Sự cần thiết ứng dụng Hệ thống lắng nghe mạng xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, việc các thế lực thù địch sử dụng các phương tiện để tung tin phản động, tạo ra dư luận sai lệch về chủ trương và đường lối chính sách của Đảng có xu hướng tăng cao.
Ở Việt Nam, báo chí cách mạng chịu sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, báo chí có vai trò, trách nhiệm bảo vệ Đảng, trong đó bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ tất yếu, khách quan[1].
Công nghệ thông tin trong truyền thông cũng có một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc ứng dụng Hệ thống social listening để nắm bắt định hướng dư luận xã hội, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng càng có ý nghĩa cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trong khủng hoảng mạng xã hội, lắng nghe xã hội là rất quan trọng để phản ứng kịp thời và đưa ra những chủ trương phù hợp. Lắng nghe xã hội là “một quá trình tích cực của việc chú ý, quan sát, diễn giải và phản hồi nhiều kích thích khác nhau thông qua các kênh trung gian, điện tử và xã hội”[2]. Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thường lợi dụng công nghệ truyền thông để tung tin phản động trên các nền tảng truyền thông xã hội, tạo ra những dư luận không đúng về chủ trương, đường lối của Đảng, dẫn dắt dư luận theo chiều hướng sai lệch. Ứng dụng Hệ thống lắng nghe mạng xã hội giúp theo dõi và phát hiện ra những ý kiến, bình luận, phát ngôn tiêu cực của người dùng mạng xã hội trên các nền tảng truyền thông xã hội, diễn đàn trực tuyến, và các kênh truyền thông khác.
Hiện nay, số lượng và thời lượng sử dụng mạng xã hội của người trẻ ngày càng tăng, với thời gian trực tuyến trung bình 6 tiếng 38 phút[3]. Thông tin đến từ các nguồn “không chính thức” như mạng xã hội, blog, diễn đàn và trang tin tức chiếm khoảng 70% cuộc trò chuyện trực tuyến trong môi trường học thuật như các trường đại học[4]. Điều này đã tạo ra khủng hoảng mạng xã hội. Hệ thống lắng nghe mạng xã hội có thể nhanh chóng phát hiện và phản ánh dư luận trên các nền tảng truyền thông xã hội. Hệ thống lắng nghe mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong nhiều khía cạnh của việc tổ chức và quản lý thông tin cũng như các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thông qua việc thu thập và phân tích phản hồi từ các nền tảng truyền thông, Hệ thống lắng nghe mạng xã hội giúp nhận diện sớm những vấn đề xã hội có thể nảy sinh, chủ động nắm bắt dư luận xã hội, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, Việt Nam có 859 tờ báo, tạp chí in (199 tờ báo, 660 tờ tạp chí); 135 báo, tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, với tổng số hơn hơn 268 kênh (86 kênh phát thanh và 142 kênh truyền hình). Đặc biệt, các trang mạng xã hội và truyền thông xã hội trong môi trường Internet phát triển rất nhanh chóng. Cả nước có 125 cơ quan báo chí điện tử, hơn 1.500 trang thông tin điện tử tổng hợp; 270 mạng xã hội được cấp phép hoạt động. Có gần 59 triệu người sử dụng Internet, chiếm 62,7% dân số (Việt Nam xếp thứ 8 ở châu Á và thứ 18 trong số 20 quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng Internet cao của thế giới)[5].
Trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường sử dụng công nghệ thông qua các nền tảng mạng xã hội để xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như giá trị khoa học, thời đại, cách mạng, nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chống phá, xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả lĩnh vực (kinh tế, chính trị, văn hóa…), đặc biệt xoáy sâu vào những vấn đề nhạy cảm (dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, biển, đảo); lợi dụng hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, sơ hở, thiếu sót trong quản lý, điều hành đất nước hoặc những vấn đề bức xúc, khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết để lôi kéo, kích động người dân tham gia các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Do đó, ứng dụng công nghệ thông tin thông qua Hệ thống lắng nghe mạng xã hội để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là rất cần thiết.
