Về quan điểm công bằng xã hội trong giáo dục
Sinh thời, Bác đã từng khẳng định “Tôi có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, ai cũng có được học hành”[1]. Bác mong muốn người Việt Nam đều có quyền sống hạnh phúc và được học hành, tức là không phân biệt giai cấp, tầng lớp, dân tộc, giới tính, tuổi tác.... Đây là tư tưởng xuyên suốt, căn bản trong việc thực hiện công bằng xã hội nói chung và trong giáo dục nói riêng. Theo Hồ Chí Minh, giáo dục không biệt đối xử người học bởi vì “trường học của chúng là trường học của chế độ dân chủ nhân dân…”[2] và “giáo dục là phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới”[3], đồng nghĩa với việc ai cũng có quyền được tiếp cận giáo dục. Bên cạnh đó, công bằng xã hội trong giáo dục còn thể hiện trách nhiệm đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân. Theo Bác, “những người đã biết chữ hãy dạy cho người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ… Vợ chưa biết chữ chồng bảo, em chưa biết chữ thì anh bảo. Các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy học cho người nghèo không biết chữ”[4] và “từ trước đến nay, đồng bào ta đã hết lòng giúp đỡ công việc giáo dục. Tôi mong từ nay về sau đồng bào sẽ giúp đỡ nhiều nữa cho trường học và ai cũng tự mình cố gắng học tập”[5].
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công bằng trong giáo dục đã trở thành kim chỉ nam cho chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước góp phần bảo đảm quyền được đi học và được đào tạo của mọi tầng lớp nhân dân. Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta nhấn mạnh: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người”[6].
Trẻ em ở huyện biên giới An Phú, tỉnh An Giang mặc áo phao trên đường đến trường
(Nguồn: phunuonline.com.vn. Ảnh: Huỳnh Trọng)
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để phát triển nguồn nhân lực
Trong những năm qua, phát triển vùng ĐBSCL luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, trong đó có phát triển nguồn nhân lực. Tại Quyết định 20/2006/QĐ-TTg ngày 20/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long” đã xác định “Nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL để phát huy sức mạnh của vùng, tạo bước đột phá trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng ĐBSCL phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một vùng kinh tế trọng điểm của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao” và “phấn đấu đến năm 2010 chỉ số phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề của ĐBSCL ngang bằng chỉ số trung bình của cả nước”. Quyết định số 1033/QĐ-TTg, ngày 30/6/2011, của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015” có mục tiêu “tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng và cả nước”. Những chính sách đó đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong giáo dục - đào tạo ở ĐBSCL, đem tới nhiều cơ hội học tập cho người dân, đóng góp quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực của Vùng.
Tại Hội nghị triển khai phát triển giáo dục - đào tạo ở ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá: Các ngành học, bậc học được giữ vững và phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được đảm bảo, quan tâm. Bên cạnh việc đầu tư cho giáo dục chất lượng cao, chất lượng giáo dục đại trà được duy trì và nâng cao sau từng năm[7]. Tính đến năm 2022, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật ở ĐBSCL đã tăng từ 7,8% của năm 2010 lên 14,53%[8]. Năng suất lao động của vùng tăng từ 88,9 triệu đồng/người năm 2019 lên 123,4 triệu đồng/người.
Một tiết học dạy STEM của cô, trò Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
(Nguồn: Báo quân đội nhân dân điện tử)
Mặc dù vậy, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,5%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,7%) thấp nhất cả nước[9]. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động của vùng còn chậm so với các vùng kinh tế - xã hội khác. Đây là một trong những thách thức đối với quá trình phát triển bền vững ở ĐBSCL. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng trong thời gian tới, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ mục tiêu phát triển nguồn nhân lực: “tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp đạt 75-80%... Cơ sở giáo dục đạt chuẩn: 75% mầm non, 70% tiểu học, 80% trung học cơ sở, 90% trung học phổ thông…”[10]. Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đưa ra nhiệm vụ: “Phát triển mạng lưới trường đại học và mở rộng các trường cao đẳng, dạy nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; ưu tiên đầu tư, phát triển các trường đại học, cao đẳng chất lượng cao, đa ngành, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp; chú trọng các ngành khoa học về y tế, kỹ thuật, công nghệ và kinh tế số. Phát triển thành phố Cần Thơ thành trung tâm giáo dục - đào tạo cấp quốc gia và vùng”[11]. Đồng thời, xây dựng được một xã hội học tập, thực hiện tốt dân chủ hoá trong giáo dục và coi đó là một giải pháp, cách thức thực hiện tốt mục tiêu xã hội hoá giáo dục, từng bước đưa giáo dục nước ta tiến đến chuẩn hoá và hiện đại hoá.
Như vậy, quan điểm Hồ Chí Minh về công bằng xã hội trong giáo dục là tư tưởng có nghĩa quan trọng đối với phát triển nguồn nhân lực ở ĐBSCL, đặt ra yêu cầu bảo đảm cơ hội học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Vùng. Mặc dù đã có những thay đổi tích cực nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cũng như chưa phát huy hết tiềm năng phát triển của Vùng. Vì thế, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực theo tinh thần công bằng xã hội của Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị ở ĐBSCL trong tình hình mới hiện nay.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H.2000, trang 161
[2] Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 8, trang 80-81
[3] Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 8, trang 184
[4] Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 4, trang 37
[5] Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 10, trang 190
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, trang 231.
[7] Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (moet.gov.vn), truy cập ngày 29/4/2023.
[8] PX Web – General Statistics Office of Vietnam (gso.gov.vn), truy cập ngày 25/5/2024
[9] Tổng Cục thống kê (2022), Điều tra lao động và việc làm năm 2022, Nxb Thống Kê, Hà Nội, tr.107
[10] Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/04/2022, của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và đến năm 2045
[11] Nghị quyết số 78/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 04 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và đến năm 2045
TT