Từ bản lĩnh vững vàng của người thanh niên yêu nước Lý Tự Trọng
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng, sinh ngày 20-10-1914 tại Đông Bắc Thái Lan. Thân sinh là Lê Khoan tức Lê Hữu Đạt, quê gốc ở Thạch Minh, Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Năm 1925, ngay sau khi được thành lập, Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) đã quan tâm đến việc xây dựng tổ chức và lãnh đạo đoàn thể. Từ đây, tám thiếu niên Việt kiều ở Xiêm được lựa chọn, đưa sang Quảng Châu để bồi dưỡng thành hạt nhân của Hội, trong số đó có đồng chí Lý Tự Trọng (lúc đó mới 11 tuổi). Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, bấy giờ với tên Lý Thụy đã đưa anh vào nhóm “Thiếu niên Tiền phong Việt Nam” và đặt tên là Lý Tự Trọng. Vốn thông minh, nhanh nhạy, Lý Tự Trọng đã nhanh chóng tiếp thu tư tưởng cách mạng. Sau khoá đào tạo ở trường Tôn Trung Sơn, anh được cử về làm liên lạc cho Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 5-1929 Lý Tự Trọng về Sài Gòn làm công tác vận động thanh niên tiến tới thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Anh hùng Lý Tự Trọng - Nguồn Internet
Ngày 8/2/1931, Lý Tự Trọng bị giặc bắt. Thực dân Pháp dùng mọi hình thức: tra tấn dã man đến dụ dỗ (du học, địa vị, giàu sang… ), song bằng tinh thần thép, bản lĩnh chính trị vững vàng, người thanh niên 17 tuổi ấy quyết không bị lung lạc. Ngày 18-4-1931 chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương quyết định đưa anh ra xét xử. Tại phiên tòa, thái độ cùng những lời nói đanh thép của người thanh niên mới 17 tuổi khiến mọi người khiếp sợ. Khi vị luật sư bào chữa xin tòa mở lượng khoan hồng vì bị cáo còn trẻ dại nên hành động thiếu suy nghĩ, đồng chí Lý Tự Trọng đã dõng dạc nói: “Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tuy tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng còn đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin rằng nếu các ông suy nghĩ kỹ thì các ông cũng cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi đã làm”[1].
Hơn nửa năm bị giam tại Khám Lớn đợi ngày thi hành án, đồng chí Lý Tự Trọng vẫn giữ một bản lĩnh, khí phách kiên cường, bất khuất. Hàng ngày anh vẫn cất cao tiếng hát, nhất là bài Quốc tế ca “Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian…”. Giám thị hỏi cần những gì, anh trả lời không cần gì cả. Vì vậy, những người lính gác khám rất nể phục anh, kính trọng gọi anh là “Ông Nhỏ”. Rạng sáng ngày 21-11-1931, khi địch mở khóa buồng giam, anh vẫn bình thản! Từ các buồng giam khác vang lên tiếng hô đả đảo, tiếng đập phá, la hét… tạo thành một làn sóng phẫn nộ và cũng là lời chào vĩnh biệt anh. Sau này, nữ phóng viên người Pháp André Violio đã viết trên tờ Indochine SOS thể hiện lòng trân trọng và nể phục: “Ngày Huy (tức Lý Tự Trọng) bị đem đi xử tử, Sài Gòn hết sức xúc động, nhà cầm quyền phải ra lệnh thiết quân luật… Trước máy chém Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô vào ngăn anh nói. Chỉ nghe tiếng anh hô “Việt Nam! Việt Nam!”. Huy cũng như Phạm Hồng Thái, cũng như nhiều người khác, là những anh hùng của nền độc lập Việt Nam…”.
Người anh hùng Lý Tự Trọng (1914 - 1931) với câu nói nổi tiếng: "Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể là con đường nào khác". Nguồn Internet.
Đến tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của các thế hệ thanh niên Việt Nam trong khói lửa chiến tranh
Tinh thần bất khuất, bản lĩnh kiên cường của người đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam đầu tiên - Lý Tự Trọng không chỉ rực sáng trong mùa đông năm 1931, mà tiếp tục truyền lửa tới bao thế hệ thanh niên trong 30 năm kháng chiến bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đặt đất nước lên trên, hơn ai hết, người lính Việt Nam bằng sức trẻ và lòng yêu Tổ quốc, họ đã sẵn sàng xông pha, dũng cảm, kiên cường vì hòa bình, vì độc lập, vì chủ nghĩa xã hội.
Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hình ảnh của những thanh niên như: chị Võ Thị Sáu – người con gái trẻ măng can trường, gan dạ; các đồng chí: La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện…
“Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão,
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm…
Những bàn tay xẻ núi lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện”[2]
Bằng sức mạnh, bản lĩnh, trí tuệ của sức trẻ góp công, cách mạng Việt Nam đã đi đến được những thành công: chính quyền và nhân dân ta được bảo vệ, nền độc lập dân tộc giành được năm 1945 giữ vững, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa.
