Giáp Thìn 1964 đến Giáp Thìn 2024 cách nhau 60 năm nhưng “hơi thở” mùa xuân trong thơ Bác vẫn như đang hiện diện trong tâm thức của mỗi người con đất Việt. Dẫu cho 60 mùa xuân đã trôi qua, trên sóng radio, đồng bào cả nước không còn được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết trong thời khắc giao thừa thiêng liêng, nhưng cứ mỗi dịp xuân đến, quyện trong chồi non xuân biếc, sắc thắm hoa xuân, hòa cùng nhịp đập trái tim hân hoan của hàng triệu người con đất Việt, những bài thơ chúc Tết của Bác như còn mãi ngân vang. Từng từ, từng ý thơ của Người như đã tạc vào núi sông và bừng sáng tựa như ngọn lửa thiêng, soi tỏ con đường cách mạng cho dân tộc vững bước trên con đường phồn vinh, hạnh phúc.
Bác Hồ làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: Internet
22 bài Thơ Chúc Tết của Bác chính là một biên niên sử của Cách mạng Việt Nam, mọi người có thể tìm thấy ở đó những bài học chiến lược, những lời tiên đoán của Người. Còn với Bác, thì Người đã nói một cách thành thực và khiêm tốn: “Mấy lời thân ái nôm na. Vừa là kêu gọi, vừa là Mừng Xuân”.
Thư chúc Tết năm Giáp Thìn 1964 của Bác Hồ nhắn gởi cùng với đồng bào, đồng chí rằng:
“Bắc Nam như cội với cành
Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng
Rồi đây thống nhất thành công
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà
Mấy lời thân ái nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân”.
(Xuân Giáp Thìn 1964 - Hồ Chí Minh[1])
Trở lại với Xuân Giáp Thìn 1964 - thời điểm năm thứ tư của thời kỳ miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Cách mạng nước ta có nhiệm vụ vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa phải chống Mỹ cứu nước ở Miền Nam. Vì thế, thơ Chúc Tết - mừng xuân của Bác là hồi kèn xung trận, là khẩu hiệu hành động, là lời kêu gọi, lời hịch của cha ông và của Đảng ẩn trong tiếng nói, tiếng thơ của một lãnh tụ vĩ đại. Miền Bắc bước vào mùa xuân tươi đẹp, mùa xuân của chủ nghĩa xã hội, đường lên hạnh phúc rộng mở, miền Nam giữ vững thành đồng đấu tranh tiến tới với sức mạnh triệu triệu người. Con đường giải phóng dân tộc, độc lập, thống nhất có nhiều lúc gập gềnh gian nan, Bác không những động viên mọi người vượt qua khó khăn mà còn ân cần dặn dò “Bắc Nam như cội với cành/Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng.”
Chúng ta đều đã biết tình cảm đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và luôn dành cho đồng bào miền Nam: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đầy hy sinh gian khổ, Bác luôn theo sát từng bước đi của cách mạng miền Nam. Đặc biệt, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đất nước ta tạm thời chia cắt làm hai miền. Miền Bắc được giải phóng, từng bước khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, tiến lên chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng giải phóng để thống nhất đất nước. Bác luôn trăn trở: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”[2]. Tại Hội nghị Việt - Pháp ở Fontainebleau, Bác tuyên bố: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”[3].
Bài thơ như một thông điệp chứa đựng nhiều hàm ý sâu sắc:
Một là, kiên định niềm tin chiến thắng để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Niềm tin đó như một lời khẳng định “Rồi đây thống nhất thành công”. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa đã có lý khi nhấn mạnh rằng Hồ Chí Minh không những là một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, nhà văn hóa lớn mà Người còn là một nhà tiên tri thiên tài. Thiên tài đó được xây dựng từ gốc rễ của văn hóa dân tộc, thấu hiểu bản chất con người đất Việt gắn với minh triết “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tiên tri dựa vào việc xây dựng niềm tin trong toàn thể nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” chính là một biểu trưng đặc sắc trong văn hóa Hồ Chí Minh. Một nhà văn nước ngoài đã viết: “Cụ Hồ Chí Minh đã trở thành bất diệt trong ý thức của hàng triệu người. Lần đầu tiên trên thế giới, người ta được thấy một vị chủ tịch của một Đảng cộng sản đã kết hợp chặt chẽ văn chương với chính trị, thơ ca và những con số”.
