Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, tận mắt chứng kiến sự thất bại của các phong trào đấu tranh giành độc lập của cha anh, với tinh thần “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, người thanh niên trẻ yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết tâm tìm cách giành lại nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo ra một cương lĩnh giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo mà tư tưởng cốt lõi là độc lập, tự do. Đến tháng 8/1945, trong quá trình tiến tới cuộc Cách mạng tháng Tám, Người đã đúc kết quyết tâm giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam bằng câu nói bất hủ: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành được độc lập”[1]. Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với cả thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[2].
Giữ vững lời thề thiêng liêng đó, trước âm mưu tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh đã thay mặt dân tộc Việt Nam thể hiện thái độ chính trị dứt khoát và kiên định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”[3].
Pháp còn chưa rút đi thì Mỹ lại tới. Do sự ngạo mạn về sức mạnh vật chất và không thấu hiểu văn hóa Việt Nam, đế quốc Mỹ tưởng rằng có thể dùng bom đạn để tiêu diệt ý chí đấu tranh của nhân dân Việt Nam anh hùng. Trước âm mưu cuồng bạo là “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” của đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh đã đúc kết lên lẽ sống của nhân dân Việt Nam và chân lý lớn của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Cho đến hơi thở cuối cùng, ước nguyện mà Người gửi lại trong bản Di chúc lịch sử vẫn là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”[4]. Rõ ràng, độc lập tự do là tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh.
Là nhà tư tưởng vĩ đại, đồng thời cũng là nhà hoạt động thực tiễn kiệt xuất, Hồ Chí Minh từng nói: “Độc lập về câu chữ đối với tôi không quan trọng. Điều quan trọng đối với tôi là nội dung của nó”. Với Người, độc lập thực sự phải gắn với quyền toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết về mọi phương diện và quyền được ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trong chiều sâu tư tưởng của Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc chỉ là tiền đề, là điều kiện để dân tộc đi đến tầm cao mới: Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Ngày nay, thực hiện khát vọng độc lập tự do của Hồ Chí Minh, chúng ta phải xác định phương hướng để có thể vừa giữ vững quyền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc, vừa xây dựng đất nước mạnh giàu. Thực tế cho thấy: Chân lý thì bao giờ cũng giản dị, tường minh nhưng vận dụng chân lý sao cho thật khéo, thật phù hợp với hoàn cảnh cụ thể lại đòi hỏi phải có năng lực sáng tạo rất lớn.
Thực hiện tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh để giành và bảo vệ quyền chủ quyền ở biển Đông của nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ ngừng lại. Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta phải tin rằng: Không phải sức mạnh của vật chất mà “những lẽ phải không ai chối cãi được”[5]mới khẳng định chủ quyền đó thuộc về ai.
Để thực thi chủ quyền chính đáng của mình, Việt Nam phải đấu tranh, nhưng câu hỏi đặt ra là đấu tranh bằng cách nào? Ông cha ta đã đúc kết: “Có cứng mới đứng được đầu gió”. Gió của đất trời có thể dự báo được, nhưng “gió” từ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bá quyền nước lớn thì vô cùng khó lường!
Sự lựa chọn duy nhất đúng là Việt Nam lúc này phải trở nên thịnh vượng, hùng cường bằng cách thực thi một loạt nhiệm vụ trọng yếu:
Trước hết, Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoábởi sự lệ thuộc về kinh tế sẽ dẫn đến sự lệ thuộc về chính trị và cuối cùng là đánh mất quyền tự quyết. Một nền độc lập thực sự luôn gắn liền với tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân nên mọi chính sách của Đảng và nhà nước nhất thiết phải góp phần không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân bởi lý tưởng thì bất biến nhưng “chỉ số” ấm no, hạnh phúc thì mỗi thời mỗi khác. Đảng phải giải quyết hợp lý bài toán tăng trưởng và bồi dưỡng sức dân, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, chủ động điều tiết sự phân hóa xã hội.
Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm
Tiếp đó, Đảng và Nhà nước phải tăng cường thực hiện dân chủ vì đó là “cái chìa khóa vạn năng giải quyết mọi khó khăn”[6]. Đảng và nhà nước cũng phải hết sức chú trọng đến công tác đào tạo thế hệ trẻ, xây dựng các giá trị đạo đức lành mạnh vì nếu đạo đức xã hội bị suy đồi, thế hệ trẻ chỉ biết hưởng thụ vật chất một cách tầm thường thì chuyện bị lệ thuộc chỉ còn là vấn đề thời gian.
Giữ vững độc lập còn là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vì nếu không giữ được bản sắc văn hóa thì dù cho cương vực quốc gia vẹn nguyên, nhân dân nước đó vẫn là “vong quốc nô”. Sự giao thoa văn hóa ngày nay diễn ra hết sức mạnh mẽ nên chúng ta phải ý thức rõ, cái gì là bản sắc văn hóa dân tộc để giữ gìn, đồng thời có trách nhiệm quảng bá nó tới nhân loại trên tinh thần cống hiến.
Để gia tăng sức mạnh dân tộc, Việt Nam nhất thiết phải tăng cường đoàn kết và hội nhập quốc tế. Muốn tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các dân tộc trên thế giới thì Việt Nam không chỉ cần có nghệ thuật ngoại giao khôn ngoan mà cái chính là phải trở thành một phần không thể tách rời, thành nhân tố có ích cho sự phát triển của nhân loại.
Đặc biệt, hơn bao giờ hết, phải đẩy mạnh công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng về mọi mặt để Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”, là nơi nhân dân gửi trao niềm tin yêu trọn vẹn. Yêu nước là đặc trưng bản chất của con người Việt Nam nhưng để khơi nguồn, quy tụ được sức mạnh kỳ diệu đó trong nhân dân Việt Nam thì lực lượng lãnh đạo phải là hiện thân của lòng yêu nước và tinh thần hiến dâng cho Tổ quốc.
Dù độc lập, tự do là quyền thiêng liêng của mỗi dân tộc nhưng không được chủ quan nghĩ rằng, vì nó là quyền “bất khả xâm phạm” nên sẽ không ai dám động đến, không ai nhẫn tâm chà đạp lên nó. Khi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi luôn tồn tại và hiện còn có xu hướng gia tăng, quyền thiêng liêng đó phải được bảo vệ bằng sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Vì thế, độc lập tự do không bao giờ chỉ là những khẩu hiệu mà phải trở thành lẽ sống, phương châm hành động của mỗi con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
[1]Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chình trị quốc gia, H, 2016, t.2, tr.225.
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, t.4, tr.3.
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.534.
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.624.
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.1
[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.325
An Thư