Tại Đại hội XII, Đảng ta đã khẳng định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam “có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Việc Đảng ta xác nhận “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng” trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ để mở ra những cơ hội, trách nhiệm, nghĩa vụ mới để thành phần kinh tế tư nhân buộc phải phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, mà đây còn do vai trò tất yếu khách quan to lớn của khu vực kinh tế này. Bởi vì:
Một là, sự tồn tại của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là do địa vị kinh tế của nó quyết định. Ngay từ năm 1847, khi viết “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản”, Ph.Ăng-ghen đã đặt câu hỏi và trả lời: “Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không? Câu trả lời là không, không thể được, cũng như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu. Cho nên, cuộc cách mạng của giai cấp vô sản đang có tất cả những triệu chứng là sắp nổ ra, sẽ chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần, và chỉ khi nào đã tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”.
Như vậy, theo Ph.Ăngghen, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, không thể nôn nóng lập tức xóa bỏ ngay chế độ tư hữu, mà cần phải điều chỉnh quan hệ sản xuất một cách dần dần, trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất.
Hơn nữa, sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người cũng đã cho thấy, kinh tế tư nhân là hình thức kinh tế tự nhiên của con người trong lịch sử, nó tồn tại và phát triển như một phương tiện hữu hiệu để kiến tạo cuộc sống của con người. Cùng với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển của kinh tế tư nhân góp phần giải phóng lực lượng sản xuất.
Thực tiễn Việt Nam cũng đã chứng minh, nếu chỉ coi kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là nền tảng mà không đặt kinh tế tư nhân vào đúng vị trí của nó, thì chúng ta đã để quan hệ sản xuất vượt quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Vì vậy, không thể “ép” kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể phải có tiềm lực lớn hơn kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong khi chúng chưa đủ khả năng làm điều đó một cách hiệu quả.
Hai là, xu thế phát triển kinh tế tư nhân của nhân loại. Ngày nay chúng ta đang chứng kiến một thời đại các rào cản đầu tư, thương mại hàng hóa và dịch vụ dần bị dỡ bỏ, nền kinh tế thị trường mở đang tạo điều kiện dễ dàng cho kinh tế tư nhân lớn mạnh không ngừng.
Trong quá trình phát triển, kinh tế tư nhân đã tồn tại dưới nhiều dạng như kinh tế cá thể, công ty và hiện nay là những công ty đa quốc gia. Khi kinh tế tư nhân chưa đủ mạnh, nó thường chỉ là một lực lượng và đại diện cho quyền lợi của một quốc gia. Nhưng khi đủ lớn mạnh, trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư và toàn cầu hóa hiện nay, nó trở thành các công ty đa quốc gia - chính là biểu hiện của kinh tế tư nhân được quốc tế hóa, nó trở thành lực lượng hùng mạnh nhất.
Điều này cũng cho thấy, kinh tế tư nhân đã có sự phát triển vượt bậc với những thay đổi về chất. Vì vậy, việc Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đúng xu hướng phát triển của kinh tế tư nhân.
Ba là, sự phát triển của kinh tế tư nhân trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua đã đóng góp không nhỏ vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội của đất nước. Nhìn lại gần 35 năm đổi mới kinh tế, diện mạo của khu vực kinh tế tư nhân đã có sự thay đổi rõ nét. Từ chỗ chỉ tồn tại “thoi thóp” trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, luôn luôn lo ngại về nguy cơ bị “cải tạo”, bị phân biệt đối xử không chỉ trong ý thức xã hội mà còn cả trong cơ chế, chính sách nhà nước, kinh tế tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới.
Những đóng góp tích cực của kinh tế tư nhân đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; huy động các nguồn vốn trong nhân dân, trong xã hội vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước; tạo môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam…
Sản phẩm của kinh tế tư nhân đã vươn tới các thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao về chất lượng, mẫu mã, an toàn trong tiêu dùng, cạnh tranh và trụ vững được ở những thị trường đó trong nhiều năm qua. Sự phổ biến các thương hiệu sản phẩm của kinh tế tư nhân đã thể hiện rõ vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt xây dựng khung pháp lý về vấn đề sở hữu tư nhân một cách minh bạch. Coi sự tồn tại của kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo sự đồng thuận cơ bản trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với phát triển kinh tế. Tránh tình trạng “lúc thắt, lúc mở” gây nên khó khăn, cản trở việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Hà Lê