Với cam kết trở thành thành viên có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế, trong quá trình mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã làm hết sức mình cho mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển. Những đóng góp của Việt Nam vào tổ chức APEC là minh chứng sinh động cho điều đó
Ngày 15/11/1998, tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhân Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10. Đây là cơ chế hợp tác kinh tế đầu tiên ở tầm châu Á - Thái Bình Dương mà Việt Nam tham gia kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới, khẳng định quyết tâm triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng.
Nhìn lại chặng đường 26 năm qua, có thể thấy quyết định gia nhập APEC năm 1998 là một quyết định chiến lược trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, góp phần đặt nền tảng cho hội nhập toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam cũng như của khu vực. Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho tiến trình hợp tác, liên kết của APEC.
Chủ nhà Năm APEC chu đáo và thân thiện
Việt Nam là một trong số không nhiều các nền kinh tế ba lần được các thành viên tín nhiệm ủng hộ đảm nhiệm vai trò chủ nhà các Năm APEC 2006, 2017 và năm 2027 tới đây. Đây là sự “hiếm hoi” trong APEC. Điều này thể hiện rõ nét vài trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và APEC nói riêng.
Dưới sự chủ trì của Việt Nam, hai Hội nghị Cấp cao APEC Hà Nội năm 2006 và Đà Nẵng năm 2017 đều được đánh giá hết sức thành công, đạt những kết quả quan trọng, có ý nghĩa mang tính chiến lược đối với Diễn đàn APEC cũng như hợp tác, liên kết kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại Tuần lễ Cấp cao tháng 11/2006 tại thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên các nhà Lãnh đạo APEC đã xác định triển vọng hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Đây là quyết sách quan trọng, đặt nền móng cho tầm nhìn chiến lược về liên kết kinh tế toàn khu vực.
Cùng thời điểm đó, Việt Nam đã ghi dấu ấn với Chương trình hành động Hà Nội nhằm thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; Gói biện pháp tổng thể cải cách APEC, các cam kết hợp tác về an ninh con người, phát triển nguồn nhân lực, cải cách cơ cấu, hỗ trợ các thành viên đang phát triển nâng cao năng lực hội nhập...
Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế
Tiếp đến, với bản lĩnh và trí tuệ, với quyết tâm và sự đồng lòng, Việt Nam đã tổ chức thành công xuất sắc Năm APEC 2017 với gần 250 sự kiện, đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng.
Tại đây, Việt Nam đề xuất sáng kiến xây dựng tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020 và thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC. Năm APEC 2017 được đánh giá là thành công nhất sau 10 năm khi có sự tham dự đông đủ của các nhà lãnh đạo kinh tế khu vực APEC.
Ngoài ra, với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC, Việt Nam chủ động đề xuất nhiều ý tưởng phù hợp với quan tâm chung nhằm tiếp tục đề cao vai trò của khu vực châu Á-Thái Bình Dương lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy phát triển bao trùm, bền vững, kết nối tiểu vùng, cải cách cơ cấu, kết nối con người, hợp tác kỹ thuật… Các ý tưởng và đề xuất của Việt Nam đã được lồng ghép trong văn kiện Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Xuất phát từ uy tín và đóng góp của Việt Nam trong APEC thời gian qua, đề xuất đăng cai tổ chức năm APEC 2027 của Việt Nam đã được các thành viên tích cực tán thành và tin tưởng.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, đề xuất này đã khẳng định cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, khu vực châu Á -Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng.
Thành công và những dấu ấn của Năm APEC 2006, 2017 và đề xuất đăng cai APEC 2027, khẳng định đóng góp chủ động, tích cực và tinh thần trách nhiệm cao của Việt Nam trong tham gia định hình liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của châu Á-Thái Bình Dương là động lực của liên kết và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thành viên tích cực trong việc đề xuất các sáng kiến, dự án hợp tác
Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong việc đề xuất các sáng kiến, dự án hợp tác. Với khoảng 150 dự án và sáng kiến, nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nổi bật là sáng kiến về phát triển bền vững, bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thúc đẩy kinh tế số…
Đặc biệt, trong năm 2021, khi đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho hoạt động hợp tác, Việt Nam thể hiện là quốc gia tích cực, trách nhiệm với APEC, đưa ra nhiều sáng kiến, đóng góp quan trọng.
Những ý kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra được các nhà lãnh đạo APEC đánh giá cao. Đặc biệt là sáng kiến chia sẻ công bằng vaccine, kêu gọi các thành viên cam kết tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm mở rộng quy mô sản xuất và cung ứng vaccine, hướng tới miễn dịch cộng đồng.
