Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được hiểu là việc sử dụng tổng hợp các lực lượng và các biện pháp kiên quyết, kiên trì giữ gìn, duy trì, củng cố bản chất cách mạng và khoa học, phát huy, phát triển sáng tạo những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời chống lại sự xuyên tạc, phá hoại và cả những nhận thức sai trái của các lực lượng bên ngoài và bên trong nhằm làm cho nền tảng tư tưởng của Đảng ngày càng thấm sâu, ngày càng đóng vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là học thuyết cách mạng mà còn phải bảo vệ những thành tựu và biểu hiện cụ thể của nền tảng tư tưởng đó trong thực tiễn đổi mới đất nước. Với ý nghĩa đó, Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII ngày 22/10/2018 về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã khẳng định: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh lànền tảng tư tưởng của Đảng Tuy nhiên, ở Việt Nam, cương lĩnh, đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước đều được xây dựng dựa trên nền tảng lý luận là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Những thành quả của công cuộc đổi mới đất nước trong hơn 35 năm qua chính là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Do đó, nội hàm của “nền tảng tư tưởng của Đảng” ngoài chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh còn bao hàm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, những thành tựu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Do vậy, sứ mệnh của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là sự đóng góp công sức, trí tuệ, nhiệt huyết của tuổi trẻ trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái xuyên tạc, phủ nhận nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ sự đúng đắn và không ngừng nghiên cứu, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.
Để thanh niên hoàn thành sứ mệnh của mình trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thanh niên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước hết cần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng nhằm phát huy sức mạnh của thanh niên, tập trung mũi nhọn đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình” hòng phủ định nền tảng tư tưởng, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Mọi biểu hiện lơ là mất cảnh giác, non kém về chính trị, buông lỏng trận địa đấu tranh tư tưởng - lý luận đều có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. Do vậy, các cấp uỷ đảng từ Trung ương đến cơ sở phải quan tâm lãnh đạo nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên và lâu dài này trong đội ngũ thanh niên, làm cho thanh niên nhận thức đúng, từ đó kiên định vững chắc, vận dụng và góp phần phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, kiên định đường lối đổi mới, đóng góp sức trẻ vào thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Diễn đàn “Tuổi trẻ CAND xung kích tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng”. Ảnh: Internet.
Hai là, nâng cao nhận thức, trách niệm của tổ chức đoàn đối với thanh niên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tổ chức Đoàn Thanh niên phải đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, tạo môi trường thuận lợi để họ rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Các phong trào thanh niên phải hướng tới “giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đoàn Thanh niên cần phải phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tuyên truyền, quán triệt đến các cấp bộ đoàn và đội ngũ cán bộ đoàn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động giám sát, phản biện xã hội; vai trò, trách nhiệm của các cấp bộ đoàn, cán bộ đoàn trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội.
Đồng thời, cần bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đoàn Thanh niên trong giai đoạn hiện nay, xử lý đúng đắn, đồng bộ các mối quan hệ: Giữa đổi mới cơ cấu tổ chức với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của tổ chức đoàn; giữa đổi mới tổ chức và đổi mới công tác cán bộ; giữa tinh gọn tổ chức bộ máy với tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đoàn các cấp.
Cấp ủy các cấp cần quan tâm xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ đoàn có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, am hiểu nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đoàn, có phương pháp công tác khoa học, khách quan để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Không ngừng đổi mới công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đoàn các cấp; tiếp tục quan tâm và mạnh dạn quy hoạch từ nguồn cán bộ đoàn, bố trí công tác cho cán bộ đoàn khi đến tuổi trưởng thành đoàn; điều động, luân chuyển cán bộ đoàn các cấp để họ có điều kiện học tập, trau dồi kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân; tăng cường rèn luyện tác phong, lề lối công tác của cán bộ đoàn.
Bùi Xuân Việt