Trả lời: Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.
Tăng trưởng xanh được nhiều quốc gia xác định là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển, như Hàn Quốc, Canada, Liên Minh Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Nam Phi… Việt Nam cũng đã có những bước tiến trong việc xây dựng động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh nhờ ban hành các chiến lược, chính sách quan trọng cùng với các cam kết mạnh mẽ trên thương trường thế giới.
Khái niệm “tăng trưởng xanh” được đề cập chính thức tại Hội nghị Bộ trưởng về Môi trường và Phát triển (MCED) năm 2005 tại Seoul, Hàn Quốc và sớm được cụ thể hóa trong các thỏa thuận của MCED, từ đó nhanh chóng hình thành được các chiến lược và hành động cụ thể của các quốc gia. Tuy nhiên, khái niệm này được nhiều tổ chức trên thế giới đưa ra, với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Theo Ủy ban Liên Hợp quốc về kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP): Tăng trưởng xanh mô hình tăng trưởng chú trọng vào quá trình phát triển kinh tế đảm bảo bền vững về môi trường, thúc đẩy phát triển các-bon thấp và xã hội toàn diện, đáp ứng các nhu cầu của tất cả mọi người với mức thấp nhất có thể tác động đến môi trường. Đó là một chiến lược tìm kiếm tối đa hóa sản lượng kinh tế trong khi giảm thiểu gánh nặng về sinh thái.
Theo Tổ chức Sáng kiến Tăng trưởng Xanh của Liên Hợp Quốc (UNEP), tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh là quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo rằng các nguồn tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống của chúng ta. Để thực hiện điều này, tăng trưởng xanh phải là nhân tố xúc tác trong việc đầu tư và đổi mới, là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và tăng cường tạo ra các cơ hội kinh tế mới.
Theo Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI): tăng trưởng xanh là một mô hình phát triển mới với việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế với bền vững về môi trường và khí hậu. Chú trọng vào xử lý tại nguồn của các thách thức trong khi đảm bảo việc tạo ra các kênh cần thiết cho phân phối tài nguyên và tiếp cận đối với hàng hóa cơ bản cho cho nhu cầu của con người.
Theo quan niệm của Hàn Quốc: Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng đạt được bằng cách tiết kiệm và sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng hiệu quả để giảm thiểu biến đổi khí hậu và thiệt hại tới môi trường, tạo ra tác động lực tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, tạo các cơ hội việc làm mới và đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Khái niệm "tăng trưởng xanh" do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra năm 2012 được sử dụng phổ biến nhất. Theo đó, tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa ô nhiễm và các tác động môi trường, có khả năng thích ứng trước các hiểm họa thiên nhiên và vai trò của quản lý môi trường và vốn tự nhiên trong việc phòng ngừa thiên tai...
Định nghĩa tăng trưởng xanh của Việt Nam: Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam khẳng định: Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững...
Như vậy, tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững. Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu./.
Quang Minh (tổng hợp)