Đây là nhận định của các chuyên gia tham dự hội thảo “Thái Lan và Nền kinh tế sáng tạo ASEAN” diễn ra hôm 16/9 tại Bangkok, Thái Lan, khẳng định tầm quan trọng của tăng cường kết nối ASEAN trong thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế sáng tạo - động lực tăng trưởng kinh tế chủ chốt của thế giới.
Tại hội thảo, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế sáng tạo từ các quốc gia ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ đã cùng thảo luận cách thức nhằm thúc đẩy hơn nữa các ngành công nghiệp sáng tạo của ASEAN cũng như hỗ trợ các tài năng sáng tạo.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa khẳng định tầm quan trọng của nền kinh tế sáng tạo với doanh thu gần 2.300 tỷ USD/năm, đóng góp 3,1% GDP toàn cầu.
Bộ trưởng Maris cũng nhấn mạnh chính sách nhất quán của Thái Lan trong thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo: “Nuôi dưỡng nền kinh tế sáng tạo luôn là một chính sách lớn của Thái Lan. Chúng tôi đã thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo không chỉ ở Thái Lan mà cả trong khu vực trong suốt 2 thập kỷ qua. Đây cũng là lĩnh vực trọng tâm để kích thích nền kinh tế của Chính phủ do Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra lãnh đạo, đã được nêu trong tuyên bố chính sách của Chính phủ mới tại Quốc hội trong tuần trước.”
Bộ trưởng Maris cho biết nền kinh tế sáng tạo của Thái Lan đã đóng góp hơn 32 tỷ USD (1.100 tỷ baht) trong năm 2021, chiếm gần 7 % GDP của xứ sở chùa Vàng. Số liệu cho thấy hơn 70% quốc gia trên thế giới đã xây dựng nhiều chính sách để khai thác tiềm năng của nền kinh tế sáng tạo, coi đây là nguồn chính tạo ra việc làm, hiện đang chiếm khoảng 6% việc làm toàn cầu. Do đó, Bộ trưởng Maris cho rằng các quốc gia ASEAN cần nỗ lực hơn nữa trong phối hợp và hỗ trợ nhau trên phương diện xây dựng chính sách quốc gia về nền kinh tế sáng tạo, hướng tới một tương lai thịnh vượng và sáng tạo hơn cho ASEAN.
Chia sẻ nhận định này, bà Phongsaward Guyaroonsuith, đại diện Ủy ban Chiến lược quyền lực mềm của Thái Lan, cho biết: “Thái Lan tin rằng việc tích hợp tính sáng tạo trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của đất nước có thể mang lại những giá trị kinh tế to lớn. Nền kinh tế sáng tạo của Thái Lan đóng vai trò xương sống, hứa hẹn mang lại những giá trị kinh tế to lớn không chỉ cho Thái Lan mà toàn bộ ASEAN. Sự sáng tạo không có biên giới và khi hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể khai thác toàn bộ tiềm năng văn hóa phong phú của ASEAN, định vị ASEAN là khu vực dẫn đầu trong nền kinh tế sáng tạo toàn cầu.”
Bà Phongsaward Guyaroonsuith cho biết, cách tiếp cận của Thái Lan đối với nền kinh tế sáng tạo tập trung vào 3 lĩnh vực chính. Trước tiên nước này có kế hoạch phát triển các tài năng sáng tạo thông qua mô hình “Một gia đình, một chương trình quyền lực mềm”, nhằm mục đích cải thiện chất lượng nguồn nhân lực sáng tạo và có tay nghề cao của xứ sở chùa Vàng. Mô hình này đặt mục tiêu thúc đẩy các nghề thủ công, lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa và công nghệ hiện đại như AI để thúc đẩy sự sáng tạo trên toàn Thái Lan.
Tiếp theo, chính phủ Thái Lan có chính sách thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo bằng cách tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện, nhiều ưu đãi với các biện pháp hỗ trợ quản lý trong các lĩnh vực như du lịch, thời trang, ẩm thực, … nơi sự sáng tạo và văn hóa được tích hợp để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao.
Cuối cùng, để mở rộng các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo của Thái Lan trên thị trường toàn cầu, nước này cam kết thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm văn hóa phản ánh tiêu biểu những di sản của khu vực ASEAN, vốn rất đa dạng về văn hóa và là trung tâm của một số ngành công nghiệp sáng tạo sôi động và đổi mới nhất thế giới.
Qua các phiên thảo luận, các diễn giả nhất trí rằng việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa các quốc gia ASEAN là cách duy nhất giúp ASEAN nhanh chóng biến sức mạnh văn hóa của mình thành những cơ hội toàn cầu.