Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2/9/1945 là biểu tượng của lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. 76 năm đã trôi qua, bài học lịch sử tiếp tục được hun đúc và phát huy trong cuộc chiến “chống giặc” Covid-19 hôm nay.
Bài học “Đoàn kết tạo nên sức mạnh” còn nguyên giá trị
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên một cao trào cách mạng rộng khắp, mạnh mẽ chưa từng thấy với đông đảo lực lượng tham gia, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, mọi thành phần kinh tế.
Theo lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh, quần chúng nhân dân đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chủ yếu bằng sức mạnh quần chúng, còn lực lượng vũ trang chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Điều đó cho thấy đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh đã đi vào quần chúng, được quần chúng thấu hiểu và đi theo.
“Người dân cả nước đã đồng tâm, nhất trí đứng lên, nghe theo chủ trương, tiếng gọi của Đảng, của Mặt trận Việt Minh và tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay mình chỉ trong 2 tuần lễ” - ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.
Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc đã chứng minh, sức mạnh của quần chúng nhân dân là sức mạnh vô địch, nếu không có sự tham gia của nhân dân thì cách mạng hay các công cuộc to lớn của đất nước đều không thể thực hiện được.
76 năm đã trôi qua, bài học “Đoàn kết tạo nên sức mạnh” vẫn còn vẹn nguyên giá trị, đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.
GS.TSKH. NGND Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, lịch sử Việt Nam luôn phải đối mặt với các thử thách hiểm nghèo và cuộc chiến chống “giặc Covid-19” hiện nay cũng là một thử thách.
“Chúng ta đang sống trong một cuộc “chiến tranh”, cuộc chiến không bình thường. Bài học của cuộc Cách mạng Tháng Tám với thành quả cụ thể là sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đó là trên - dưới phải đồng lòng, làm sao để nhân dân chia sẻ với Chính phủ, nhân dân góp sức từ những góc độ khác nhau vào công cuộc mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức đối phó. Bài học ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị, chỉ có điều trong một hoàn cảnh khác, bối cảnh khác. Do đó, hơn lúc nào hết, người dân cần chung sức, đồng lòng, trước hết là sự tuân thủ các quy định, chỉ dẫn của Chính phủ, cơ quan chức năng, đó cũng chính là thể hiện lòng yêu nước của mình” – GS Vũ Minh Giang cho biết.
Bài học “trên - dưới đồng lòng”
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong cuộc chiến chống Covid-19 hôm nay, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ đã sớm kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch ở quy mô chưa từng có.
Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm, có khả năng kéo dài, nhất là ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, tại cuộc họp ngày 24/8, các vị lãnh đạo chủ chốt của đất nước đã thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và triển khai kịp thời các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
Với quan điểm luôn đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trước hết, trên hết, thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch đã chủ động chỉ đạo sát sao, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhất, tích cực nhất để sớm ngăn chặn dịch bệnh. Qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau ở các tầng lớp nhân dân, không kể vùng miền, dân tộc, tôn giáo.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng phát động, những ngày qua, hàng ngàn bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cùng lực lượng bộ đội, công an, cảnh sát cơ động ở các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung đã tình nguyện vào Nam hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Khi các “chiến binh áo trắng” vẫn đang ngày đêm nỗ lực vì sự an toàn của người bệnh trong cuộc chiến chống Covid-19, thì những chiến sĩ Công an nhân dân không sợ hy sinh gian khổ canh gác nơi biên giới, phục vụ, chăm lo, hướng dẫn, giữ gìn an ninh trật tự cho nhân dân trong vùng dịch, canh chốt trong các khu cách ly, bảo đảm an toàn chống dịch. Cùng với đó, những “chiến sĩ áo xanh” có mặt ở tâm dịch không chỉ lo cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, chăm lo bữa ăn, bảo đảm sinh hoạt cho nhân dân và người bệnh với tinh thần “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân phục vụ”, mà còn củng cố niềm tin, là chỗ dựa tinh thần cho nhân dân cùng quyết tâm vượt qua khó khăn, đẩy lùi đại dịch.
Đồng hành với các lực lượng ở tuyến đầu, ở hậu phương, với truyền thống “Thương người như thể thương thân”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những chuyến xe mang nặng nghĩa tình, chở hàng tấn nông sản từ các địa phương, các tổ chức thiện nguyện vẫn ngày đêm tiến vào vùng dịch để trao yêu thương, san sẻ khó khăn với người dân và lực lượng chống dịch.
Thật xúc động biết bao khi chỉ trong 5 ngày diễn ra đợt phát động ủng hộ đồng bào miền Nam chống dịch, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn đã nhận được số lượng hàng hóa hơn 350 tấn, gấp 7 lần dự kiến ban đầu. Các mặt hàng chủ yếu là gạo, mì tôm, phở, miến, bún khô, các loại rau củ…. Tất cả từ thôn, bản vùng cao đến các khu vực đô thị đã diễn ra một không khí ủng hộ sôi nổi với tinh thần vì đồng bào miền Nam ruột thịt.
Hay ở Kiên Giang, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trực tiếp vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các mạnh thường quân trong tỉnh đóng góp, hỗ trợ người dân TP.HCM và Bình Dương. Tính đến 30/8, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang đã trực tiếp vận chuyển 4 chuyến hàng với gần 30 tấn lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm, gạo, rau, củ, quả, nước mắm, cá khô và các nhu, yếu phẩm các loại hỗ trợ cho người dân....
Có người góp tiền, người góp công, người góp nhu yếu phẩm ủng hộ; cũng có người chẳng quản hiểm nguy của dịch bệnh, lập bếp cơm từ thiện hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và rồi cũng vì virus SARS C0V-2 mà hành trình thiện nguyện, dấn thân vì cộng đồng của họ đành dang dở... Và còn rất nhiều hành động, gương hy sinh vì cộng đồng khác vẫn đang ngày đêm thầm lặng đóng góp vào trận tuyến chống dịch, tiếp tục nhắc nhở và khơi dậy trái tim nhân ái, lẽ sống cao đẹp trong xã hội.
Theo GS.TS Vũ Minh Giang, đất nước đang đứng trước những khó khăn, thử thách của đại dịch, hơn lúc nào hết, người dân cả nước cần chung sức, đồng lòng để làm nên thắng lợi. Không phải ai cũng nấu cơm, ra đường làm từ thiện mới là yêu nước, mà mỗi người tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mình cần truyền cho nhau niềm tin chiến thắng, tin vào sự điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chung tay cùng cơ quan chức năng để hạn chế mức thấp nhất tác hại của dịch bệnh.
“Ôn lại lịch sử, truyền thống hào hùng của dân tộc để tin vào tương lai đất nước. Chúng ta đang ở thời khắc tích lũy từ mấy chục năm nay để có được cơ đồ, điều kiện để đất nước “cất cánh”. Nhưng hiện nay, đất nước đang phải đối mặt với khó khăn của dịch bệnh thì khát vọng “cất cánh” đó càng phải cháy bỏng hơn, lòng tin tăng lên thì việc đón Tết Độc lập sẽ thiết thực nhất” – ông Vũ Minh Giang cho biết./.
Kim Anh/VOV.VN