Tên sách: Thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số quốc gia
Tác giả: Viện Chiến lược Chuyển đổi số
Năm xuất bản: 2023
Số trang: 656
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia Sự thật
Chuyển đổi số đã và đang là xu thế tất yếu, có tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Đối với Việt Nam, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã chính thức được khởi động từ năm 2020 và đang trong giai đoạn tăng tốc với những hành động cụ thể. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về chuyển đổi số, mở đường cho định hướng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên số. Và việc cần phải làm ngay là từng bộ, ngành, địa phương, từng doanh nghiệp và mỗi người dân phải chung tay hành động để đưa chủ trương, chính sách này vào cuộc sống, để thúc đẩy nhanh tiến trình Chuyển đổi số quốc gia. Cuốn sách Thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số quốc gia do Viện Chiến lược Chuyển đổi số biên soạn, làm rõ tầm nhìn trung tâm của chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khái niệm của chuyển đổi số, dữ liệu và vốn hóa dữ liệu trong chuyển đổi số, truyền thông và các cấp độ của chuyển đổi số, mô hình kiến trúc, đo lường và đánh giá chuyển đổi số, động năng và mục tiêu chung, định hướng cho tiến trình Chuyển đổi số quốc gia. Trên cơ sở phân tích ba trụ cột (chính phủ số, kinh tế số, xã hội số) của tiến trình Chuyển đổi số quốc gia; vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với chuyển đổi số; đánh giá và đo lường mức độ Chuyển đổi số quốc gia; nội dung Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Trên cơ sở đó, các tác giả đề xuất một số giải pháp, sáng kiến đẩy nhanh tiến trình Chuyển đổi số quốc gia hướng đến đổi mới mô hình tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững, nhằm hoàn thành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo nxbctqg