Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với việc thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các phần tử cơ hội và thế lực thù địch đã đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, sai trái, bóp méo sự thật nhằm thực hiện ý đồ chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Một trong số những quan điểm mà chúng đưa ra là: “Ở Việt Nam, thực hiện thể chế nhất nguyên chính trị là không dân chủ, vì thế, để có dân chủ thì cần phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Những luận điệu trên cùng với cái gọi là “xuất phát từ chủ nghĩa Mác - Lênin” với quan điểm “kinh tế quyết định chính trị”, chúng cho rằng: “kinh tế đa thành phần thì chính trị phải đa nguyên”, và từ đó, những đối tượng cơ hội, thù địch đòi hỏi phải xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013).
Có thể nhận thấy những luận điệu nêu trên không mới và ngày càng bộc lộ đầy đủ nhất những ý đồ chính trị đen tối nhằm tạo cớ cho sự hình thành các tổ chức chính trị phản động đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, là tiếp tục thực hiện các bước của chiến lược “diễn biến hòa bình” từ đó tiến hành bạo loạn, lật đổ, gây bất ổn chính trị - xã hội trong nước. Nếu chúng ta nhận thức không đúng thì sẽ rơi vào cái “bẫy” của họ, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như ở Liên Xô và Đông Âu đã từng diễn ra. Vì rằng, những luận điệu nêu trên sai cả về phương diện lý luận và thực tiễn.
Kinh tế có mạnh mới đảm bảo cho chính trị ổn định
Về phương diện lý luận:
Các thế lực thù địch “xuất phát” từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin là “kinh tế quyết định chính trị” để cho rằng, kinh tế nhiều thành phần thì chính trị phải đa nguyên là hoàn toàn trái với ý nghĩa nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trong lý luận về hình thái kinh tế - xã hội, chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định khi cơ sở hạ tầng thay đổi thì sớm hay muộn sự thay đổi của kiến trúc thượng tầng cũng sẽ diễn ra. C.Mác viết: “Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng”[1].Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác - Lênin nhấn mạnh rằng, toàn bộ kiến trúc thượng tầng cũng như các yếu tố cấu thành của nó có tính độc lập tương đối, có sự tác động lẫn nhau và tác động mạnh mẽ trở lại đối với cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các yếu tố nhà nước và đảng phái chính trị.
Các ông cũng chỉ ra rằng: mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị là mối quan hệ biện chứng. Chính trị luôn phụ thuộc vào kinh tế, sự chuyển biến về chính trị luôn gắn liền với sự chuyển biến về kinh tế. Kinh tế có mạnh mới đảm bảo cho chính trị ổn định. Song, đến lượt mình, chính trị cũng tác động trở lại mạnh mẽ đối với kinh tế và có địa vị hàng đầu do tính giai cấp, tính đảng của các hoạt động kinh tế trong các chế độ xã hội có giai cấp.
Với cách tiếp cận đó, thì trong quan điểm của các nhà mácxít không đưa ra một cái nhìn siêu hình hoặc tuyệt đối hóa một trong hai yếu tố kinh tế hoặc chính trị mà có tính biện chứng sâu sắc, tác động tương hỗ, thúc đẩy nhau cùng phát triển.
Khi nói kinh tế quyết định chính trị, thì điều quan trọng cần phải lưu ý là chủ nghĩa Mác không bao giờ xem kinh tế là yếu tố duy nhất mà bên cạnh yếu tố kinh tế còn có những yếu tố khác. Tất cả các yếu tố ấy đều nằm trong một chỉnh thể thống nhất tác động qua lại lẫn nhau, tạo nên sự vận động, biến đổi của xã hội. Ph.Ăngghen đã từng khẳng định: “theo quan niệm duy vật lịch sử, nhân tố quyết định trong quá trình lịch sử, xét đến cùng là sự sản xuất và tái sản xuất đời sống hiện thực. Cả tôi và Mác chưa bao giờ khẳng định gì hơn thế. Còn có ai xuyên tạc luận điểm này theo ý nghĩa nhân tố kinh tế là nhân tố quyết định duy nhất, thì người đó biến lời khẳng định này thành một câu trống rỗng, trừu tượng, vô nghĩa”[2].
Vai trò quyết định của yếu tố kinh tế là điều không thể bác bỏ, nhưng điều quan trọng là cần nhận thức sự quyết định ấy không bao giờ diễn ra một cách trực tiếp, đơn tuyến từ kinh tế đến chính trị mà phải thông qua nhiều tầng nấc, nhiều khâu trung gian (xã hội, văn hóa, tư tưởng...), phải thông qua hoạt động thực tiễn của con người và bị khúc xạ nhiều lần trong môi trường xã hội. Thực tế đã chứng minh, không phải ở đâu có đa nguyên kinh tế là tất yếu có đa nguyên chính trị; không phải ở đâu có tự do kinh tế là tất yếu có nền chính trị dân chủ.
