Phát hiện thêm nhiều chuỗi lây nhiễm
Trong quá trình thực hiện chiến dịch xét nghiệm diện rộng từ ngày 26 đến 30-6, với mục tiêu lấy được 2,5 triệu mẫu xét nghiệm trong cộng đồng (gồm mẫu gộp 5 xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên), ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm nhiều chuỗi lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Điển hình như chuỗi nhiễm Covid-19 tại Công ty Nidec Sankyo trong Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh nằm tại thành phố Thủ Đức. Qua xét nghiệm sàng lọc ngày 28-6, cơ quan y tế phát hiện 14 ca dương tính SARS-CoV-2 (đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính).
Ngày 29-6, có thêm 14 ca dương tính được xét nghiệm nhanh kháng nguyên, đang chờ xét nghiệm khẳng định. Công ty đã phải tạm phong tỏa, công nhân ở tại chỗ chờ y tế xét nghiệm toàn bộ ngay trong đêm.
Còn tại quận Bình Thạnh, 81 nhân viên của một công ty có trụ sở tại phường 25 được doanh nghiệp chủ động tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại Bệnh viện FV. Kết quả, có 20 ca dương tính với SARS-CoV-2 và đều không có triệu chứng.
Đáng chú ý là trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở 1) ngày 28-6. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức xét nghiệm cho 500 trường hợp và phát hiện 1 bệnh nhân bị ung thư di căn cột sống, yếu liệt nửa người. Người này có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính vào ngày 29-6.
Cơ quan chức năng đã phong tỏa khu B, tầng 2 khu E (Khoa Xạ trị - phụ khoa) và tầng 3 khu C (Khoa Ngoại đầu cổ, tai mũi họng và Khoa Ngoại tuyến giáp) để phun khử khuẩn, khoanh vùng dập dịch.
Sự vất vả của đội ngũ truy vết
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, việc tăng tốc xét nghiệm Covid-19 diện rộng trong cộng đồng khiến số ca nhiễm phát hiện tăng lên, đồng nghĩa với việc đội ngũ truy vết của ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng phải tăng tối đa công suất làm việc nhằm sớm khoanh vùng và cắt đứt chuỗi nhiễm.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Phương, cán bộ chuyên tách phòng, chống dịch tại Trạm y tế phường 9, quận Gò Vấp kể về lần truy vết ông M, một ca Covid-19 cư trú ở hẻm 380, phường 9, quận Gò Vấp. Khi cán bộ y tế điều tra dịch tễ, ông M khai báo không đi đâu, chỉ ở nhà. Đây cũng là thông tin mà 25 trường hợp F1 trong khu vực này cung cấp cho nhân viên y tế.
3 ngày sau, cách nhà ông M 200m có thêm một bệnh nhân Covid-19 là ông H. Ban đầu ông H cũng khai báo chỉ ở nhà, không đi đâu. Tuy nhiên, vợ ông H khi nghe chồng mình mắc bệnh Covid-19 đã hỗ trợ nhân viên y tế, chỉ điểm những trường hợp tiếp xúc với ông H. Ngay trong đêm, đích thân bà dẫn nhân viên y tế đến từng nhà mà ông H đã từng đến, trong đó có nhà ông M.
Từ đây, nhân viên y tế phát hiện nơi làm việc của ông M là một cơ sở buôn bán thịt. trong vai người mua thịt, nhân viên y tế đã khéo léo trò chuyện với những người làm việc tại đây, phát hiện ông M đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Từ đó, vẽ được sơ đồ chuỗi nhiễm và lên kế hoạch khoanh vùng chính xác.
“Ông M sau đó diễn tiến bệnh nặng, phải thở máy. Đến lúc đó, người dân mới khai báo về những lần tụ tập ăn nhậu với ông M. Những người này sau đó đa phần đều nhiễm Covid-19”, chị Kiều Trang, Trưởng Trạm y tế phường 9, quận Gò Vấp, nói.
Còn chị Quỳnh Thu, Đội trưởng Đội Đáp ứng nhanh số 2, Trung tâm y tế quận 3 cho biết, khó khăn nhất là khi làm việc với các ca bệnh làm nghề bán hàng tự do. Vì khách hàng thân thiết mua hàng chỉ 1 vài người, trong khi đó khách vãng lai lại rất nhiều. Nhiều trường hợp là dân lao động nên khi hỏi tới là họ trốn, vì kế sinh nhai, làm ngày nào ăn ngày đó nên bây giờ mà họ cách ly thì sẽ không còn nguồn thu nhập nên họ khai báo không đầy đủ.
Vượt qua nhiều khó khăn, những nhân viên y tế thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để truy vết, góp phần sớm khoanh cùng các chuỗi nhiễm Covid-19. Ngành Y tế rất mong người dân hợp tác, khai báo lịch trình của mình rõ ràng, chính xác, để bảo vệ cho chính bản thân, gia đình và xã hội, chung tay cùng thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh.