Thác Liêng Nung nằm ở buôn N’Jriêng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông, từ bao đời nay đã trở thành niềm tự hào của người Mạ, là biểu tượng thiêng liêng của cộng đồng bởi vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ, gắn với truyền thuyết lập đất, lập bon mang nhiều màu sắc huyền bí.
Thác nước Liêng Nung. Ảnh: Internet
Theo tiếng của người Mạ, Liêng là thác và Nung là nơi nghỉ ngơi nên Liêng Nung có ý nghĩa là ngọn thác để nghỉ ngơi. Do đó, người Mạ quan niệm nhờ uống nước, tắm táp và nghỉ ngơi ở đây nên người và súc vật mạnh khỏe, phát triển đông đúc. Thác Liêng Nung có cấu tạo rất đặc biệt, vách đá cao hơn 60m trên một cái hang lớn, nhô ra nơi dòng nước đổ xuống suối Đăk Nia bên dưới. Trần hang là những khối đá lục giác xếp liền kề nhau như một tổ ong đặc khổng lồ. Trong hang thảm thực vật sống động, nhưng rất khó tiếp cận do đá rất trơn. Thác gồm 3 cụm và cụm thác chính cao khoảng 30 m, nhìn từ xa như một dải lụa trắng vắt qua vách đá. Điểm độc đáo nhất của thác Liêng Nung là cấu tạo địa chất đá xếp, hình thành bởi nham thạch núi lửa phun trào từ hàng triệu năm trước. Dòng thác đổ từ vách núi, qua những hõm sâu, rêu phủ đầy một màu xanh mướt, ấn tượng khi thác đổ tung bọt trắng xoá, mát rượi.
Xung quanh khu vực Liêng Nung, có các buôn làng của đồng bào dân tộc Mạ sinh sống với những phong tục tập quán và lễ hội truyền thống đa dạng, phong phú. Từ bao đời nay, đồng bào người Mạ vẫn rất tự hào về thác Liêng Nung, bởi vì dòng thác này chưa bao giờ cạn và gắn liền với truyền thuyết lập đất, lập bon của người dân nơi đây. Truyền thuyết kể rằng, thác Liêng Nung là dòng thác duy nhất của dòng suối Đắk Ninh, bắt nguồn từ những khu rừng thiêng nên nước trong vắt, uống vào thì khỏe mạnh, chống lại được bệnh tật. Tuy nhiên, vào một năm xa xưa, trời nắng hạn khiến cho không chỉ cây trồng mà cây rừng cũng bị chết rũ, thú rừng và vật nuôi bị chết khát nhiều vô kể. Chỉ riêng người và súc vật ở vùng Liêng Nung này là còn sống sót nhờ dòng thác Liêng Nung thần kỳ. Do đó, người dân quanh vùng cũng kéo tới uống nước của dòng thác Liêng Nung. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, những kẻ hung tợn từ nơi xa tới đã nổi lòng tham muốn chiếm lấy dòng thác này nên đã gây hấn, phá ống lồ ô hứng nước đang dựng dưới thác và dùng hung khí đánh đuổi mọi người. Để bảo vệ dòng nước quý, một thanh niên cường tráng, khỏe mạnh là K’Ẹ đã tập hợp trai tráng, người dân trong bon chiến đấu, đánh đuổi những kẻ hung tợn để bảo vệ nguồn nước và cuộc sống của người dân. Cuộc chiến đấu đã cướp đi rất nhiều sinh mạng của hai bên và chỉ còn một mình chàng K’Ẹ sống sót. K’Ẹ buồn rầu nhìn cảnh bon làng xác xơ, xác chết ngổn ngang nên đã lên đường đi tìm người giúp mình và chàng gặp một cô gái đang nằm thoi thóp bên một gốc cây khô vì khát nước. K’Ẹ đã đưa cô gái về dòng Liêng Nung và lấy nước cho cô gái uống. Sau khi uống nước của dòng thác, cô gái có tên là H’Dệt không chỉ khỏe ra mà còn trở nên vô cùng xinh đẹp. Từ đó, K’Ẹ và H’Dệt đã nên duyên vợ chồng, chăm chỉ làm ăn nên rẫy nhiều vô kể, lúa chất đầy kho. Nàng H’Dệt thì khéo tay biết làm tất cả mọi việc, từ ủ rượu cần cho đến dệt thổ cẩm, đan lát,… Sau đó không lâu, hai vợ chồng đã sinh được hai người con trai khỏe mạnh đặt tên là K’Pên và K’Peo. Khi hai con đã biết quấn cái khố thì một hôm nàng H’Dệt xuống thác tắm và từ đấy không quay về nữa. K’Ẹ và các con đi tìm thì chỉ nghe một giọng nói thần bí từ thác vọng lại rằng: “H’Dệt là tiên được Giàng cử xuống để giúp người Mạ ở đây duy trì nòi giống, hết thời hạn nàng phải quay về trời.” Từ đó, ngày ngày bố con K’Ẹ đều xuống thác mong gặp được nàng H’Dệt nhưng chẳng thấy hình bóng của nàng H’Dệt, chỉ còn dòng thác hiền hòa chảy giống như mái tóc của nàng H’Dệt. Biết không thể gặp lại được H’Dệt, bố con K’Ẹ từ đó dốc sức làm ăn. Hai người con cũng lấy vợ, sinh con lập nên ba bon N’riêng, Bu Sóp và Tinh Wel Đơm tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.
Cộng đồng người Mạ ở xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Internet
Người dân ở các bon N’Jriêng, Bu Sóp và Tinh Wel Đơm ở xã Đắk Nia vẫn luôn tự hào về nguồn gốc của mình và đoàn kết chung sống, giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà. Vào mỗi dịp tổ chức lễ hội truyền thống, cộng đồng người Mạ vẫn duy trì tục lệ lấy nước ở dòng thác Liêng Nung để ủ rượu cần và nấu nước. Những động vật trước khi làm lễ hiến sinh cho thần linh cũng được đưa xuống tắm ở thác. Trong luật tục của các bon người Mạ đều quy định rõ, không ai được tự tiện chặt cây tại khu rừng thiêng quanh thác, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Để bảo vệ thác, bà con ở ba bon còn chia đều đất để canh tác, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi.
Già làng K’Ngul, ở bon Ting Wel Đơm, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) thực hiện Lễ mừng lúa mới của người Mạ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Nông thôn mới tỉnh Đắk Nông
Hiện nay, bon N’Jriêng, xã Đắk Nia đã được quan tâm đầu tư xây dựng trở thành bon du lịch cộng đồng khai thác các giá trị văn hoá truyền thống của người Mạ. Trong đó, thác Liêng Nung là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn trong hành trình thăm quan bon du lịch cộng đồng và du khách được tham gia trải nghiệm những nghi lễ, lễ hội truyền thống của cộng đồng người Mạ nơi đây. Với vẻ đẹp của dòng thác Liêng Nung và những giá trị văn hóa truyền thống đa dạng phong phú, độc đáo của người Mạ là những lợi thế hấp dẫn, thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng ở tỉnh Đắk Nông.
Khánh An