Thông tin thống kê đóng vai trò hết sức quan trọng, là nguồn thông tin chính thống, có tính pháp lý, là cơ sở để đánh giá, phân tích, dự báo tình hình kinh tế - xã hội cả nước và của từng ngành, lĩnh vực, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.
Hệ thống thống kê tập trung, thống kê bộ, ngành và địa phương có nhiệm vụ sản xuất và cung cấp thông tin thống kê nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ này, trong những năm qua, Thống kê Việt Nam với nòng cốt là Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ngừng nỗ lực, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp, tổ chức triển khai công tác thống kê, thực hiện Luật Thống kê và các Nghị định của Chính phủ, Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, công tác thống kê tập trung cũng như thống kê Bộ, ngành và địa phương đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng cục Thông kê cho biết, thời gian qua, hệ thống các văn bản pháp luật về thống kê được sửa đổi kịp thời, sát với điều kiện thực tế và được triển khai có hiệu quả. Minh chứng cho điều này chính là việc Luật Thống kê đã 3 lần được xây dựng và sửa đổi, các nghị định triển khai Luật Thống kê được ban hành ngay sau đó tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai các hoạt động thống kê được thông suốt.
Mô hình tổ chức của Tổng cục Thống kê được kiện toàn từ Trung ương tới địa phương; tổ chức thống kê tại bộ, ngành, địa phương được hình thành và dần củng cố. Trình độ, năng lực của người làm công tác thống kê ngày càng được nâng cao đáp ứng nghiệp vụ chuyên môn thống kê. Trên 95% công chức, viên chức công tác trong hệ thống thống kê có trình độ từ đại học trở lên.
Mô hình của Tổng cục Thống kê được tổ chức theo ngành dọc gồm ba cấp: cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Cấp Trung ương (cơ quan Tổng cục Thống kê) gồm 13 Vụ, Văn phòng Tổng cục, Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin và 05 đơn vị sự nghiệp; cấp tỉnh gồm các Cục Thống kê tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp huyện gồm các Chi cục Thống kê tại các quận, huyện và thị xã.
Nhiệm vụ chuyên môn được thực hiện nghiêm túc, bài bản với quy trình và phân công cụ thể từ hoạt động thu thập, tổng hợp, xử lý đến công bố, lưu trữ thông tin thống kê; Hoạt động thu thập thông tin thống kê được ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các khâu. Đặc biệt, trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã rút ngắn và tiết kiệm một nửa thời gian xử lý và kinh phí so với các kỳ Tổng điều tra trước.
Thống kê nhà nước đã bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành và chính quyền địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội; các báo cáo chuyên đề; các kịch bản tăng trưởng kinh tế; kịch bản điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu. Số liệu thống kê đã được sử dụng thống nhất trong việc đánh giá, tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 ở Trung ương và địa phương; số liệu thống kê cũng được sử dụng trong lập quy hoạch tổng thể quốc gia và từng địa phương;
Thông tin thống kê kinh tế - xã hội được công bố và cung cấp đầy đủ theo lịch phổ biến thông tin thống kê đến đông đảo đối tượng sử dụng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng cao, qua đó tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong quá trình cung cấp và sử dụng thông tin thống kê.
Hoạt động điều phối thống kê được thực hiện có hiệu quả, nhất là trong xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê, giúp công tác thống kê được triển khai thống nhất, đồng bộ, toàn diện từ Trung ương đến địa phương; Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam và các đề án lớn về thống kê được triển khai trên phạm vi cả nước tạo nền tảng vững chắc cho công tác thống kê trước mắt và lâu dài.
Hợp tác quốc tế về thống kê được mở rộng theo hướng hội nhập sâu rộng, góp phần nâng cao năng lực, vị thế của Thống kê Việt Nam; Cơ sở hạ tầng và kinh phí cho hoạt động thống kê được quan tâm, hỗ trợ tại Trung ương và địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thống kê Việt Nam cũng còn những tồn tại hạn chế như: Chưa có một cơ sở dữ liệu tập trung, ứng dụng công nghệ thông tin thiếu đồng bộ, sự phối hợp chia sẻ dữ liệu từ bộ, ngành và địa phương cho Tổng cục Thống kê còn chưa hiệu quả; công tác thống kê của một số Bộ, ngành và địa phương chưa thực sự được quan tâm dẫn đến thiếu thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội. Tổ chức, bộ máy và bố trí người làm công tác thống kê còn chưa được quan tâm đúng mức, một số Bộ không có đơn vị thống kê cũng như công chức chuyên trách thống kê.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, cán bộ làm công tác thống kê tại các đơn vị và các đại biểu cần đánh giá một cách khách quan kết quả đạt được trên các mặt hoạt động cũng như thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập còn tồn tại và đâu là nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, bất cập đó. Đồng thời hội nghị sẽ tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê tập trung, thống kê bộ, ngành và địa phương.
Các đại biểu quốc tế, bằng kinh nghiệm của mình, chia sẻ và khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam những giải pháp để Thống kê Việt Nam có thể hội nhập và phát triển trong cộng đồng thống kê quốc tế và khu vực./.
Vũ Khuyên/VOV