Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBQL vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, cùng lãnh đạo các bộ ban ngành thành viên Ban chỉ đạo.
Phát biểu mở đầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc họp diễn ra trong khi cả hệ thống chính trị đang đoàn kết, cùng nhau nỗ lực cao nhất để khắc phục hậu quả thảm khốc về người, tài sản mà cơn bão Yagi và hoàn lưu của nó gây ra cho nhiều địa phương.
Diễn biến và thiệt hại khủng khiếp mà bão Yagi gây ra là minh chứng rõ ràng cho thấy, biến đổi khí hậu làm gia tăng tính cực đoan của thiên tai, khiến các trận thiên tai diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, gây hậu quả nặng nề hơn. Thực tế này đòi hỏi mỗi quốc gia, dân tộc, phải nỗ lực nhiều hơn nữa, hành động nhanh hơn nữa để ứng phó với biển đổi khí hậu, trong đó có thực hiện các cam kết giảm phát thải.
“Phiên họp hôm nay là để chúng ta cùng thảo luận đánh giá việc: Thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; thực hiện kết luận tại các cuộc họp của Ban chỉ đạo thời gian qua. Làm rõ những việc đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân là gì? Vướng mắc ở đâu?”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu, Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn làm việc có trọng tâm trọng điểm, tinh thần "5 rõ": “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả”; xác định những thách thức, từ bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, thống nhất quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Thủ tướng đánh giá sau Phiên họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, hoạt động tích cực, hiệu quả của từng thành viên Ban Chỉ đạo COP26, chúng ta vượt qua nhiều khó khăn thách thức, triển khai được nhiều nhiệm vụ quan trọng, đạt kết quả tích cực: Việt Nam đã rất quyết liệt trong việc triển khai thực hiện các cam kết quốc tế, từ việc nội luật hóa các quy định, cam kết quốc tế đến việc ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hành động và triển khai trong thực tiễn; các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch hành động; chủ động ban hành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền các chương trình triển khai với nhiệm vụ, đối tượng, tiến độ, yêu cầu rất cụ thể.
Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh mới có nhiều quốc gia gặp khó khăn trong chống biến đổi khí hậu, vì vậy một số quốc gia đã có những tính toán lùi lại trong việc thực hiện các cam kết của mình tại COP 26. Tuy nhiên, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược, đây là nội dung đã được khẳng định tại COP 28.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi phải hành động với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt hơn nữa để huy động mọi nguồn lực thực hiện các dự án.
Thủ tướng đề nghị Bộ TNMT báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 và kết quả thực hiện Kết luận tại Phiên họp lần thứ 4 đến nay; các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung trí tuệ, cho ý kiến về việc triển khai thực hiện kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP, sáng kiến AZEC. Thủ tướng cho biết, JETP cam kết hỗ trợ 15 tỷ USD và AZEC cam kết hỗ trợ 10 tỷ USD nhưng phải có dự án chương trình cụ thể.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo cho ý kiến về việc sửa đổi khung pháp lý tạo thuận lợi cho đầu tư từ doanh nghiệp, quốc tế vào chuyển đổi năng lượng và các vấn đề khác mà thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, bảo đảm tiến độ, chất lượng của Phiên họp.