Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung và huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang nói riêng, thổ cẩm là một nét văn hóa đặc trưng có từ lâu đời. Qua đôi bàn tay khéo léo, cần cù, sáng tạo của những người phụ nữ, mỗi trang thổ cẩm như được gom đúc từ tinh hoa đất trời, tạo nên những sản phẩm mang hồn cốt đặc trưng của văn hóa dân tộc.
Một số sản phẩm thổ cẩm Lâm Bình. Ảnh do tác giả cung cấp.
Lâm Bình là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, có dân số 51,421 nghìn người với 12 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Các dân tộc trên địa bàn huyện Lâm Bình có tiếng nói, trang phục, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán vô cùng đa dạng và độc đáo, về cơ bản vẫn còn giữ nguyên những nét văn hóa truyền thống, từ tiếng nói, chữ viết đến trang phục, tín ngưỡng dân gian, các làn điệu dân ca, trò chơi, ẩm thực, kiến trúc nhà ở, các lễ hội truyền thống…
Cùng với quá trình phát triển không ngừng của nền kinh tế xã hội, nhiều sản phẩm công nghiệp hiện đại đã được ra đời. Song các chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Lâm Bình vẫn ngày đêm cần mẫn bên khung cửi, tạo nên những tấm thổ cẩm truyền thống, mang đậm âm hưởng núi rừng và màu sắc quê hương. Trong tín ngưỡng, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, sản phẩm thổ cẩm truyền thống được dệt thủ công không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống, trong các nghi lễ dân gian, mà còn mang hồn cốt văn hóa dân tộc sâu sắc.
Thổ cẩm là loại vải được dệt thủ công từ các sợi vải có nguồn gốc tự nhiên như cây lanh, cây bông, cây gai... Các hoa văn trên bề mặt vải thổ cẩm được dệt thêu rất công phu, tỉ mỉ và đẹp mắt với các gam màu rực rỡ như đỏ, vàng, xanh, cam, đen... Vải thổ cẩm có thể được thêu bằng tay hoặc được thực hiện trên khung cửi. Thổ cẩm có mặt trong đời sống của nhiều dân tộc thiểu số như Tày, Thái, Dao, Mông,… Tuy đều là thổ cẩm, nhưng với mỗi vùng miền, dân tộc khác nhau, thổ cẩm sẽ có những màu sắc và các mẫu hoa văn khác nhau, tượng trưng và mang ý nghĩa riêng cho từng bản sắc dân tộc. Vải thổ cẩm là sản phẩm lâu đời được người dân sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, chủ yếu để may trang phục, ngoài ra loại vải này còn được nhiều người ưa chuộng để sử dụng trong việc trang trí, làm đồ lưu niệm, may gối, chăn, đệm, làm quà tặng trong đám cưới, đám hỏi hoặc sử dụng làm lễ vật cúng thần… mang lại giá trị văn hóa và giá trị kinh tế cao.
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, Nghị quyết số 33-NQ/TW và Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng bộ và chính quyền huyện Lâm Bình đã thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân tập trung xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Huyện Lâm Bình đã và đang đẩy mạnh thực hiện việc khôi phục, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thông qua việc tổ chức những lễ hội truyền thống; bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, gìn giữ, phát triển vốn văn hoá truyền thống mang tính bản địa trong tiếng nói, chữ viết, trang phục, tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghề truyền thống… Đối với dệt thổ cẩm, huyện Lâm Bình chủ trương khuyến khích nhân dân thành lập các hợp tác xã, nhóm làng nghề làm thổ cẩm truyền thống gắn với các mô hình du lịch cộng đồng homestay; tăng cường mở các lớp dạy nghề, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ người dân quảng bá, giới thiệu, phân phối sản phẩm, đưa thổ cẩm truyền thống đến gần hơn với đại chúng và thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Xuất phát từ tầm quan trọng của việc giữ gìn nền tảng văn hoá truyền thống, với những bước đi cụ thể như trên, chúng ta có thể tin tưởng rằng nền văn hóa thổ cẩm đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số huyện Lâm Bình sẽ ngày càng được phát huy, gắn với phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Nếu nhận thức được đầy đủ, rõ ràng giá trị và cơ hội phát triển từ các sản phẩm văn hóa truyền thống nói chung và thổ cẩm nói riêng, chúng ta sẽ có thể vừa bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc trong văn hóa truyền thống, vừa đáp ứng được những nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại.
Cầm những tấm thổ cẩm đẹp mắt trên tay, chúng ta không chỉ thấy được sự khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân, mà còn thêm trân quý những nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc, trân quý những giá trị vượt thời gian mà cha ông ta đã để lại cho các thế hệ con cháu ngày sau.
Thùy Trang