Phát biểu tại Hội nghị Y tế toàn quốc vào sáng 6/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng năm 2020 là một năm dài hơn bình thường đối với những "chiến sĩ áo trắng" đã nỗ lực, dấn thân, nhất là những người trực tiếp phòng chống đại dịch Covid-19 với tinh thần không quản khó khăn, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, cùng với lực lượng quân đội, công an, ngoại giao… để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân. Việt Nam đã được thế giới công nhận chống dịch thành công.
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương và gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến lãnh đạo Bộ Y tế, đến đội ngũ giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở cách ly, các cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở khám, chữa bệnh trong suốt một năm qua với tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, không ngừng nỗ lực, cống hiến cao cả, tận tâm hết mình vì một Việt Nam an toàn trước đại dịch.
Thủ tướng điểm lại một số thành quả nổi bật của ngành y tế như năng lực điều trị ở các tuyến được nâng lên rõ rệt, hầu hết các kỹ thuật cao trên thế giới đã được thực hiện ở Việt Nam, nhiều kỹ thuật trước đây chỉ làm được ở các bệnh viện Trung ương, tuyến cuối nay đã trở thành thường quy ở nhiều bệnh viện tỉnh, huyện. Số giường bệnh trên 1 vạn dân tăng từ 25 năm 2016 lên 28 năm 2020.
Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng vì trong giai đoạn 2016-2020, hầu như năm nào ngành y tế cũng có những thành tích nổi bật trong lĩnh vực này. Đó là ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi và Diệu Nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên ghép ruột thành công tại Bệnh viện Quân y 103...
Ngoài ra, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã đạt 73,7 tuổi, đứng thứ 56 trong tổng số 138 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực ASEAN chỉ sau Singapore.
"Đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành khốc liệt"
Dù vây, Thủ tướng cho rằng, ngành y tế vẫn còn những bất cập cần khắc phục tốt hơn. Trước hết là tình trạng quá tải ở một số bệnh viện trung ương và tuyến cuối chưa khắc phục tốt, "giải pháp nào đặt ra trong năm 2021". Cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh vẫn cần quan tâm, nhằm "tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân". Đồng thời, sớm đưa cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức đi vào hoạt động.
"Đại dịch đang hoành hành khốc liệt, xung quanh chúng ta là sự đe dọa. Một số nước sát biên giới đang tái diễn dịch, nước ta có đường biên giới dài, hội nhập sâu rộng, Tết cổ truyền sắm tới người Việt ở nước ngoài mong muốn về nước. Nguy cơ rất lớn", Thủ tướng nói.
Vì thế, Thủ tướng đề nghị thực hiện đồng bộ các biện pháp của ngành y tế, trước hết là "Thông điệp 5K", các biện pháp mạnh mẽ khác để ngăn chặn thành công dịch Covid-19. Các ngành chức năng như công an, quân đội, các tỉnh có biên giới cần các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn nhập cảnh trái phép. Đồng thời, nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với biểu hiện lơ là, chủ quan, coi thường lợi ích cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19 để đón Tết lành mạnh, an toàn.
Thủ tướng hoan nghênh quyết định của lãnh đạo Sở Y tế TP. Hà Nội tạm đình chỉ công tác Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ do chưa thực hiện đúng quy trình trong việc tổ chức cách ly tập trung khi cho một người ra khỏi nơi cách ly khi chưa đủ 14 ngày.
"Chúng ta cương quyết, xử lý nghiêm, kể cả hành chính và hình sự, những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định phòng chống dịch. Thái độ dứt khoát như vậy để ngăn chặn có hiệu quả, không để dịch lây lan ra cộng đồng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp tục chú trọng phát triển y tế cơ sở, đột phá về chuyên môn
Cũng theo Thủ tướng, với việc đã hoàn thiện 98 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân, ngành y tế đã tạo được tiền đề quan trọng để hiện thực hiện hóa chủ trương mọi người dân Việt Nam đều được bác sĩ quản lý, theo dõi, tư vấn và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Vì vậy, ngành y tế phải tiếp tục đổi mới, với trọng tâm là y tế cơ sở, phải có những giải pháp đột phá về chuyên môn, cơ chế tài chính cho y tế cơ sở, trạm y tế xã...
Thủ tướng cũng nhấn mạnh ngành y tế thực hiện công khai chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh để người dân được biết và có quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, phải thực hiện việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh giữa các bệnh viện, hạn chế tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, góp phần tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng trong hoạt động khám, chữa bệnh, tiến tới bệnh án dùng chung cho các tuyến.
Thủ tướng đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long về vấn đề xã hội hóa, kinh tế trong y tế cần phải phát huy mạnh mẽ trên cơ sở công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, "để người dân không phải gánh chịu chi phí không cần thiết, không thể đưa giá thiết bị lên 5-7 lần để lấy chi phí của người bệnh cao hơn 5-7 lần so với bình thường".
Nhấn mạnh vai trò nhân lực ngành y tế, Thủ tướng cho rằng, việc đào tạo bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lý, điều dưỡng phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, tất cả các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện phải xem xét cho dừng.
"Nhiệm vụ đặt ra với ngành y tế trong năm 2021 hết sức nặng nề. Năm 2020, toàn ngành đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc và một lần nữa chúng ta thử thách với đại dịch Covid-19 đang làm thế giới điêu đứng", Thủ tướng nói.
Theo Dân Trí