Nhân tố quyết định sức mạnh của dân tộc là tinh thần cố kết cộng đồng, là “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”.
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn đó của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đã đặc biệt quan tâm đến việc củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, coi trọng việc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh quốc tế, sức mạnh truyền thống với sức mạnh thời đại.
Nhờ đó, chúng ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã viết nên những trang sử vẻ vang nhất cho Tổ quốc mình.
Năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới đất nước, nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, xã hội; đồng thời trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng, đại hội đã rút ra 4 bài học, trong đó bài học đầu tiên là “Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc”. Từ đó đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan mật thiết đến đại đoàn kết toàn dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất.
Qua 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, một cuộc cách mạng chưa có tiền lệ, phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, song với đường lối đúng đắn của Đảng, phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đất nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đúng như Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, đất nước đứng trước nhiều thách thức, tác động đến tâm tư, tình cảm, đời sống của nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tấn công, hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực tế đó đã tác động đến lòng tin của nhân dân, trở thành thách thức đối với mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tình hình đó đòi hỏi Đảng phải chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các hình thức tổ chức cho phù hợp để nhân dân có điều kiện phát huy quyền làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, có điều kiện phát huy tài năng, sức sáng tạo, mang lại lợi ích cho bản thân và đất nước, chống lại âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn “muốn đoàn kết thực sự, phải có dân chủ thực sự”. Để tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng, Nhà nước cần tạo mọi điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình.
Trước hết cần huy động sức dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện có hiệu quả Luật Dân chủ ở cơ sở; xây dựng sự đồng thuận xã hội và đề cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, ý chí tự lực, tự cường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Khuyến khích, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng, phản biện và giám sát các chính sách; thường xuyên đối thoại với dân; tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân; xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng...
Để củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, một đội ngũ “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân” gương mẫu, tận tụy với công việc; nói đi đôi với làm, thực sự là công bộc của nhân dân.
Nguồn SGGP