch trao đổi (ETF) tập trung vào cổ phiếu của các công ty tham gia vào các ngành hoặc ngành kinh doanh bền vững với môi trường. Các nhà đầu tư có thể tham gia tài chính xanh bằng cách mua cổ phần của các quỹ này.
Thế chấp xanh: Các khoản cho vay mua nhà cung cấp các điều khoản và điều kiện thuận lợi cho những người vay mua nhà tiết kiệm năng lượng hoặc thực hiện cải tạo thân thiện với môi trường. Những khoản thế chấp này thường cung cấp lãi suất thấp hơn hoặc giảm phí.
Chứng chỉ và bảo đảm Xanh: Những công cụ tài chính này chứng nhận hoặc đảm bảo các thuộc tính môi trường của sản phẩm hoặc dự án. Ví dụ: Renewable Energy Certificates (RECs) thể hiện lợi ích môi trường của việc sản xuất năng lượng tái tạo.
Quỹ đầu tư tác động: Quỹ đầu tư tác động phân bổ vốn cho các dự án và doanh nghiệp nhằm tạo ra cả lợi nhuận tài chính và tác động tích cực đến xã hội hoặc môi trường. Những quỹ này có thể bao gồm nhiều lĩnh vực, từ năng lượng sạch đến nhà ở giá rẻ và nông nghiệp bền vững.
Tài chính vi mô xanh: Các tổ chức tài chính vi mô cung cấp các khoản vay nhỏ cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ tham gia vào các hoạt động bền vững về môi trường, chẳng hạn như canh tác hữu cơ hoặc phân phối năng lượng sạch.
Đền bù và tín chỉ carbon: Mặc dù không phải là các công cụ tài chính truyền thống, đền bù và tín chỉ carbon là cơ chế để đầu tư vào các dự án giảm phát thải hoặc mua tín dụng để bù đắp lượng khí thải carbon. Chúng thường được các công ty và cá nhân sử dụng để bù đắp lượng khí thải carbon của họ.
Sản phẩm bảo hiểm xanh: Một số công ty bảo hiểm đưa ra các chính sách khuyến khích hành vi có trách nhiệm với môi trường, chẳng hạn như giảm phí bảo hiểm cho chủ sở hữu xe hybrid hoặc xe điện hoặc giảm giá cho các biện pháp canh tác bền vững.
Các công cụ tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh thị trường tài chính với các mục tiêu bền vững và chuyển đổi sang một nền kinh tế có trách nhiệm với môi trường và hòa nhập xã hội hơn; mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội hỗ trợ các dự án và sáng kiến góp phần tạo nên một tương lai bền vững hơn đồng thời có khả năng thu được lợi nhuận tài chính cạnh tranh.
Tài chính xanh đóng vai trò quan trọng góp phần giúp các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển bền vững; mang lại nhiều lợi ích cho cả cá nhân và doanh nghiệp, như: khuyến khích phổ biến công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, tạo ra lợi thế so sánh và nâng cao triển vọng kinh tế.
Với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn, tài chính xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Tổng hợp theo
1. Lê Thu Hằng: “Tài chính xanh: Tổng quan khái niệm, thực trạng tại khu vực ASEAN và Việt Nam – Một số khuyến nghị”, https://aecvcci.vn, 24/7/2023.
2. Trần Thị Thu Hương: “Phát triển tài chính xanh tại Việt Nam”, https://tapchitaichinh.vn, ngày 02/6/2023.
3. Lê Mai Trang, Vũ Ngọc Tú, Trần Kim Anh và những người khác: “Phát triển tài chính xanh ở Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024.
4. “Tài chính xanh là gì? Thực trạng và giải pháp tài chính xanh”, https://www.pace.edu.vn.
5. “Tín dụng xanh là gì? Trụ cột then chốt của nền kinh tế xanh”, https://www.pace.edu.vn.
6. “Tài chính xanh là gì - thực trạng và đầu tư xanh tại Việt Nam”, https://enerteam.org/thuc-trang-tai-chinh-xanh-va-dau-tu-xanh-tai-viet-nam.html.
Thiên Hương