Hẳn chúng ta ai cũng ít nhất một lần nghe đến vụ thảm sát nổi tiếng này, nỗi ô nhục của của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, còn nhiều chi tiết về vụ thảm sát này chưa chưa được biết đến hoặc được biết đến chưa đầy đủ. Nhân sự kiện William Calley, sĩ quan Mỹ duy nhất bị kết tội vì vụ thảm sát Sơn Mỹ qua đời ngày 29/7/2024, chúng tôi thông tin thêm một số khía cạnh còn ít biết về vụ thảm sát
Tên đúng ra là thảm sát Sơn Mỹ, không phải thảm sát Mỹ Lai
Thường thì báo chí, kể cả báo chí nước ngoài thường đưa thông tin về vụ thảm sát với tên gọi là thảm sát Mỹ Lai, tiếng Anh là Mylai massacre. Tuy nhiên chính xác ra đây phải gọi đúng tên của nó là cuộc thảm sát Sơn Mỹ, bởi cuộc thảm sát diễn ra đồng thời trên nhiều thôn của xã Sơn Mỹ. Trong đó thôn Mỹ Lai 4 là nơi cuộc thảm sát diễn ra tàn bạo và khủng khiếp nhất với 347 người dân vô tội bị giết. Còn tại các thôn khác cũng trong xã Sơn Mỹ, số nạn nhân còn lại bị sát hại nâng tổng số người bị giết trong buổi sáng ngày 16/3/1968 tăng lên đến 504 người. Và 504 người là con số cuối cùng được báo cáo về vụ thảm sát này. Cho nên để hiểu một cách đầy đủ và đúng đắn thì phải gọi thảm sát Mỹ Lai là cuộc thảm sát Sơn Mỹ.
Lính Mỹ đi càn trong trạng thái tâm lý bất ổn và đầy ám ảnh
Đơn vị lính Mỹ tham gia cuộc thảm sát Sơn Mỹ đi càn trong tâm thế đầy ám ảnh.
Thứ nhất là trong những ngày trước đó, trong đơn vị đã có nhiều bình luận về tình trạng bị thương và thiệt mạng bởi chiến tranh du kích. Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với binh lính Mỹ tham gia cuộc càn là nhìn đâu cũng tưởng tượng ra đó là những du kích.
Thứ hai là đơn vị lính Mỹ đi càn được lệnh bắn tất cả những gì động đậy. Tại sao họ lại được lệnh như vậy. Bởi vì trong tâm thức của những người lính Mỹ đi càn, họ cho rằng, những du kích Việt cộng thường hoạt động về ban đêm và ban ngày thì nghỉ ngơi, ẩn náu tại các xóm làng. Chính vì thế, lính Mỹ cho rằng, những người nông dân thường sẽ dậy sớm đi làm đồng và từ sau 7 giờ sáng trở đi, những người còn lại trong làng sẽ chủ yếu là du kích. Do vậy, tất cả những người còn lại trong làng sau 7 giờ đều có thể là du kích và phải bị tiêu diệt. “Tất cả những ai ở lại trong làng sau 7 giờ sáng đều có thể là du kích” là một suy nghĩ bệnh hoạn và sai lầm, nhưng được phổ biến cho lính Mỹ đi càn và điều gì phải đến sẽ đến. Đúng là có những người nông dân đi làm đồng sớm trước 7 giờ sáng đã may mắn thoát khỏi cuộc thảm sát, nhưng phần lớn đàn bà, phụ nữ và trẻ em thì vẫn còn ở trong làng và trở thành mục tiêu bị tiêu diệt.
Đốt sạch, giết sạch trong thảm sát Sơn Mỹ (Ảnh tư liệu)
Người dân lầm tưởng sự thân thiện của lính Mỹ như mọi lần
Bộ máy tuyên truyền của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa thường xuyên tuyên truyền về mối quan hệ hết sức thân thân thiện giữa lính Mỹ và những người dân Nam Việt Nam. Những hình ảnh thường thấy trên báo chí và truyền hình là những lính Mỹ trên đường hành quân thường xuyên giúp đỡ người dân Nam Việt Nam, giúp đỡ người già phụ nữ, tặng trẻ con kẹo bánh, nước ngọt... Ngay tại xã Sơn Mỹ, cũng đã một số lần lính Mỹ xuất hiện và vẫn với các hành động được cho là thân thiện như thế.
Cho nên, sáng ngày 16/3/1968, khi những lính Mỹ rời khỏi trực thăng và bắt đầu đi vào làng, nhiều người dân lúc đầu theo như những hình ảnh mà họ được thấy hay những câu chuyện mà họ từng được nghe, cũng tưởng rằng lính Mỹ vẫn thân thiện như mọi khi.
