Quốc hội khoá XV vừa thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đây là quyết sách rất kịp thời của Quốc hội sau khi phát hiện nhiều vướng mắc, bất cập qua giám sát tối cao.
“Hoạt động giám sát vừa qua có nhiều đổi mới, giám sát ngay từ đầu và khi nhận thấy có bất cập cần tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội quyết định cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù. Với các cơ chế vừa thông qua, tôi tin việc giải ngân các nguồn vốn của 3 chương trình sẽ nhanh hơn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” – ông Bùi Văn Cường nói.
Trong quá trình thảo luận dự thảo nghị quyết, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết có cán bộ xã huyện xin không muốn được giao phân cấp, phân quyền trong quản lý và tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và ông cũng bày tỏ rằng “nếu giao căng quá thì anh em sẽ buông”, do đó việc nào phân cấp và phân cấp đến đâu được tính toán kỹ.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường, ông Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chia sẻ, thực tế có nơi muốn được phân cấp, song có nơi cũng ngại được giao.
“Câu chuyện muốn và không muốn phân cấp là một thực tế, nằm ở từng hoàn cảnh cụ thể, là vấn đề đặt ra trong thiết kế chính sách. Có cán bộ không muốn phân cấp vì tâm lý không làm thì không sợ sai, sợ vướng. Còn người muốn thực hiện cho tốt lại nói hãy phân cấp cho tôi” – ông Nguyễn Lâm Thành nói và cho rằng 8 nội dung được thông qua sẽ giải quyết được cơ bản vấn đề ở địa phương.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là rất mới. Nội dung phân cấp cũng rất triệt để khi thẩm quyền lẽ ra ở tỉnh thì chuyển thẳng xuống huyện.
Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá hai huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho huyện được lựa chọn thí điểm.
Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
“Đây là cơ chế rất thoáng, các địa phương rất muốn được quyền chủ động để làm, rút ngắn nhiều khâu quy trình thủ tục, thời gian. Quy định này có thể thực hiện được vì phân cấp rõ ràng, liên quan thẩm quyền. Cái cán bộ địa phương sợ là làm mà không rõ pháp lý, trách nhiệm nên có tâm lý bị quy vào sai phạm. Việc quy định rõ ràng thẩm quyền giúp tháo gỡ được” – ông Nguyễn Lâm Thành phân tích.
Hơn nữa, do mỗi tỉnh chỉ lựa chọn 2 huyện thí điểm nên tỉnh hoàn toàn có khả năng hỗ trợ, phối hợp để cấp huyện làm tốt, sau đó tổng kết đánh giá để chuẩn bị cho giai đoạn sau.
“Chúng tôi hy vọng các cơ chế, chính sách này góp phần đẩy nhanh chương trình mục tiêu quốc gia”, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc.
Ngọc Thành/VOV.VN