“Mình về mình lại nhớ ta. Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”, đấy là hai câu thơ trong bài thơ “Việt Bắc” của nhà thơ cách mạng Tố Hữu. Thật vậy, Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, từng là “Thủ đô gió ngàn”, “Thủ đô kháng chiến”, nơi nuôi dưỡng ý chí và khát vọng của cha ông, nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận.
Di tích đình Hồng Thái, xã Tân Trào (Sơn Dương). Ảnh: baotuyenquang.com.vn
Tân Trào, “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt ngày 10/5/2012. Khu di tích nằm trên địa bàn 11 xã, bao gồm: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa (huyện Yên Sơn) với 138 di tích, cụm di tích. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, gồm các di tích tiêu biểu như: Đình Hồng Thái, Cụm di tích Nà Nưa, Đình Tân Trào, cây đa Tân Trào…
Từ năm 2021, Khu di tích có thêm Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng ở Tân Trào. Nơi đây có nhà lưu niệm 14 vị tiền bối cách mạng gồm các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Lương Bằng, Lê Văn Lương, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu. Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng ở Tân Trào cũng là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, nơi hội tụ sức mạnh và hào khí dân tộc. Nơi đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhắc đến Tân Trào có lẽ không ai quên hai thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước. Mùa thu năm 1945, Bác Hồ đã từ Cao Bằng trở về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào, huyện Sơn Dương làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng. Tại nơi đây, ngày 13/8/1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành Hội nghị toàn quốc để quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Tiếp đó, ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân cũng đã họp thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ, sao vàng, Quốc ca là bài “Tiến quân ca” và bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức là Chính phủ Lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chiều hôm đó, dưới bóng Cây đa Tân Trào, Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 và sau đó tiến quân về giải phóng Hà Nội. Sáng 17/8/1945, thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt quốc dân tại nơi đây cùng với câu nói bất hủ “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Lần thứ hai, Bác Hồ quyết định trở lại Tân Trào khi cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Một lần nữa, Tân Trào lại được Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi làm việc của các Bộ, ngành Trung ương lãnh đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc suốt 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1945 đến năm 1954, căn cứ địa cách mạng mãi ghi dấu những năm tháng Bác Hồ đã ở và làm việc, những ân tình sâu nặng, son sắt đồng bào Tân Trào - ATK Sơn Dương đối với Bác.
Tân Trào là cái nôi của cách mạng, thời cách mạng “trứng nước” và “ngàn cân treo sợi tóc”. Đúng như nhà thơ Tố Hữu viết: “Ở đâu đau đớn giống nòi / Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền” (Việt Bắc).
Sự kiện lịch sử Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 bên gốc đa Tân Trào trước khi quân đội Việt Nam xuất quân giải phóng thủ đô. Ảnh: Internet
Tân Trào – nguồn cảm hứng sáng tạo văn học nghệ thuật
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào không chỉ đi vào thơ của Tố Hữu mà từ trước đến nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào và những câu chuyện lịch sử ở đây là đề tài hấp dẫn đối với nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa....Nhiều nhạc sỹ, họa sỹ, nghệ sỹ nhiếp ảnh các thế hệ cũng có những sáng tạo, thành công riêng.
“Tân Trào rạng ngày Độc lập”, “Tân Trào năm Ất Dậu”, “Về Tân Trào”, “Chuyến xuất ngoại của Cụ Hồ ở Tân Trào”...là những tác phẩm văn xuôi về đề tài lịch sử. Nhà văn Phù Ninh có các tiểu thuyết, kịch nói, ký sự: “Tân Trào rạng ngày Độc lập", “Tân Trào năm Ất Dậu”, “Về Tân Trào”, “Chuyến xuất ngoại của Cụ Hồ ở Tân Trào”...TS. Trần Lệ Thanh từng chia sẻ, có một điểm thật thú vị mà người Tuyên Quang tự hào là nhìn lại bộ sưu tập những bài thơ sáng tác về Tân Trào, về Tuyên Quang có sự góp mặt nhiều nhà thơ lớn của dân tộc như Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Sóng Hồng, Tố Hữu, Nông Quốc Chấn... Năm 2021, nhà văn Lê Toán đã xuất bản cuốn tiểu thuyết “Rừng Việt Bắc”tái hiện thời khắc lịch sử cách mạng Việt Nam vào giai đoạn từ cuối năm 1944 đến tháng 9-1945 tại một số địa điểm của Chiến khu Việt Bắc, trong đó có Tân Trào. Tạp chí Văn học nghệ thuật của Hội Văn học nghệ thuật Tuyên Quang từng mang tên “Tạp chí Tân Trào”.
