Tình hình thúc đẩy liên kết sản xuất ở vùng đồng bằng sông Hồng
Trong những năm qua, liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Tam giác cực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cùng các trục liên kết như tuyến từ Lào Cai xuống Hà Nội đi Hải Phòng và trục từ Lạng Sơn xuống Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên; tuyến dọc biển như Hải Phòng, Quảng Ninh... không ngừng phát triển. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước và chiếm 29,4% GDP cả nước[1].
Riêng năm 2023 đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế trên cả nước; quy mô kinh tế theo giá hiện hành đạt hơn 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm gần 30,1% GDP của Việt Nam, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 260,88 tỷ USD, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, trong đó, Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu, tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên...; thu hút đầu tư nước ngoài cũng lớn nhất nước, ước đạt 17,382 tỷ USD; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng kinh tế của toàn vùng, các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển theo hướng hiện đại. [2]
Hà Nội ngày càng khẳng định vai trò trung tâm trong thúc đẩy liên kết sản xuất vùng đồng bằng sông Hồng
(Ảnh: VGP/Nghĩa Nguyễn)
Và những "nút thắt"...
Mặc dù là vùng kinh tế trọng điểm dẫn đầu cả nước, tập trung nhân lực chất lượng cao, thu hút nguồn vốn đầu tư mạnh nhưng tăng trưởng trung bình 10 năm vừa qua của vùng chỉ đạt mức cao gấp 1,15-1,2 lần mức chung của cả nền kinh tế [3]. Mức tăng trưởng này chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Đồng thời, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa hình thành được các chuỗi sản xuất và các cụm liên kết ngành; chưa có những đột phá về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại tự do, cũng chưa hình thành các cụm liên kết ngành, các vùng sản xuất nông sản tập trung.
Vậy “nút thắt” cản trở sự phát triển kinh tế và liên kết sản xuất của vùng là gì?
Thứ nhất, vấn đề đất đai. Thiếu quỹ đất cho sản xuất lớn. Sản xuất của vùng về cơ bản vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán nên rất khó để doanh nghiệp thuê. Giá bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp theo quy định ở một số địa phương còn cao, ví dụ như Hà Nội. Quản lý đất đai, bảo vệ môi trường gắn với biến đổi khí hậu còn nhiều bất cập.
Thứ hai, vấn đề vốn và lao động. Vùng thiếu các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về vốn, công nghệ, nhân lực để ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất. Bên cạnh đó, gần 2/3 lực lượng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có bằng/chứng chỉ, đặc biệt là chất lượng lao động ở nông thôn, chất lượng lao động nữ cải thiện chậm và còn thấp với 15,1% lực lượng lao động nông thôn đã qua đào tạo; 21,3% lực lượng lao động nữ đã qua đào tạo [4].
Thứ ba, hạ tầng giữa Hà Nội và các địa phương khác trong vùng tuy đã có đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt là chậm triển khai xây dựng các tuyến đường vành đai kết nối thành phố với các địa phương lân cận.
Một số giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất trong vùng
Hiện nay, vùng đồng bằng sông Hồng chưa có một cấu trúc thể chế tạo ra liên kết vùng hiệu quả nên chưa thể tạo sự phát triển đột phá. Do đó, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách của mỗi địa phương trong vùng, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các quy định của Nhà nước để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của vùng. Đồng thời, bên cạnh Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, cần đề xuất cho thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới có tính đột phá nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất trong vùng, đặc biệt là liên kết công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ mới, công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh, từng bước tham gia sâu, toàn diện vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Cần tổ chức không gian phát triển bảo đảm cân bằng, bền vững, kết nối hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, các cực tăng trưởng và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông thông suốt để khơi thông các điểm nghẽn về hạ tầng; chú trọng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng hiện đại; phát triển hệ thống logistics đồng bộ; hình thành, phát triển các vành đai công nghiệp, các cụm liên kết ngành và hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ, đô thị ở các địa phương có lợi thế để tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, có công nghệ và giá trị gia tăng cao nhằm tạo động lực phát triển thúc đẩy liên kết vùng và khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội về vị trí địa kinh tế, chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng và mỗi địa phương.
Tập trung thúc đẩy chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, doanh nghiệp số để vùng thực sự đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt phát triển công nghiệp quốc gia theo hướng công nghệ cao, công nghệ số. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kĩ năng và trình độ quản lý tốt đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư của các địa phương trong vùng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1,3. PGS, TS Trần Đình Thiên (2023), Giải pháp đột phá phát triển liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng, Công thương, https://congthuong.vn/giai-phap-dot-pha-phat-trien-lien-ket-vung-dong-bang-song-hong-256962.html
2. Phạm Tiếp (2024), Phát triển Đồng bằng sông Hồng liên kết, toàn diện và bền vững, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/phat-trien-dong-bang-song-hong-lien-ket-toan-dien-va-ben-vung-664703.html
4. Hoạt động khoa học công nghệ ngành Công thương (2023), Vùng đồng bằng sông Hồng: Phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập, https://khcncongthuong.vn/tin-tuc/t18526/vung-dong-bang-song-hong-phat-trien-nhan-luc-chat-luong-cao-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap.html
Phùng Lê Dung