Đồng chí Lê Văn Lương (1912 - 1995), nhà cách mạng tiền bối của Đảng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
Sớm giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng
Đồng chí Lê Văn Lương, tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28/3/1912 trong một gia đình nhà nho tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Tham gia hoạt động yêu nước từ khi còn là học sinh Trường Bưởi, đến năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.
Tháng 6/1929, đồng chí gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và đến khi Đảng Cộng sản ra đời, đồng chí trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng.
Tháng 8/1929, đồng chí Lê Văn Lương được phân công vào hoạt động trong phong trào công nhân ở Sài Gòn cùng các đồng chí Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt… phát triển cơ sở cách mạng ở các tỉnh Nam Kỳ.
Năm 1931, đồng chí bị địch bắt, đến năm 1933, bị tòa án thực dân kết án tử hình. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh của các lực lượng tiến bộ, buộc chính quyền thực dân Pháp phải giảm án xuống chung thân khổ sai, đày đi Côn Đảo.
Dù bị giam cầm, đày ải và tra tấn tàn bạo nhưng đồng chí luôn thể hiện ý chí bất khuất, kiên cường, “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, tham gia chi bộ Đảng bí mật của nhà tù, tổ chức, động viên anh em tù chính trị vừa đấu tranh, vừa tranh thủ học tập, rèn luyện, để nâng cao nhận thức lý luận cách mạng.
Đồng chí Lê Văn Lương (thứ hai từ phải sang) tại chiến khu Việt Bắc năm 1950 (Ảnh tư liệu)
Trở thành nhà lãnh đạo tài năng
Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng đón từ Côn Đảo trở về. Không có một ngày nghỉ ngơi, đồng chí tham gia Xứ ủy Nam Bộ, lãnh đạo nhân dân Nam Bộ tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đầu năm 1946, đồng chí được Trung ương điều ra Bắc, giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo Báo Sự thật và Nhà xuất bản Sự thật.
Đầu năm 1947, đồng chí được cử làm Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương Đảng.
Năm 1948 đồng chí làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Đặc biệt, với khả năng và nhu cầu của cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương được cử kiêm nhiệm Giám đốc đầu tiên của Trường Nguyễn Ái Quốc - Trường Đảng ở Trung ương từ năm 1949 đến năm 1956, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, đồng chí giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng chí còn là “Bí thư Khu ủy Tả ngạn (tháng 11/1956), Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (1957), Chánh Văn phòng Trung ương Đảng (đầu năm 1959). Từ năm 1960, ông là Ủy viên Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; từ năm 1976 đến năm 1986, là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ông là đại biểu Quốc hội khóa VI và VII”[1].
Từ năm 1976 đến năm 1986, đồng chí Lê Văn Lương được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị điều động, phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Dù ở cương vị nào, đồng chí Lê Văn Lương cũng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, thắng lợi của cách mạng nước nhà.
Đồng chí Lê Văn Lương (thứ 3 từ phải sang) với các đại biểu dự Đại hội đại biểu lần thứ IX (vòng 1)
Đảng bộ TP Hà Nội, ngày 11/1/1982 (Ảnh tư liệu)
Nhiều đóng góp quan trọng cho Đảng và dân tộc
Ngay từ khi bước vào hoạt động cách mạng, cùng với các đồng chí yêu nước khác, đồng chí đã tuyên truyền, giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin, con đường cách mạng vô sản do Nguyễn Ái Quốc khởi xướng. Tham gia phong trào “vô sản hóa”, củng cố và phát triển tổ chức đảng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Sau cách mạng tháng Tám, được làm việc bên cạnh Bác Hồ và các đồng chí Thường vụ Trung ương, với cương vị Chánh Văn phòng, đồng chí đã chủ động sắp xếp, giúp Trung ương bảo đảm sự vận hành có hiệu quả công việc của Đảng, giữ mối liên hệ giữa Trung ương và các Khu ủy, Tỉnh ủy.
Trong thời gian làm Trưởng ban Đảng vụ (1948 – 1950), đồng chí đã giúp Trung ương Đảng soạn thảo Điều lệ Đảng mới, lập danh sách những người ứng cử Ban Chấp hành, Ban Bí thư, Bộ Chính trị… để góp phần vào công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng.
Đặc biệt, với vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh. Đã góp phần phát triển được đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực, xây dựng hệ thống tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh ở các cấp, các ngành, các địa phương với cơ chế hoạt động ngày càng tiến bộ.
Nhân cách cao đẹp, tâm hồn trong sáng, tận tụy thủy chung
Nhân cách cao đẹp của đồng chí Lê Văn Lương, đó là lòng yêu nước thương dân, giành trọn cả đời mình để đấu tranh cho độc lập của dân tộc, tự do cho nhân dân và hạnh phúc cho đồng bào. Dù trải qua muôn vàn thử thách trong nhà tù thực dân đế quốc, vẫn một lòng theo Đảng và Bác Hồ để kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng nêu một tấm gương sáng về lòng tận tụy, đức hi sinh, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, chính công vô tư. Vì vậy, đồng chí luôn nhận được sự tin yêu, mến tín của đồng chí, đồng nghiệp và tổ chức Đảng, để lại một hình ảnh đẹp về người cộng sản trong lòng nhân dân.
Nhân kỷ niệm ngày sinh đồng chí Lê Văn Lương (28/3), chúng ta nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng với những cống hiến to lớn, vẻ vang của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam. Qua đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, kiên trung cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ học tập, hăng hái thi đua, nỗ lực phấn đấu trong học tập, nghiên cứu, lao động sản xuất… để xứng đáng với những tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước.
Hòa Phạm
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.732.