Chính vì thế, nhiều người trong số họ, những người dân Sơn Mỹ còn chủ động ra đón tiếp lính Mỹ và khi được lính Mỹ tập trung thành những đám đông người thì những người dân vô tội này vẫn còn tưởng rằng họ chuẩn bị được phát kẹo bánh hay những thứ lương thực, thực phẩm, những thứ hàng hóa thiết yếu cho cuộc sống như từng được tuyên truyền.
Thế nhưng lần này, đón tiếp họ lại là những thái độ lạnh lùng và trong phút chốc thái độ lạnh lùng chuyển sang trạng thái bắn giết một cách điên loạn, khiến cho những người dân không kịp trở tay. Chính vì vậy, những cuộc tàn sát tập thể đã diễn ra chỉ trong vài giờ đồng hồ. Nói một cách nôm na, người dân Sơn Mỹ đã bị một cú lừa lịch sử và họ trở thành nạn nhân vô tội của một cuộc tàn sát không thể biện hộ.
Ông Hồng Sơn, một nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát kể lại:
“Sáng hôm đó, những quân nhân Hoa Kỳ tới từng nhà để kêu chúng tôi ra nhận lương thực, lúc đó, tôi cũng chỉ là một đứa nhỏ 3 tuổi, nên nhanh chóng lẽo đẽo chạy theo sau chân mẹ để xếp hàng nhận lương thực hỗ trợ, vì trước đây cũng nhiều lần như vậy.
Nhưng chỉ vài phút sau đó thì tiếng súng lại vang lên, từng người, từng người đang xếp hàng bị trúng đạn ngã xuống.
Theo phản xạ tôi hoảng sợ bỏ chạy, rồi nhảy xuống mương nước gần đó.
Mẹ tôi thấy vậy chạy theo để ôm tôi thì họ bắn vào mẹ.
Mẹ nằm đè lên tôi giả chết.
Họ bắn thêm vài phát nữa. Tưởng mẹ con tôi đã chết, nên họ mới bỏ đi. Đến nay, mẹ tôi vẫn còn vết thẹo ngày đó, khi viên đạn trúng và trổ xuyên qua vai”.
Phóng viên chiến trường Ronald Haeberle đã kể với tờ báo Sydney Morning Herald rằng: “Có một số người miền Nam, khoảng 15 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em đang đi bộ trên con đường đất cách đó khoảng 90 m. Đột nhiên, lính Mỹ bắn vào họ với khẩu M16. Bên cạnh hỏa lực M16, họ còn dùng súng phóng lựu M79 bắn vào người dân. Tôi không thể tin vào những gì mình đang nhìn thấy”.
Khi bộ binh Hoa Kỳ Quyết định tấn công vào làng Mỹ Lai 1, Mỹ Lai 2, Mỹ Lai 3 và Mỹ Lai 4, Đại úy Ernest Medina đã nói rằng người dân sẽ đi chợ vào 7:00 sáng, tất cả những ai còn ở lại trong làng đều là du kích Việt Cộng. Viên Đại úy này đã ra lệnh: “Hễ thấy thứ gì động đậy là bắn, bất kể là phụ nữ hay trẻ em”.
Các hồ sơ được giải mật đến nay cho biết sự thật tàn bạo hơn người ta vẫn tưởng. Một lính Mỹ kể: “Phát đạn đầu tiên trúng vào đầu một trẻ sơ sinh và tôi phải quay mặt đi để nôn mửa”. Một người khác cho biết: “Đa số đồng ngũ trong đại đội của tôi không coi người Việt là người... Một gã tóm ngay một cô gái và... Sau đó họ bắn chết cả nhóm con gái đó khi đã... xong...”.
Các cuốn băng trong cuộc điều tra "The Peers Inquiry”, được giải mật năm 2008 cho biết các quân nhân Mỹ đã hãm hiếp và giết hàng trăm thường dân không chỉ ở một làng mà trong ba ngôi làng ngày hôm đó. Băng ghi âm cũng chứng minh rằng hai đại đội, chứ không chỉ đại đội Charlie liên quan đến vụ thảm sát.
Bằng chứng cũng nói rõ rằng nhiều binh sĩ trẻ không được huấn luyện tốt và họ hết sức coi thường pháp luật. Các cuộn băng cũng cho thấy lệnh “Không để ai sống sót” là do các sĩ quan chỉ huy đưa ra.