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều tấm gương thanh iên tiêu biểu được Chủ tịch Hồ Chí Minh xướng danh, như: “hình ảnh người thanh niên Tạ Thị Kiều tay không mà cướp được đồn giặc; Bùi Minh Kỳ, 20 tuổi, trong bốn trận đã tiêu diệt 46 tên giặc Mỹ; Trương Văn Hoà, 24 tuổi, trong 4 tháng đã tiêu diệt 78 tên xâm lược Mỹ và 76 tên nguỵ; Nguyễn Văn Điền, 22 tuổi, dù bị thương nặng, không chịu rời mâm pháo, tự tay nhét ruột vào bụng, vẫn tiếp tục chiến đấu, quyết tâm hạ máy bay Mỹ..vv.”[3]; những hình ảnh hy sinh đầy quả cảm như: Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân…
Bên cạnh những anh hùng tiêu biểu, còn có những anh hùng tập thể, như bộ đội Cồn Cỏ vẻ vang, Tổ Giao thông Trần Thị Lý gồm 16 đồng chí, những đoá hoá bất tử ở Ngã Ba đồng Lộc gồm 10 cô gái Thanh niên xung phong đi san lấp hố bom… Có thể nói, giữa cuộc chiến khốc liệt, tuổi trẻ Việt Nam với chất vàng mười của tình yêu đất nước, dù điện giật dùi đâm, dao cắt, lửa nung, vẫn sáng ngời tinh thần thép, sự lạc quan và niềm tin vô bờ vào ngày đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu)
Trái tim của những người lính trẻ nồng cháy, bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân luôn rạo rực một tình yêu đất nước vô bờ. Khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, khốc liệt chẳng hề gì. Bởi lẽ:
“Xe vẫn chảy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Họ là những con người biết đó sự gian khổ, chết chóc bủa vây, nhưng vẫn cứ ra đi. Các anh chẳng tiếc đời xanh của mình cho quê hương, cho đất mẹ một màu xanh. Cho hôm nay dạo quanh vòng Thành Cổ Quảng Trị, để thấy:
“Cỏ non Thành Cổ, một màu xanh non tơ
Bình minh Thành Cổ, cỏ mềm theo gió đong đưa”.
“Sự hy sinh xương máu và tuổi xuân của bao thế hệ thanh niên Viêt Nam cho đời xanh như cỏ, cho đất nước mãi là mùa xuân, cho thế hệ mai sau long lanh tươi tắn như ngọn cỏ mùa xuân. Xin hãy đừng quên!” (Cố nhạc sĩ Tân Huyền).
Trách nhiệm của thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay
Có một câu nói như thế này: chiến tranh không đáng sợ, chỉ sợ người trẻ quên mất đất nước, vô cảm trước những đau thương, mất mát của thế hệ đi trước; Có những người lính quên mình không sợ chết, họ chỉ sợ rằng con cháu đời sau quên rằng họ đã từng chết, quên rằng vì sao họ chết; Có những người lính già trải qua bom rơi, đạn nổ không rơi một giọt nước mắt, nhưng đứng trước mộ những người bạn đã từng chung chiến tuyến lại bất giác khóc như một đứa trẻ”. Có trải qua đau thương, mất mát bởi chiến tranh, mới thấu hết được sự quý giá của nền độc lập dân tộc. Thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay may mắn được sinh ra và lớn lên trong thời bình, được thoả sức với những đam mê, khát vọng của tuổi trẻ. Nhưng, bằng trách nhiệm với Tổ quốc, với quê hương, bằng sự rung cảm trước những hy sinh của bao thế hệ thanh niên đi trước, bằng sự mẫn cảm với thời cuộc để thấy những khó khăn, nguy cơ, thách thức đối với đất nước, trong đó có sự tụt hậu xa hơn về kinh tế, sự chệch hướng xã hội chủ nghĩa, sự mai một các giá trị văn hoá – nền tảng tinh thần, hồn cốt của dân tộc ta… Vì lẽ đó, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay hãy tiếp tục thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết, quyết tâm hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước, “phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[4].
Thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước. Nguồn Internet.
Trong bối cảnh tình hình mới, thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”(Thư gửi nhân dịp Hội nghị thanh niên Việt Nam ngày 17/8/1947). Để hiện thực hóa kỳ vọng lớn lao đó, cùng với định hướng phát triển đội ngũ thanh niên của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất từ các tổ chức, đoàn thể, thì điều căn cốt nhất là chính bản thân thanh niên phải tự cách mạng bản thân.
Trước hết, mỗi thanh niên cần có trách nhiệm với chính mình, bằng những công việc hàng ngày dẫu giản dị nhưng đầy khát vọng để không ngừng hoàn thiện bản thân; nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ, rèn dũa tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm để dựng xây đất nước giàu mạnh, khẳng định trí tuệ, tiếng nói, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chỉ cần bạn sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với cộng đồng cùng những nỗ lực và hoài bão: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay!”.
Bên cạnh đó, thanh niên phải không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để kiên định lập trường, giữ vững bản lĩnh cách mạng; đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, những hành động chống phá của thế lực thù địch; tránh tình trạng “nhạt Đảng”, “khô Đoàn”, “xa rời chính trị”.
Có thể nói, trong suốt 93 năm qua, lời tuyên bố đanh thép: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng” của người anh hùng Lý Tự Trọng vẫn luôn là lời hiệu triệu các thế hệ thanh niên Việt Nam vững vàng trên con đường cách mạng thời kỳ mới. Tin chắc rằng, tuổi trẻ Việt Nam hôm nay bằng “tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn”, luôn khao khát vươn tới những tầm cao mới của thời đại sẽ luôn sẵn sàng hành động vì đất nước./.
[1] Dương Trọng Phúc: Chân dung anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử, Nxb Tổng hợn Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2024.
[2] Trích: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tố Hữu.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15 (1966-1969), Nxb Chính trị Quốc gia, H,2011, tr.77.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập !, Nxb CTQGST, H.2021, tr.112.
Cao Hiệu