Bàn tay vàng
Rơ Lan H'Anh (SN 1995, dân tộc Jrai) là một trong những "bàn tay vàng" của nông trường Suối Mơ, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, Gia Lai. Chị H'Anh lớn lên bên những vườn cao su cao vút, xanh bạt ngàn của vùng đất Chư Prông và thường theo mẹ đi cạo mủ. Tuổi 18, chị nối nghiệp mẹ.
Ngày mới vào nghề, H'Anh nỗ lực học hỏi từ các đồng nghiệp lâu năm, lành nghề để điều chỉnh, hoàn thiện từng đường cạo, kỹ thuật chăm sóc vườn cao su được giao phụ trách. Chị kể, thời gian đầu khai thác mủ cao su, tay nghề còn yếu đã gặp không ít khó khăn, nhưng luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng vượt qua, quyết tâm theo đuổi công việc đến cùng.
Chị Rơ Lan H'Anh (SN 1995, dân tộc Jrai), là một trong những "bàn tay vàng" của nông trường Suối Mơ, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông |
"Tôi đã tự động viên bản thân từ lời dạy của Bác với thanh niên: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên. Tôi đã tìm đến những công nhân lớn tuổi học hỏi kinh nghiệm, nhờ chỉ bảo và vào vườn của họ xem mặt cạo, chỗ nào không hiểu lại hỏi tiếp. Những lúc rảnh rỗi ở nhà, tôi dùng thân cây chuối để tập luyện. Sự kiên trì đã giúp tôi thuần thục các thao tác, tạo ra đường cạo sắc ngọt, vuông tiền vuông hậu, đúng độ sâu, không phạm vào dăm gỗ, không lượn sóng hay lệch miệng", chị chia sẻ.
"Tôi rất vui và vinh dự khi được tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Điều này giúp tôi hiểu biết thêm nhiều điều tốt đẹp của Bác Hồ, biết thêm nhiều câu chuyện về gương sáng vượt khó, sáng tạo để bản thân có thêm động lực phấn đấu, cũng như lan tỏa tới buôn làng, đồng nghiệp".
Chị Rơ Lan H'Anh, công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông
H'Anh cũng không ngừng tìm tòi và mạnh dạn đưa ra các sáng kiến nâng cao năng suất, sản lượng cho vườn cao su khai thác, như: sáng kiến đổi mới phương pháp bôi thuốc kích thích đối với những vườn cây có mặt cao trên cao; sáng kiến cạo tận thu trên những cây cao su bị khô miệng, cây gãy đổ giúp gia tăng sản lượng; giải pháp tận thu mái che mưa cũ, nối máng che mưa.
"Ý tưởng tận thu mái che và nối máng bắt nguồn từ thực tế công việc khai thác mủ, khi trời mưa ẩm là cây không cạo được làm ảnh hưởng tiến độ, năng suất lao động. Giải pháp này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho công ty, còn giúp mọi người làm việc thuận lợi hơn", chị nói.
Nữ công nhân người Jrai đã đăng ký tham gia các cuộc thi thợ cạo mủ giỏi các cấp và giành được nhiều giải thưởng. Chị đã đoạt giải Bàn tay vàng cấp ngành; Tài năng trẻ và công nhân dân tộc thiểu số có điểm tuyệt đối (100/100) tại Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XII năm 2020 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Với những sáng kiến trong lao động và dẫn đầu về sản lượng mủ vượt khoán, vườn cây đạt chất lượng cao... chị H'Anh vinh dự được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2022.
Kỹ sư trẻ Lăng Văn Thượng đóng góp nhiều ý tưởng, giải pháp cho Công ty CP Mía đường Cao Bằng |
Sáng tạo làm lợi cho tập thể, nông dân
Anh Lăng Văn Thượng (SN 1990, dân tộc Nùng) là cây sáng kiến đóng góp nhiều ý tưởng, giải pháp cho Công ty CP Mía đường Cao Bằng. Anh sinh ra ở huyện biên giới Quảng Hòa (Cao Bằng), những năm học phổ thông nội trú đã yêu thích, tìm hiểu về động cơ, máy móc và nỗ lực thi đỗ ngành Cơ khí chế tạo máy móc, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên. Tốt nghiệp đại học, anh ứng tuyển vào phòng kỹ thuật của công ty và gắn bó đến giờ.
Gần chục năm làm công việc kiểm tra, bảo trì máy móc và xử lý sự cố giúp dây chuyền sản xuất vận hành ổn định, nhưng với chàng kỹ sư người Nùng không hề nhàm chán, cũ mòn. Anh Thượng đã phát huy tinh thần tự học, sáng tạo và "đâu khó có thanh niên" như lời Bác dạy, để nâng cao kỹ năng, chuyên môn kỹ thuật. Anh đã đóng góp không ít sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất.
Các sáng kiến phải kể đến: khôi phục tận dụng các loại van hơi hỏng; cải tạo tháp xông SO2; chế tạo quạt hút khí dư SO2; hệ thống làm mát đường thành phẩm; cải tạo tháp xông, nâng cao cường độ xông SO2... đã đem lại lợi nhuận hàng chục tỷ đồng cho công ty.
Nhiều sáng kiến của anh Thượng còn góp phần làm lợi cho bà con nông dân. Tiêu biểu là giá đỡ chặt mía kiểu xếp - gấp với kết cấu đơn giản, dễ thao tác, thuận tiện vận chuyển và bảo quản, đã giảm chi phí nhân công và thời gian thu hoạch. Giá đỡ giúp mía được thu hoạch nhanh, vận chuyển về nhà máy sớm giúp tăng độ tươi của nguyên liệu, hạn chế độ chuyển hóa, thất thoát đường do thời gian lưu bãi lâu.
"Các ý tưởng, sáng kiến của tôi đều hình thành trong thực tế công việc, với mong muốn giải các đề bài tối ưu hóa quá trình vận hành, thao tác máy của công nhân viên; giảm tiêu hao nguyên vật liệu, giảm thiểu tiêu tốn năng lượng. Có những giải pháp như cải tạo tháp xông, nâng cao cường độ xông SO2, kéo dài cả năm, nhiều đêm thức trắng, nhưng mang lại hiệu quả lớn, đã tiếp động lực cho tôi tiếp tục tìm tòi, đổi mới", anh Thượng chia sẻ.
Đến nay, anh Thượng nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng như: "Người thợ trẻ giỏi toàn quốc" năm 2020; giải thưởng "Nguyễn Đức Cảnh" năm 2023... Đồng thời, anh được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, T.Ư Đoàn, UBND tỉnh Cao Bằng.
Nguồn Tiền phong