Vai trò của Hệ thống lắng nghe mạng xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trên cơ sở đó, việc ứng dụng Hệ thống lắng nghe mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua các hoạt động:
Một là, sử dụng các công nghệ như phân tích ngữ nghĩa, học máy (machine learning), và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) để phân tích những thái độ, suy nghĩ từ dư luận trong xã hội trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự, được công chúng quan tâm, để phát hiện thông tin sai lệch và các phản ứng đối với chính sách của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, thông qua việc phân tích ngữ nghĩa giúp hiểu ngữ cảnh và ý nghĩa của các bài viết, bình luận trên mạng xã hội; thông qua các thuật toán học máy có thể nhận diện các mẫu thông tin sai lệch và nội dung có khả năng gây tranh cãi. Từ các công cụ này, giúp cơ quan chức năng hoặc tổ chức có thể theo dõi và phân tích dữ liệu từ nhiều kênh mạng xã hội khác nhau để có cái nhìn toàn diện về dư luận và có phản ứng kịp thời và hiệu quả trước những thông tin sai lệch, từ đó đảm bảo tính chính xác và sự tin tưởng thông tin chính thức.
Hai là, theo dõi xu hướng dư luận. Hệ thống lắng nghe mạng xã hội giúp thu thập và phân tích thông tin về cách người dùng mạng xã hội thảo luận, quan tâm và phản ứng về các chính sách, định hướng của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, đơn vị ban hành các văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước có thể kịp thời nắm bắt những vấn đề được dư luận quan tâm và điều chỉnh các chiến lược truyền thông, chính sách cho phù hợp.
Ba là, phát hiện thông tin sai lệch và phản động qua theo dõi và phân tích từ khóa, các tính năng lắng nghe nâng cao, sử dụng các công cụ lắng nghe mạng xã hội (Hootsuite, Brandwatch, Mention, Talkwalker, Sprout Social…) để xác định các từ khóa và cụm từ nhạy cảm, có khả năng liên quan đến thông tin sai lệch hoặc phản động. Theo dõi các kênh truyền thông xã hội, diễn đàn và trang tin tức để thu thập dữ liệu về các nội dung liên quan đến chính trị, xã hội qua việc giám sát đa nền tảng truyền thông xã hội. Hệ thống lắng nghe mạng xã hội giúp phát hiện các thông tin xuyên tạc, sai lệch, và các nội dung có khả năng làm giảm uy tín, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Điều này cho phép cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời và đúng đắn khi nhận được những tổng hợp báo cáo, phân tích dữ liệu.
Bốn là, phân tích dữ liệu được tổng hơp từ mạng xã hội thông qua Hệ thống lắng nghe mạng xã hội giúp dự báo các xu hướng dư luận xã hội trong thời gian ngắn nhất, từ đó có những định hướng, chính sách phù hợp trong kế hoạch tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong công cuộc đổi mới đất nước. Bằng những hoạt động này, Hệ thống lắng nghe mạng xã hội không chỉ giúp phát hiện và phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động mà còn đối phó hiệu quả với thông tin sai lệch, bảo vệ thông tin chính thống, góp phần duy trì sự ổn định và phát triển đất nước.
Có thể khẳng định, ứng dụng Hệ thống lắng nghe mạng xã hội trong việc nắm bắt định hướng dư luận xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Do vậy, việc sử dụng hệ thống này một cách hữu hiệu là rất cần thiết và cần được phát huy tốt hơn trong thời gian tới.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, trang 146, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội năm 2021.
[2] Margaret C. Stewart & Christa L. Arnold. (2018). Defining Social Listening: Recognizing an Emerging Dimension of Listening. International Journal of Listening, 32 (2), 85-100
[3] Datareportal (2022). Digital 2022: Vietnam. Trung cập tại https:// datareportal.com/reports/digital-2022- vietnam
[4] Campus Sonar (2023). Social Listening in Higher Ed. Truy cập tại https://info.campussonar.com/social listening-in-higher-education
[5] Báo chí tiếp tục tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
Hoàng Trí