Về phát triển, Việt Nam cũng đề ra các biện pháp rất mới, như đề nghị APEC có tầm nhìn và cách tiếp cận mới trong phục hồi kinh tế như thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử, rỡ bỏ các rào cản thương mại để khôi phục sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy. Trong quá trình đó thì cần hỗ trợ các các nhóm yếu thế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tại Hội nghị cấp cao APEC năm 2023, tổ chức tại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đề xuất các ý tưởng nhằm ứng phó với các vấn đề cấp bách của kinh tế thế giới, đặc biệt là yêu cầu về một tư duy mới bao trùm, hài hoà và nhân văn, được tất cả các thành viên APEC hoan nghênh và đánh giá cao.
Hợp tác thương mại ngày càng chặt chẽ giữa các thành viên APEC
Ngoài ra, Chủ tịch nước còn đề xuất cụ thể đối với sứ mệnh và nhiệm vụ của APEC trong giai đoạn mới nhằm thích ứng và tiếp tục thành công: duy trì và củng cố những thành tựu quan trọng về tự do hoá và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu; hợp tác xây dựng khu vực tự cường, từng nền kinh tế tự cường, sẵn sàng ứng phó với các thách thức; tạo khuôn khổ hợp tác hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tận dụng cơ hội phát triển, thúc đẩy động lực tăng trưởng.
Những ý tưởng, quan điểm này được các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao và đưa vào văn kiện của Hội nghị, qua đó mở ra những hướng đi mới cho hợp tác của APEC.
Góp phần điều hành, thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác
Trong công tác điều hành hoạt động của APEC, Việt Nam đã khẳng định vai trò điều hành, thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác của APEC thông qua đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ chế của Diễn đàn. Nổi bật là vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC (2005 - 2006), Chủ tịch nhóm ASEAN trong APEC, Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều ủy ban, nhóm công tác quan trọng của Diễn đàn. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đóng góp và tham gia tích cực tại Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC và Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. Ở các vị trí đảm nhiệm, Việt Nam đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, khả năng điều hành.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2018, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, nhóm công tác của APEC và ABAC, được các thành viên đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp cùng với các nước thành viên để đưa tiến trình APEC phát triển hơn nữa, bảo đảm một sự phát triển kinh tế bền vững và đem lại những cơ hội mới, những thuận lợi mới và đặc biệt là những điều kiện để khắc phục những khó khăn, những thách thức hiện nay do tình hình thế giới rất phức tạp đặt ra.
Việt Nam đã tích cực ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với các thành viên APEC chủ chốt và các thành viên ASEAN trong APEC duy trì nguyên tắc thương mại - đầu tư tự do và mở của Diễn đàn, thúc đẩy đà hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy các nỗ lực ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm trong dài hạn, thúc đẩy đoàn kết và đề cao vai trò của ASEAN.
Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp trong hợp tác phát triển
Vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC ngày càng được đề cao.
Kể từ sau khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tiếp tục tham gia, đóng góp tích cực trong hợp tác APEC; thúc đẩy triển khai các kết quả quan trọng của APEC 2017, nhất là sáng kiến của Việt Nam về xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC, Việt Nam đã chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng Báo cáo khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn APEC với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040”.
Với Tầm nhìn APEC đến năm 2040 và Kế hoạch Hành động Aotearoa triển khai Tầm nhìn được các nhà Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên thông qua, APEC đã hoàn tất thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25, tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.
Việt Nam đồng thời tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động và quan tâm chung của APEC, trong triển khai Kế hoạch Hành động Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Các Bộ, ngành của Việt Nam tiếp tục tranh thủ tốt các nguồn lực của APEC nhằm nâng cao năng lực; chủ trì hoặc đồng chủ trì với một số thành viên các dự án về thương mại điện tử, nâng cao quyền năng cho phụ nữ, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó tình trạng khẩn cấp, y tế biển, tăng trưởng bền vững và bao trùm, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy chuỗi cung ứng tự cường…
Có thể thấy, việc Việt Nam gia nhập APEC là quyết định có tầm nhìn chiến lược của Ðảng và Nhà nước. Cùng với việc gia nhập ASEAN, tham gia sáng lập ASEM và khởi động đàm phán gia nhập WTO, tham gia Hiệp định CPTPP, gia nhập APEC thể hiện hình ảnh một đất nước Việt Nam đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế và đóng góptích cực, có trách nhiệm vào xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Lê Tình