Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và nhất là trong thời gian diễn ra Hội nghị Geneva, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ thế giới. Đó là kết quả của đường lối ngoại giao đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ trương mở rộng đoàn kết quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai các hoạt động ngoại giao, nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, để họ hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà thực dân Pháp là kẻ châm ngòi cũng như tính chất chính nghĩa, đấu tranh vì độc lập, tự do, dân chủ và hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lời kêu gọi tới Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đề nghị quốc tế ủng hộ việc vãn hồi hòa bình ở Đông Dương; tỏ rõ thiện chí của Việt Nam muốn mở rộng tiếp xúc và quan hệ quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng dân chủ tiến bộ trên thế giới.
Đối với nước Pháp, chỉ trong một thời gian ngắn (từ cuối tháng 12/1946 đến đầu tháng 3/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần chính thức gửi thư và kêu gọi Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Pháp[1]. Người yêu cầu phía Pháp đình chỉ chiến tranh, thực hiện thương lượng, nhấn mạnh thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam muốn hòa bình, hợp tác với nhân dân Pháp.
Trong bức thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp năm mới 1947, Người viết: “Mong quốc dân Pháp hiểu rằng chúng tôi không thù hằn gì dân tộc Pháp. Chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu, chống bọn thực dân phản động đang mưu mô xẻ cắt Tổ quốc chúng tôi, đưa chúng tôi vào vòng nô lệ và gieo rắc sự chia rẽ giữa hai dân tộc Pháp và Việt. Nhưng chúng tôi không chiến đấu chống nước Pháp mới và quốc dân Pháp, chúng tôi lại còn muốn hợp tác thân ái”[2].
Chính sách phân biệt bạn, thù rõ ràng, đúng đắn của Đảng và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từng bước làm thay đổi nhận thức và thái độ của Đảng Cộng sản Pháp cũng như đông đảo nhân dân tiến bộ Pháp, ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Ngay từ ngày Hội nghị Geneva về Đông Dương bắt đầu, Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế. Song song với đấu tranh trên bàn đàm phán, Việt Nam tích cực làm việc với các đoàn Liên Xô, Trung Quốc và Pháp, đã họp báo, gặp gỡ với hàng trăm đoàn thể nhân dân và chính giới Pháp để bày tỏ thiện chí và quyết tâm của dân tộc Việt Nam, tố cáo hành động hiếu chiến và âm mưu phá hoại hòa bình của các thế lực hiếu chiến. Các hoạt động này đã góp phần làm cho dư luận Pháp và quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam, buộc chính phủ Pháp phải chấp nhận phương án về một giải pháp toàn bộ đối với Việt Nam và Đông Dương.
Nhân dân Pháp phản đối chiến tranh tại Đông Dương (Ảnh tư liệu)
Dư luận Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam
Tại Pháp, nhân dân tiến bộ Pháp, các tổ chức chính trị - xã hội trên toàn nước Pháp đã liên tiếp tổ chức nhiều hoạt động với quy mô lớn để phản đối “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” mà giới cầm quyền hiếu chiến ở Pháp đang thực thi trên bán đảo Đông Dương.
Điển hình là Tổng Liên đoàn lao động Pháp đã phát động chiến dịch rất rầm rộ trên toàn quốc không sản xuất vũ khí, phương tiện chiến tranh, chống bắt lính đưa sang tham chiến ở Đông Dương.
Phong trào nhân dân Pháp đã lôi cuốn được đông đảo các tầng lớp nhân dân tập hợp vào mặt trận chống chiến tranh xâm lược do nhà cầm quyền Pháp tiến hành; đồng thời, phát động cuộc tuần hành với hơn 30.000 người tham gia tại Trường đua Mùa Đông. Phong trào phản chiến dâng cao mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử nước Pháp, tạo nên sức ép chính trị rất lớn, đòi Chính phủ Pháp phải rút quân đội viễn chinh và lính đánh thuê ra khỏi Đông Dương.
Có rất nhiều tấm gương tiêu biểu với những hành động phản đối chiến tranh, ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã gây chấn động nước Pháp và lan tỏa nhanh chóng ra nhiều nước trên thế giới như: chị Raymonde Dien nằm ngang đường ray ở nhà ga Tua để chặn đoàn xe lửa chở vũ khí, trang bị chiến tranh đưa sang Việt Nam; anh Henri Martin, người từng có mặt tại chiến trường Đông Dương và sau khi trở về nước Pháp đã dũng cảm đứng lên tổ chức nhiều diễn đàn tố cáo tội ác dã man, tàn bạo của thực dân Pháp tại Việt Nam, kêu gọi hàng ngũ thủy binh, công nhân phản chiến, đình công...
Trong cuộc đấu tranh chính trị gay go ở hội nghị Geneva, nhân dân Pháp đã bày tỏ thái độ nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Pháp, các tổ chức, hội đoàn và nhân dân Pháp tiến bộ, yêu chuộng hòa bình tích cực vận động, đấu tranh ủng hộ Việt Nam. Báo Nhân đạo yêu cầu Chính phủ Pháp phải thật thà thương lượng để chấm dứt chiến tranh.
Được tin Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử đại biểu đến Geneva, báo Nhân đạo đã nói rõ cho nhân dân Pháp biết đoàn đại biểu của Việt Nam đến đàm phán vì một sứ mệnh hòa bình cho hai dân tộc Việt-Pháp, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài và đẫm máu ở Đông Dương.
