Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Việt Nam đang ngày càng tham gia hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Để quá trình hội nhập có tính bền vững cao hơn, việc tạo ra và củng cố vị thế trong mạng lưới các chuỗi cung ứng toàn cầu là hết sức quan trọng, đặc biệt khi hệ thống này bị đứt gãy do tác động của dịch COVID-19 và các bất ổn chính trị.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.
- Hai năm qua, dịch COVID-19 và các cuộc xung đột chính trị, thương mại đã gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, xin ông cho biết điều này đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Trong giai đoạn đầu, khi dịch COVID-19 căng thẳng và nguồn cung vaccine còn hạn chế, nhiều quốc gia đã phải thực hiện các biện pháp giãn cách thậm chí là đóng cửa nền kinh tế. Điều này khiến cho hoạt động trao đổi hàng hóa gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, chuỗi cung ứng đứt gãy đã có tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Vận tải gặp khó khăn không chỉ làm gia tăng thời gian đáp ứng đơn hàng mà còn làm tăng chi phí và giá cả hàng hóa.
Trong đợt dịch vừa qua, giá cước biển quốc tế đã đạt mức cao kỷ lục, giá cả một số nhóm hàng nguyên vật liệu cũng tăng cao. Đối với Việt Nam, trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19, hoạt động trao đổi hàng hóa đã gặp nhiều khó khăn, nhất là khi các cửa khẩu biên giới phía Bắc phải tạm ngừng thông quan do các chính sách phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam đã linh hoạt trong việc xây dựng quy trình khai thác hàng tại các cửa khẩu để đảm bảo hoạt động khai thác hàng cũng như đảm bảo hiệu quả chống dịch.
Trong năm 2021, có thời điểm dịch lây lan diện rộng ở các địa phương, khiến hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu hàng hoá.
Thế nhưng, Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” là cú hích cho sản xuất, xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Chuỗi cung ứng trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu từ quý 4 năm 2021 đến nay đã phục hồi mạnh mẽ, góp phần vào tăng trưởng cao của kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu. Năm 2021, xuất khẩu ghi nhận kim ngạch 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%.
Bối cảnh năm 2022 xuất hiện thêm những điểm tiêu cực, gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của dịch bệnh chưa được khắc phục.
Cùng đó là xung đột chính trị leo thang thành xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt qua lại giữa các quốc gia phương Tây và Nga đã làm trầm trọng thêm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt khi Nga là nhà xuất khẩu lớn cho thế giới với các nhóm hàng quan trọng như: dầu thô, hóa chất, phân bón, nhóm hàng kim loại...
Hơn nữa, giá cả đầu vào tiếp tục tăng do nguồn cung quốc tế hạn chế là áp lực cho hoạt động sản xuất của hầu hết các nhóm ngành, nhất là khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu; lạm phát toàn cầu tăng lên làm cho tiêu dùng của thế giới vốn đã yếu ớt sau đại dịch nay càng khó khăn hơn.
Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Công ty thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Trong bối cảnh đó, nhờ các biện pháp chủ động ứng phó rủi ro của Chính phủ, các bộ, ngành và sự phục hồi sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, trong quý 1 năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn giữ được đà tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch nhập khẩu đạt 87,6 tỷ USD, tăng 15,8%, cán cân thương mại thặng dư 1,5 tỷ USD.
- Để thích nghi với sự đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp trên thế giới đang tìm cách tự chủ nguồn nguyên nhiên vật liệu hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh. Xin ông cho biết giải pháp thích ứng của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam là gì?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Sau hơn hai năm tổ chức sản xuất, xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã rất linh hoạt trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế để duy trì tăng trưởng xuất khẩu cũng như trong đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu.
Một số các giải pháp các doanh nghiệp đã triển khai có thể kể tới như việc tìm kiếm nguồn cung từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước để bù đắp cho thiếu hụt do nhập khẩu, nhất là nhóm hàng hóa chất, nguyên liệu; tìm kiếm nguồn cung từ các thị trường mới thay vì tập trung vào các đối tác tại một số thị trường truyền thống.
Việt Nam hiện là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với số lượng đối tác lớn. Đây cũng là lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Quý 1 năm 2022 đã khép lại với kết quả khả quan nhưng chặng đường tiếp theo vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy Bộ Công Thương có đề xuất cơ chế, chính sách gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm sự phụ thuộc từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thưa ông?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Theo dự báo, diễn biến tình hình thế giới trong giai đoạn tiếp theo còn nhiều yếu tố bất định; tình hình căng thẳng địa chính trị hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về phía Chính phủ nói chung và Bộ Công Thương nói riêng, các giải pháp đã được thực hiện từ giai đoạn đầu của dịch bệnh để ứng phó với tình hình trên.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã có định hướng cụ thể và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp.
Mặt khác, Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh khai thác các Hiệp định thương mại tự do đã ký với Liên minh kinh tế Á-Âu, các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực thi có hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) để đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tiến hành rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như: phân bón, xăng dầu, than để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Bộ kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua kênh xúc tiến thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp cung cấp và doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Nông dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) thu hoạch cà rốt cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. (Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN)
Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu, qua đó giảm áp lực nhập khẩu lạm phát, lành mạnh cán cân thương mại. Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng quy trình khai thác hàng tại các cửa khẩu phía Bắc trong bối cảnh dịch bệnh để khơi thông luồng hàng hóa.
Đặc biệt, Bộ tiến hành rà soát và làm việc với các bộ, ngành liên quan để tiếp tục đề nghị cắt giảm các loại phí áp dụng đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, cảng biển để hỗ trợ doanh nghiệp trong vận tải hàng hoá./.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)