Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2020
Trước băn khoăn, lo lắng của phụ huynhh và học sinh, ngày 6/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng ( Bộ GDĐT) cho biết: Đến gần mốc ngày 7/7, nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 làm 2 đợt. Trong đó, đợt 2 cho những đối tượng thí sinh thuộc diện F0, F1,F2 và trong vùng cách ly, chưa thể dự thi đợt 1.
Thi đợt 2 sẽ được tính toán kỹ lưỡng
Theo đánh giá của Cục Quản lý chất lượng, thời gian vừa qua Bộ GDĐT và các địa phương đã tích cực chuẩn bị để bảo đảm đúng tiến độ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (diễn ra trong hai ngày 7- 8/7).
Tuy nhiên thời gian gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nếu đến gần mốc thời gian này mà vẫn có những nơi phải thực hiện phong tỏa hay cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19 thì đợt thi ngày 7-8/7 chỉ tổ chức cho những nơi an toàn và cho những thí sinh không thuộc diện F0, F1,F2. Như vậy, Bộ GDĐT sẽ cùng các địa phương tổ chức thêm đợt thi thứ 2 cho những đối tượng thí sinh chưa thể thi được ở đợt thi thứ nhất.
Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng chia sẻ, thời gian thi tốt nghiệp THPT đợt 2 như thế nào, Bộ GDĐT sẽ cùng với các địa phương tính toán một cách kỹ lưỡng để đảm bảo việc phòng chống dịch Covid-19 đồng thời giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ và công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021-2022. Công việc này không mới và nằm trong kịch bản tính toán sẵn của Bộ GDĐT.
Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 kế thừa kinh nghiệm của năm 2020, được lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng tin rằng sẽ được xử lý tốt, đảm bảo công bằng và quyền lợi cho các thí sinh.
Đảm bảo quyền lợi cho thí sinh
Để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, Bộ GDĐT lưu ý các địa phương tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình dịch Covid-19, chủ động sàng lọc các thí sinh dự thi để phân nhóm F0, F1, F2, sẵn sàng có giải pháp xử lý chủ động.
Các địa phương cần đặc biệt lưu ý giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là giải pháp 5K mà ngành y tế khuyến cáo. Các điểm thi phải có phòng thi dự phòng để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khác nhau.
Đối với công tác tuyển sinh ĐH-CĐ, để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh dự thi các đợt khác nhau, Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH điều chỉnh phương thức, thời gian, chỉ tiêu tuyển sinh để thí sinh thi đợt 2 vẫn được dự tuyển theo nguyện vọng đã đăng ký. Đặc biệt, Bộ GDĐT cũng sẽ xây dựng đề cho các đợt thi khác nhau, có sự tương đồng về độ khó để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. “Thí sinh có thể yên tâm vì Bộ GDĐT cùng với các địa phương sẽ có những giải pháp để bảo đảm quyền lợi cao nhất cho các em”- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nói.
Sẽ thanh tra đột xuất các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT
Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, để bảo đảm tính nghiêm túc, công bằng và an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ sẽ thanh tra đột xuất tất cả khâu của kỳ thi.
Trong kế hoạch dự kiến, sẽ có hơn 8.000 cán bộ, giảng viên của 200 cơ sở giáo dục ĐH được huy động tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Để bảo đảm an toàn trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tập huấn nghiệp vụ thanh tra năm nay của Bộ GDĐT cũng được đổi mới. Cụ thể, Bộ dự kiến tổ chức tập huấn theo hình thức trực tuyến cho tất cả lực lượng tham gia làm công tác thanh tra, kiểm tra của các sở giáo dục và đào tạo; các cơ sở giáo dục ĐH và cán bộ, công chức của Bộ. Các năm trước, công tác tập huấn được thực hiện theo hình thức trực tiếp với số lượng nhất định.
Phối hợp bảo đảm an ninh cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
Bộ GDĐT đã có văn bản số 1841/BGDĐT-QLCL gửi Bộ Công an về việc phối hợp chỉ đạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH- GDNN năm 2021.
Theo đó, Bộ GDĐT đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các tỉnh phối hợp với Bộ GDĐT, UBND các tỉnh, các Sở GDĐT, các cơ sở giáo dục ĐH, GDNN triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho công tác tổ chức thi ở tất cả các khâu như: Công tác ra đề thi, công tác in sao đề thi, công tác vận chuyển đề thi,công tác coi thi và chấm thi…
Đối với công tác bảo đảm an toàn giao thông, Bộ GDĐT đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và đề nghị của các Hội đồng thi, bố trí đủ lực lượng để giữ gìn trật tự an toàn giao thông, kịp thời giải tỏa các ùn tắc giao thông tại các thành phố, thị xã, các địa phương có tổ chức thi.