Ngày 08/5/1954, đúng vào ngày Hội nghị Geneva về Đông Dương khai mạc, Trung ương Đảng Cộng sản Pháp ra bản tuyên bố, chỉ ra rằng: Kẻ thù của hòa bình vẫn chưa bỏ những kế hoạch xâm lược của chúng. Nhưng những hy vọng của hàng triệu nhân dân Pháp và Việt Nam mong muốn chấm dứt chiến tranh, nhất là sau trận Điện Biên Phủ ác liệt, có thể trở thành một sự thật trước mắt.
Tổng Liên đoàn Lao động Pháp, đoàn Cộng hòa tiến bộ và nhiều tổ chức khác cũng đều lên tiếng đòi hòa bình ở Đông Dương. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, thời điểm đó là Bidault, ngày nào cũng nhận được thư và điện của các tầng lớp nhân dân Pháp từ khắp nước Pháp gửi đến đòi đại biểu Pháp tôn trọng nguyện vọng của nhân dân Pháp, đang mong muốn chấm dứt cuộc đổ máu ở Đông Dương. Các đoàn thể nhân dân, các gia đình có con em bị tử thương, bị bắt làm tù binh hoặc mất tích ở Đông Dương, cũng như các nhân sĩ tiến bộ ở Pháp đều cử đại diện đến Geneva nói lên ý chí hòa bình của nhân dân Pháp.
Chỉ trong hai ngày 15 và 16/5/1954, có tới 60 đoàn đại diện nhân dân Pháp sang Geneva, trong đó riêng thành phố Marseille đã có tới 20 đoàn. Những người đại diện chân chính của nhân dân Pháp đem mối nhiệt tình của nhân dân Pháp đến chào mừng đoàn đại biểu của Việt Nam.
Phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp làm cho tâm lý chán ghét chiến tranh nảy nở mạnh thêm trong một bộ phận ngày càng lớn của giai cấp tư sản Pháp. Trên nhiều tờ báo tư sản Pháp như Chiến đấu, Thế giới, Bình dân... cũng như trên nhiều hàng ghế của các đảng phái tư sản Pháp trong Quốc hội Pháp, tiếng kêu gọi chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương vang lên không ngớt.
Bà Raymonde Dien (thời trẻ), người bạn lớn của nhân dân Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân Á-Phi ủng hộ Việt Nam
Trong mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ và đoàn kết với Việt Nam, nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô và Trung Quốc, là lực lượng nòng cốt. Bên cạnh sự ủng hộ mạnh mẽ về tinh thần và vật chất trong cuộc kháng chiến, nhân dân các nước này đã dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu về chính trị, đi đến ký kết Hiệp định Geneva.
Nhân dân các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là các nước thuộc địa của Pháp, các nước mới giành được độc lập dân tộc, các lực lượng hòa bình, dân chủ trên thế giới, kể cả một bộ phần nhân dân Mỹ, đã đồng tình, ủng hộ nhân dân Việt Nam kháng chiến. Mặt khác, phong trào giải phóng dân tộc rộng lớn của nhân dân các nước châu Á, Phi, Mỹ La tinh chống chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới trong thời gian nhân dân Việt Nam kháng chiến là nguồn cổ vũ và sự hỗ trợ quốc tế to lớn đối với nhân dân Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là trong quá trình đấu tranh đi tới ký kết Hiệp định Geneva, tại nhiều nước thuộc địa của Pháp ở châu Phi như Algeria, Maroc, Tunisia, Madagascar..., những người lao động đã tích cực ủng hộ và chi viện cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam bằng nhiều hình thức.
Công nhân các bến cảng ở Bắc Phi tổ chức đình công không chuyển vũ khí xuống tàu sang Việt Nam. Các nước Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar và một số nước tư bản như Tây Đức, Austraylia, Austria... đã dấy lên mạnh mẽ phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa và rất anh dũng của nhân dân Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế như Công đoàn thế giới, Đại hội đồng hòa bình thế giới... đã ra nghị quyết cực lực lên án thực dân Pháp xâm lược và đòi chấm dứt ngay cuộc chiến tranh bẩn thỉu, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Nhiều cuộc biểu tình, mít tinh và hội nghị quốc tế của các lực lượng và tổ chức hòa bình, dân chủ đã thực sự là những cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ nhân dân Việt Nam. Các đại hội hòa bình thế giới đều có nghị quyết ủng hộ Việt Nam. Đại hội Công đoàn thế giới lần thứ ba vào tháng Mười 1953 ở Viena quyết định lấy ngày 19/12/1953 làm “Ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam anh dũng và đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam”5.
Về phần mình, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên lãnh đạo nhân dân Việt Nam tham gia cuộc đấu tranh chung của thế giới và các tổ chức dân chủ quốc tế, bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết của nhân dân Việt Nam đối với các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc (như ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Indonesia chống thực dân Hà Lan, cuộc chiến đấu của nhân dân Triều Tiên chống Mỹ, phong trào đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa Pháp, cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Goatemala…).
Thực tiễn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cho thấy, để đi tới thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì đường lối ngoại giao đúng đắn, sách lược ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt, tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận tiến bộ trên thế giới, tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đỗ Phương
[1] Lê Nguyên: “Phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1946)”, Tạp chí Cộng sản, số 10, 2004, tr. 22.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 3.
5 Liên hiệp Công đoàn thế giới lúc đó có gần 89 triệu đoàn viên ở 79 nước.