Hai là, biểu đạt một cách rõ nét nhất quan điểm “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng lão luyện, là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, danh nhân văn hóa thế giới. Bác làm thơ là vận động cách mạng, đưa đường lối của Đảng thấm sâu vào quần chúng bằng hình thức rất độc đáo - Thơ Người và nhịp trái tim của nhân dân đã hòa điệu làm một. Giao thừa là thời điểm quan trọng, trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật đâm chồi nảy lộc, sức sống lan tỏa. Bác chọn thời điểm linh thiêng đó để cùng nhân dân tổng kết những công việc, những thắng lợi của năm cũ và chờ đón định hướng mới, nhiệm vụ mới bằng những vần thơ. Đúng như một nhà báo Mỹ đã cảm nhận: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt kháng chiến bằng những vần thơ…”. Thơ chúc Tết - mừng xuân của Bác đi vào lòng người vì Bác nói một cách dễ hiểu, sâu sắc, hàm súc về những vấn đề trung tâm của cách mạng, đáp ứng sự chờ đón, khát khao của quần chúng, giải đáp những câu hỏi của thời đại. Những bài thơ chúc Tết của Bác đều xuất phát từ yêu cầu, từ nhiệm vụ của cách mạng. Chất liệu của thơ Bác là chất liệu của hiện thực được ánh sáng lý tưởng soi rọi nên vừa chân thật, vừa dậm chất nghệ thuật. Tất cả đều hài hòa trong cái nhìn toàn diện, thấu đáo. Những bài thơ ấy đã đi vào nhân dân, làm sáng tỏ hơn nhận thức về đường lối cách mạng, mục tiêu cách mạng và ý thức được nhiệm vụ một cách rõ ràng với quyết tâm cao hơn.
Ba là, phong thái giản dị thấm sâu vào quần chúng nhân dân. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác đã viết: “Từ ngày đất nước ta có Cụ Hồ làm chủ tịch, dân tộc Việt Nam có thêm một phong tục mới mỗi lần Xuân đến. Đó là Giao thừa đón nghe lời Bác đọc Thơ Xuân”. Dân tộc ta có truyền thống khai bút làm thơ, làm câu đối vào ngày xuân để chúc tụng nhau, để ca ngợi cuộc sống, ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp. Từ khi Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng, ta có thơ chúc Tết - mừng xuân của Bác. Đầu năm Bác đọc thơ chúc Tết, “Mấy lời thân ái nôm na” khởi sắc lên hương, thấm vào lòng, in vào trí nhân dân ta, trở thành một niềm vui đầu xuân đối với mọi lứa tuổi, chan hòa với niềm tin chung của dân tộc trong ngày Tết. Đọc thơ Bác và qua những biểu hiện thực tế trong cuộc sống hằng ngày của Bác, ta thấy Bác yêu thương con người, quan tâm chăm sóc, động viên mọi người vươn lên cùng đồng tâm hiệp lực trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do. Chúng ta từng biết, trong thời khắc giao thừa linh thiêng vào ngày mùng Một đầu năm mới, Bác thường đến thăm những gia đình lao động Thủ đô nghèo khó ở một số ngõ phố, hoặc về ăn Tết với đồng bào Hà Bắc. Có năm Người lại đến tận mâm pháo chúc mừng bộ đội, hoặc đi trồng cây với cán bộ và nhân dân trên đồi Vật Lại (Hà Tây cũ)… Tình yêu thương quốc dân, đồng bào của Bác thật vô cùng sâu sắc, mênh mông.
Đất nước đã bước vào mùa Xuân năm thứ 79 của nước Việt Nam giữa thời đại mới. Mùa xuân mang tên con Rồng huyền thoại gợi cho ta nghĩ đến biểu tượng Rồng bay lên. Rồng đã bay lên từ thời nhà Lý định đô giữa đồng bằng Bắc Bộ và Đại Việt mở ra một hành trình thịnh trị tới 216 năm, rồi kéo dài thêm 175 năm nữa dưới các triều vua thời nhà Trần…Và nhân dân cả nước hôm nay đang cùng nhau vui đón mùa Xuân Giáp Thìn 2024 với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong ngày vui sum họp của mọi nhà, mọi miền đó, trong lòng chúng ta lại càng nhớ đến Bác kính yêu: “Bác ơi! Tết đến. Giao thừa đó/Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần/Ríu rít đàn em vui pháo nổ/Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân...”[4]. Trong bài “Việt Nam mãi mãi có Người”, một nhà báo nước ngoài đã viết: “Tình yêu của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu xa vô tận, và chúng ta có thể cảm thấy điều đó ở từng người Việt Nam”. Mối liên hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất nước và đồng bào của mình là một mối liên hệ đặc biệt. Đó chính là niềm tin tưởng sắt đá, lòng biết ơn vô hạn, là sự kính trọng... nhưng trên tất cả - đó là tình yêu, là niềm tin trọn vẹn của nhân dân Việt Nam với Bác! Và đó cũng chính là nền tảng để dân tộc Việt Nam tiếp tục “bay lên” trong thời đại mới.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG – ST, 1996, Hà Nội, tập 11, tr.187.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4, tr. 419
[3] Sách “Giữ yên giấc ngủ của Người”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.18
[4] Tố Hữu: Theo chân Bác
Phương Nam