Cuộc thảm sát Sơn Mỹ được che giấu bằng những báo cáo sai lệch. Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam tuyên bố với Chính phủ Hoa Kỳ rằng 128 phiến quân Việt cộng đã bị tiêu diệt và 3 vũ khí đã được thu giữ. Thật hài hước, cuộc càn tiêu diệt 128 Việt Cộng, nhưng chỉ thu giữ được 3 vũ khí, vậy không lẽ bộ đội và du kích Việt cộng chiến đấu bằng tay không?. 190 lính Mỹ trong hơn 4 giờ đồng hồ đã truy lùng và thảm sát người dân vô tội mà không gặp phải bất cứ sự chống cự nào của Việt Cộng. Ấy vậy mà trận càn vẫn được coi là chiến thắng của quân đội Hoa Kỳ cho đến khi sự thật khủng khiếp về nó bị đưa ra ánh sáng. Chẳng có du kích hay bộ đội nào cả, người bị giết toàn là người già, phụ nữ và trẻ em.
Năm 1971,Trung úy W.Calley bị Tòa án Mỹ kết án giết hại 22 dân thường (Ảnh tư liệu)
Vẫn còn những ý kiến biện minh cho tội ác của lính Mỹ
Mặc dù tội ác của cuộc thảm sát đã rõ ràng, không thể biện minh, nhưng đây đó vẫn có những ý kiến cho rằng lính Mỹ làm thế bởi người dân Sơn Mỹ, chứa chấp Việt cộng. Tệ hơn, còn cho rằng Việt Cộng sử dung người dân làm bia đỡ đạn. Ý kiến này nói rằng: “Hành động tự phát của những người này (chỉ lính Mỹ) là không thể tha thứ, nhưng tôi cũng không thể dễ dàng chấp nhận được những người đã đem dân làng ra để làm bia đỡ đạn phục vụ cho mục đích chiến tranh tâm lý chống lại Việt Nam Cộng hòa và đồng minh của họ. Tất cả mọi thứ tệ hại nhất đều tập hợp trong một đơn vị, một nhóm quân nhân có vấn đề về tâm lý, không phải cả nước Mỹ giết thôn Mỹ Lai, nên lên án những người liên quan chứ không thể nào căm thù cả nước Mỹ”.
Khi vụ thảm sát vỡ lở, không thể che giấu được nữa, chính quyền Hoa Kỳ buộc phải điều tra thì những người biện minh cho Hoa Kỳ vẫn cho rằng: “May mắn thay, Hoa Kỳ là một quốc gia đa nguyên, cho nên vụ thảm sát này được làm sáng tỏ trước công luận, cuối cùng những người tham gia vào vụ thảm sát đã bị đem ra xét xử vào ngày 17/3/1970. 14 sĩ quan đã bị lục quân Hoa Kỳ buộc tội che giấu sự kiện Mỹ Lai, trong đó có có cả thiếu tướng Tư lệnh Sư đoàn 23 bộ binh Hoa Kỳ về việc che giấu thông tin liên quan đến sự kiện Mỹ Lai. Trung úy William Calley bị kết tội giết người có chủ ý, đã bị tuyên án chung thân, nhưng không lâu sau đó, tất cả họ đều được ân xá và được tuyên trắng án”.
Thực ra, có 26 người bị kết tội, nhưng duy nhất có Trung úy William Calley bị kết án chung thân, nhưng chỉ vài ngày sau, được đưa về quản thúc tại gia và ba năm rưỡi sau thì được Tổng thống Mỹ Nixon ân xá.
Trung tướng William R.Peers sau khi nhận lệnh từ Tham mưu trưởng Quân đội Hoa Kỳ đã mở cuộc điều tra và chỉ trích mạnh mẽ những sĩ quan đã che giấu vụ việc. Tuy nhiên, ông xác nhận rằng, nhiều bằng chứng cho thấy trong số người bị thảm sát thực sự có du kích Việt cộng không vũ trang. “Do họ đã kịp giấu vũ khí dựa theo tin tình báo và cố tình gài bẫy những quân nhân Hoa Kỳ tại đây, những người vốn đã bất ổn tâm lý và bị ám ảnh bởi bóng ma Việt cộng thường xuất hiện vào ban đêm”. Nói vậy nhưng tướng R.Peers cũng không nói rõ được tại sao những du kích Việt Cộng lại cố tình tự gài bẫy để chính họ bị giết.
Dù có bào chữa thế nào thì cho đến nay, vụ thảm sát đã để lại một vết nhơ trong lịch sử của quân đội Hoa Kỳ. Chính Tổng thống Mỹ Nixon vào tháng 12/1969, tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, đã phải thừa nhận: sự kiện Mỹ Lai là một vụ tàn sát: “Những gì đã xảy ra dường như chắc chắn là một vụ thảm sát dù kết quả điều tra có thế nào đi nữa. Một trong những mục tiêu chúng ta theo đuổi trong Chiến tranh Việt Nam là giúp miền Nam Việt Nam chống lại sự áp đặt bạo tàn đối với dân chúng, và vì thế, chúng ta không bao giờ nên dùng chính sự tàn ác để đạt được mục tiêu đó”.
Lê Minh