Thầy, trò cùng đổi mới
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019-2020, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” (phát động từ năm 2016) đã có tác động tích cực để thầy, trò cùng đổi mới, vượt qua những khó khăn, thách thức, dạy tốt, học tốt, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ngành Giáo dục Hà Nội là một trong những địa phương tiêu biểu, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà cho biết, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” đã khơi dậy tinh thần đổi mới của đội ngũ nhà giáo, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Trong 5 năm qua, Hà Nội duy trì vững chắc vị trí dẫn đầu cả nước về quy mô, chất lượng giáo dục, về số lượng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Dẫn chứng cho kết quả này, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh cho biết, năm học 2019-2020 là năm thứ ba liên tiếp quận xếp thứ hai trong số 30 quận, huyện, thị xã về kết quả kỳ thi vào lớp 10. Bên cạnh sự nỗ lực của học sinh, có được kết quả này còn là nhờ sự tích cực đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo trong việc vận hành các hình thức dạy học từ xa khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Còn chị Nguyễn Thanh Loan, phụ huynh Trường Mầm non Phù Đổng (huyện Gia Lâm) chia sẻ: "Tôi có hai con theo học tại trường, nên có cơ hội chứng kiến sự thay đổi ở đây về phương pháp dạy của các cô giáo. Các con được chăm chút toàn diện hơn, nhất là về thể chất, kỹ năng".
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, bên cạnh vấn đề sĩ số học sinh trong một lớp ở mức cao tại khu vực nội thành, vẫn còn một bộ phận giáo viên hạn chế về kỹ năng nên việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh chưa được như mong muốn...
Tạo chuyển biến toàn diện
Với quyết tâm tạo chuyển biến toàn diện trong các nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xác định đổi mới, sáng tạo là nội dung căn bản của phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025; đồng thời xác định đội ngũ nhà giáo là then chốt và mở rộng diện tác động hơn. Nội dung thi đua được xác định rõ hơn: “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” cho thấy phong trào thi đua được nâng tầm và bao quát, tác động toàn diện hơn đến các mặt hoạt động của nhà trường.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa) Nguyễn Cao Cường, việc đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý cần được chú trọng. “Chúng tôi tập trung đổi mới công tác điều hành theo hướng tạo động lực, môi trường làm việc văn minh, hạnh phúc để giáo viên, học sinh tích cực đổi mới, sáng tạo. Mỗi cán bộ quản lý đang nỗ lực, gương mẫu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của thành phố thông minh”, ông Nguyễn Cao Cường cho hay.
Với quyết tâm giải quyết tình trạng sĩ số học sinh trong một lớp đông, để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giáo viên, học sinh chung sức đổi mới, sáng tạo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết, ngành Giáo dục quận đang tích cực triển khai kế hoạch cải tạo, sửa chữa, xây mới, sáp nhập các trường bảo đảm theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2020-2025. Mỗi dự án đều quy định rõ về tiến độ, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể.
Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Thúy Vân, Trường Trung học cơ sở Văn Khê (quận Hà Đông), tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, các giáo viên đang tập trung đổi mới phương pháp dạy học, tinh giản kiến thức trùng lặp; tăng cường sáng tạo, đồng thời lồng ghép các tình huống thực tế vào các chủ đề liên môn để giảm áp lực, tăng kỹ năng ứng dụng kiến thức cho học sinh.
Trong khi đó, em Trần Mạnh Tuấn, học sinh Trường Trung học phổ thông Tiến Thịnh (huyện Mê Linh) chia sẻ: “Em đang được các thầy cô rèn thói quen, kỹ năng tự học và chọn lọc kiến thức trên mạng internet để có thể tiếp cận kiến thức ngoài sách vở vận dụng khi cần thiết”.
Về vấn đề này, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội Trần Thị Thu Hà cho biết, ngành Giáo dục Hà Nội luôn coi trọng chất lượng đội ngũ nhà giáo, ưu tiên bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, trong đó nhấn mạnh vai trò tiên phong và làm gương cho học trò. Đặc biệt, các thầy, cô giáo phải nỗ lực để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số, khơi nguồn cảm hứng đổi mới, sáng tạo cho đồng nghiệp và học trò.
"Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, triển khai Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”..., nhằm tạo môi trường, động lực cho nhà giáo phát huy tối đa khả năng đổi mới, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh “trồng người”", bà Trần Thị Thu Hà cho biết thêm.
Theo Hanoimoi.com.vn