Sáng 1/12, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ưu tiên trong năm qua là thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là cơn bão số 3; tăng cường quốc phòng, an ninh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế...
Về kinh tế năm 2024 và 3 đột phá chiến lược, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới); kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4% , các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới...
Ba đột phá chiến lược (về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực) đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chỉ đạo quyết liệt với tư duy đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, thông thoáng hơn, đúng thẩm quyền hơn; đồng thời tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn từ thực tiễn. Hoàn thành Dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc và tích cực triển khai nhiều dự án, công trình năng lượng trọng điểm như khai thác mỏ khí Lô B, trung tâm nhiệt điện Ô Môn…; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km . Hạ tầng số, hạ tầng năng lượng được tháo gỡ về thể chế và đầu tư .
Theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Nỗ lực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3; tinh thần "tương thân, tương ái", "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" tỏa sáng mạnh mẽ. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được ưu tiên, chú trọng; công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, giáo dục thanh, thiếu niên, phát huy vai trò người cao tuổi, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, thông tin truyền thông... được tăng cường. Chỉ số phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 54/166, tăng 1 bậc so với năm 2023.
Về tháo gỡ vướng mắc thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Năm 2024, đã trình Quốc hội thông qua 50 Luật, Nghị quyết, trong đó có 1 luật sửa 9 luật, 1 luật sửa 4 luật. Thành lập các tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn", khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tiết giảm chi phí tuân thủ; tích cực xây dựng thể chế để kiên quyết xóa bỏ cơ chế "xin - cho"...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, cơ chế, chính sách, pháp luật, an ninh, trật tự…
"Tôi xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề lớn như thể chế, pháp luật vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", nhất là quan điểm, quy trình, phương thức, phương pháp xây dựng văn bản; đầu tư nguồn lực tài chính, con người cho công tác xây dựng pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn; tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực; lãng phí niềm tin, thời gian, cơ hội, nguồn lực từ đất đai, đầu tư công, đầu tư tư nhân, tài nguyên, khoáng sản, lao động… còn nhiều. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực, thị trường bất động sản còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất còn cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm; phân cấp, phân quyền còn nhiều vướng mắc và chưa triệt để, vẫn tập trung nhiều công việc cụ thể ở Trung ương; việc giải quyết ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, ngập úng tại các thành phố lớn còn chậm; sạt lở, ngập lụt, sụt lún, khô hạn vẫn là thách thức lớn; thiên tai, bão lũ diễn biến khó lường…" - Thủ tướng nói.
Dự báo tình hình năm 2025 và thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường: về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ vẫn có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ vẫn có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ vẫn có xung đột. Trong nước khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn (trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, có độ mở lớn, sức chống chịu và cạnh tranh còn hạn chế).
"Năm 2025, chúng ta vừa phải "tăng tốc, bứt phá", tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025; vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Bối cảnh đó đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"; "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả"; "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Theo đó, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá"; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, của Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm thông thoáng, kiến tạo phát triển với tư duy đổi mới "vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới"....
Xây dựng thể chế, tạo khung khổ pháp lý phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường (tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, lao động, bất động sản...). Tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm để luật hóa gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng.
Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", nhất là sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống chính trị ở Trung ương; đổi mới, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực; phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiến nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu đổi mới tư duy xây dựng luật, trước hết sửa đổi, bổ sung ngay Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, với tinh thần ngắn gọn, quy định khung, nguyên tắc, tạo môi trường, không gian kiến tạo, thông thoáng, hiệu quả.
Đối với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng đề nghị đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm". Phải tăng cường tính tự lực, tự cường, tính chủ động với tinh thần "Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Tập trung rà soát các quy định, xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Phát huy mọi nguồn lực của các địa phương, nhất là khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế, xã hội...
Thủ tướng kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để nâng cao ý thức pháp luật, tạo sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, nhất là những vấn đề quan trọng, các chính sách lớn. Tạo động lực, truyền cảm hứng, sự đồng lòng, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia xây dựng kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.