Tân Trào, nơi ghi dấu khởi nguồn quan hệ Việt - Mỹ đã trở thành điểm hẹn lịch sử, là địa chỉ đỏ truyền thống về nguồn, là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch sáng tác các tác phẩm, góp phần quảng bá lịch sử, truyền thống văn hóa, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Quan hệ Việt - Mỹ từ ngày 10/9/2023, chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Tháng 10/2022, để chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995 – 2025), một đoàn làm phim đã đến Tuyên Quang để khảo sát thực hiện bộ phim truyền hình “Mùa phách tím” với độ dài 10 tập. Theo đạo diễn bộ phim Hoàng Thanh Du, bộ phim là thông điệp ca ngợi những tính toán chiến lược thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc quyết định ra lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và độc lập dân tộc cho đất nước. Bằng khả năng ngoại giao khéo léo, tài tình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục được phe Đồng Minh trở thành đối tác. Người như một nhà tiên tri nắm bắt cơ hội về mối quan hệ Việt - Mỹ, Bác đề nghị thành lập Đại đội Việt Mỹ do Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Đàm Quang Trung làm Chỉ huy và Thiếu tá Thomas là tham mưu trưởng huấn luyện quân sự cho Việt Minh.
Tân Trào chính là “nhịp cầu văn hóa” và là “Nối nhịp tương lai” trong quan hệ Việt - Mỹ. Cách đây 5 năm, năm 2020, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, Chính phủ Mỹ đã đầu tư xây dựng 2 công trình Nhà lớp học trường Mầm non Tân Mỹ, điểm trường Nà Pồng (Chiêm Hóa) và trường Tiểu học Thắng Quân (Yên Sơn). Hai công trình có tổng giá trị 21 tỷ đồng. Đây là những công trình ý nghĩa, thiết thực, giúp các em học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu của tỉnh vươn lên học tập tốt. Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, từng khẳng định, văn học đóng một vai trò hết sức quan trọng, khép lại những trang hào hùng của cuộc chiến, văn chương lại tiếp tục chắp nối những nhịp cầu giao lưu văn hóa, xóa nhòa biên giới của hận thù để xây đắp tình hữu nghị giữa các quốc gia.
Tân Trào đã và đang hiện diện không chỉ là một phần lịch sử cách mạng mà còn trở thành một thành tố văn hóa, tâm linh trong đời sống của con người và dân tộc Việt Nam cho đến mai sau. Hôm nay, trở về Tân Trào trong một sáng mùa thu dịu ngọt, chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất Tuyên Quang, trong lòng chúng tôi bồi hồi xúc động với bao cảm xúc tri ân, tự hào. Bên con suối nhỏ, mái nhà lá đơn sơ, thấp thoáng bóng dáng Bác Hồ cùng bao câu chuyện hào hùng của một thời kỳ lịch sử, gửi lại cho mỗi chúng ta những bài học sâu sắc của đời sống hôm nay. “Nắng Tân Trào” chợt gieo vào lòng người những hương sắc của mùa thu chiến khu xưa…
Về Tân Trào một sáng mùa thu
Anh trao em suối nguồn mắt nắng
Nghe đại ngàn kể về thời xa vắng
Tiếng tiền nhân vang vọng giữa quê hương
Lán Nà Nưa một sáng mù sương
Dòng sông nhỏ in bóng Người thuở trước
Giọt nước mát lành như tiếng cười em ngọt
Chảy ra từ bao nguồn mạch chắt chiu
Cây đa nghiêng nghiêng bóng nắng ban chiều
Đình Hồng Thái nép mình trong bóng cọ
Đôi má xinh cô gái Tày ửng đỏ
Tiếng đàn tính, đàn then tưới mát đồi chè
Về Tân Trào, nghe suối kể gió reo
Những câu chuyện thấm vàng trang sử
Bóng mẹ già phía xa xa cuối rẫy
Gùi giỏ nắng hồng đi về phía đồng xanh…
Hồ Minh Thông