“Thẻ xanh vaccine” có thể hiểu là giấy chứng nhận cho những người đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine được đi lại, được tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh. "Thẻ xanh vaccine" sẽ thay thế các loại giấy tờ đi đường khác, sẽ giúp chuyển dịch từ “hạn chế người ra đường bằng các trạm kiểm soát” sang “xây dựng hành lang di chuyển an toàn” cho người đủ điều kiện.
Tuy nhiên để “thẻ xanh vaccine” phát huy tác dụng, cần giải quyết nhiều vướng mắc mà trước hết là việc cấp chứng nhận tiêm chủng dạng kỹ thuật số cho người dân qua một ứng dụng trên điện thoại di động cho thông suốt.
Hiện nay vẫn còn nhiều người tuy đã tiêm vaccine nhưng vẫn chưa được ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử ghi nhận điều đó; nhiều người khác cho biết thông tin tiêm ngừa của họ có nhiều sai sót, từ ngày tiêm đến địa điểm, kể cả loại vaccine được tiêm. Theo ghi nhận của người viết, những ai tiêm ngừa tại địa phương thường được cập nhật thông tin nhanh và chính xác còn tiêm ở bệnh viện thì chậm hơn nhiều. Vẫn còn một lượng rất lớn người tiêm chủng trước khi ứng dụng này ra đời nên chưa có dữ liệu là đương nhiên; ai sẽ cập nhật chúng cho họ vẫn là câu hỏi để ngỏ.
Dù sao vướng mắc chứng nhận tiêm vaccine trên ứng dụng sai sót hay chậm cập nhật cũng dễ giải quyết. Vướng mắc lớn hơn nhiều và có khả năng kéo dài là Sổ sức khỏe điện tử không kết nối được với máy chủ, cứ báo lỗi liên tục hay cứ yêu cầu người dùng cập nhật thông tin cá nhân.
Nhiều nước châu Âu đã triển khai thẻ xanh vaccine như một công cụ để mở cửa trở lại. Ảnh minh họa: Getty Images
Người viết bài đã thử bấm vào ô “Chứng nhận ngừa Covid”; cứ 10 lần sẽ có 5 hay 6 lần máy hiện lên vòng tròn bắt chờ rồi xuất hiện thông báo “Bạn vui lòng cập nhật chính xác thông tin họ và tên (có dấu), ngày tháng năm sinh và thử lại sau!”. Điều này cũng dễ hiểu, ở giai đoạn đầu chỉ có vài trăm ngàn người kết nối, ứng dụng sẽ chạy thông suốt nhưng nay con số người dùng lên vài triệu hay vài chục triệu người, máy chủ sẽ không đảm đương nổi khi có nhiều người truy cập cùng một lúc.
Như vậy cho dù giải quyết được vướng mắc chưa cập nhật thông tin cho người dân, vẫn chưa thể có một “thẻ xanh vaccine” luôn hiện diện trên máy của người dân. Không gì bực mình bằng người đã tiêm mũi 1 hơn một tháng rồi bỗng một hôm vào ứng dụng và được thông báo “chưa tiêm mũi nào”.
Sẽ có người nói, người dùng cứ truy cập sẵn ở nhà, sau khi máy hiển thị mã QR chứng nhận tiêm một hay hai mũi vaccine thì chụp lại màn hình này để dùng làm “thẻ xanh vaccine”. Thế nhưng khi đến những địa điểm cần kiểm tra, quét mã xong rồi thì nơi kiểm tra cũng cần có kết nối với máy chủ để hiển thị các thông tin đối chiếu. Nếu việc kết nối từ máy người dùng chập chờn như hiện nay thì dù có lưu sẵn hình ảnh mã QR để xuất trình, việc chập chờn sẽ chuyển sang máy của bộ phận kiểm tra “hộ chiếu”. Rõ ràng cần nhanh chóng nâng cấp máy chủ, nâng cấp băng thông đường truyền nếu muốn ứng dụng “thẻ xanh vaccine” một cách suôn sẻ.
Một lựa chọn khác là chờ và bắt tay với các “ông lớn công nghệ” như Google hay Apple đã công bố các kế hoạch tích hợp “hộ chiếu vaccine” ngay trong hệ điều hành điện thoại thông minh của họ. Cụ thể nhất là Samsung tuyên bố họ hợp tác với Common Project là nơi phát triển các ứng dụng “hộ chiếu vaccine” dùng trên điện thoại di động.
Ứng dụng CommonHealth sẽ hỏi người dùng một số thông tin như tên, ngày tháng năm sinh, ngày và địa điểm chích ngừa. Nhiệm vụ của Common Project là liên hệ với tất cả các cơ quan quản lý thông tin chủng ngừa ở các nước để có dữ liệu; đối chiếu thông tin người dùng cung cấp với cơ sở dữ liệu này, ứng dụng sẽ nhanh chóng tạo ra một mã QR cho người dùng sử dụng làm “hộ chiếu vaccine”.
Google đã cập nhật Passes API để tạo điều kiện cho các cơ quan y tế, các tổ chức chủng ngừa được quyền truy cập các API này để tạo một giấy chứng nhận tiêm chủng ngay trên các điện thoại Android. Apple cũng tuyên bố khi cho ra mắt phiên bản iOS 15 vào mùa thu này, ứng dụng có sẵn trên điện thoại là Health sẽ được bổ sung chức năng chứng nhận chủng ngừa Covid-19. Cách làm cũng là để các cơ quan y tế kết nối rồi tạo ra giấy chứng nhận mà người dùng có thể lưu vào máy.
Như thế, thay vì phải biên soạn một ứng dụng riêng lẻ rồi đầu tư lớn vào hệ thống máy chủ mạnh, có thể kết nối với Google và Apple tận dụng sức mạnh của các “ông lớn công nghệ” này để tạo ra giấy chứng nhận tiêm chủng một cách dễ dàng và dễ kiểm tra.
Dù tự làm hay hợp tác với các hãng công nghệ lớn, bài học ở đây là đừng quá kỳ vọng vào các loại công nghệ mới từng được ca tụng như công nghệ blockchain, đừng tranh nhau mỗi nơi làm một ứng dụng rồi không có ứng dụng nào hoàn hảo. Nên nhớ bản chất “thẻ xanh vaccine” chính là tờ giấy chứng nhận tiêm chủng in ra trên giấy mà người dân có thể đem theo – thẻ xanh vaccine trên điện thoại chỉ là một phiên bản số của giấy chứng nhận này nên nó phải đơn giản hơn, dễ sử dụng hơn và thuận tiện hơn thì mới có ý nghĩa.
Nguyễn Vũ (Theo The SaiGonTimes)