Mỗi quốc gia, dân tộc đều có một lịch sử hình thành, phát triển và có truyền thống riêng của mình. Từ đó, nó tạo nên tính đặc thù của mỗi quốc gia, dân tộc và được thể hiện qua các hoạt động vật chất và hoạt động tinh thần của con người, trong đó có hoạt động chính trị. Điều này đã được Montesquieu khẳng đinh: “ở các vùng khác nhau, tính cách, tinh thần, tình cảm và dục vọng của con người cũng rất khác nhau. Nếu như thế thì luật pháp cũng phải tương ứng với sự khác nhau ấy”[3]. Hay Jackques Rousseau cũng khẳng định: “trong mỗi vùng khí hậu, thiên nhiên đã quy định nên có hình thức chính phủ nào, và tính chất dân chúng nên như thế nào để thích hợp với vùng đó”. Từ đó, Jackques Rousseau đi đến kết luận: “Không phải hình thức chính phủ nào cũng thích hợp với mỗi quốc gia”[4].
Như vậy, để xem xét một thể chế chính trị thì phải xem xét một cách toàn diện, chứ không chỉ xem xét một mặt, một yếu tố nào đó. Nếu tuyệt đối hóa, đề cao một mặt, một yếu tố nào đó sẽ là phiến diện, một chiều không khỏi mắc phải sai lầm trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Một điều nữa cần nói thêm rằng, bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Muốn thực hiện được điều đó thì trước tiên người lao động phải xây dựng lên một chính đảng cùng một chính phủ duy nhất đại diện cho quyền lực của mình. Với một chế độ xã hội, thì hoặc quyền lực thuộc về thiểu số giai cấp bóc lột hoặc thuộc về đa số nhân dân lao động mà thôi. Không có thứ quyền lực hay dân chủ cho mọi giai cấp.
Những quan điểm nêu trên chính là cơ sở lý luận để khẳng định Việt Nam thực hiện thể chế chính trị nhất nguyên trong điều kiện phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp.
Về phương diện thực tiễn:
Dưới góc độ kinh tế, trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, thì thành phần nào giữ vai trò thống trị, chi phối các thành phần kinh tế khác sẽ là cơ sở kinh tế để quyết định hình thức tổ chức chính trị. Hiện nay, ở Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế tồn tại, nhưng thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân.
Trong những năm đổi mới, thành phần kinh tế tư bản tư nhân có nhiều đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng thành phần kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo thông qua việc thực hiện sứ mệnh nắm giữ những lĩnh vực then chốt nhất của nền kinh tế, cung cấp những dịch vụ quan trọng và cần thiết cho xã hội, đồng thời góp phần bảo đảm công bằng xã hội - sứ mệnh ấy không có thành phần kinh tế nào có thể thay thế được. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện thể chế chính trị nhất nguyên ở Việt Nam.
Dưới góc độ truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, trong chiều dài lịch sử của đất nước, truyền thống đoàn kết của nhân dân ta luôn được phát huy, tạo thành sức mạnh vô địch trong phòng chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm. Truyền thống đoàn kết đó đã được đúc kết thành chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”; đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Truyền thống đoàn kết là yếu tố khách quan, là điều kiện thuận lợi, ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình thực hiện liên minh giai cấp, đoàn kết toàn dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới hiện nay. Toàn thể dân tộc đoàn kết thành một khối thống nhất tất yếu đòi hỏi phải có sự thống nhất của thể chế chính trị - thể chế chính trị đó không thể là đa nguyên.
Về vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam: Hơn 90 năm từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua mọi thử thách của lịch sử, chiến đấu và giành chiến thắng trước những kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Đảng đã xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó mọi giai cấp, tầng lớp, lực lượng kề vai sát cánh, đoàn kết, thống nhất phấn đấu vì mục tiêu chung: Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.
Trong thời kỳ đổi mới, quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bên cạnh những thành công, cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Trong bối cảnh ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định, vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng, đưa đất nước tiến lên.
Thực hiện sứ mệnh là lực lượng duy nhất giữ vai trò lãnh đạo, Đảng luôn giữ vững được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân. Đó là độc lập, tự do cho dân tộc; là quyền tự quyết dân tộc, quyền bình đẳng trong mối quan hệ với các quốc gia trong cộng đồng thế giới, quyền tự lựa chọn con đường phát triển của đất nước, quyền tự do làm giàu chính đáng theo pháp luật của mọi người dân, phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương xã hội; đồng thời, luôn quan tâm phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, chăm lo phát triển toàn diện con người...
Từ những thành quả đã đạt được, mỗi người dân Việt Nam luôn đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; dư luận quốc tế, chính phủ, nhân dân các nước tiến bộ trên thế giới đánh giá cao và ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam, nhờ đó uy tín của Đảng không ngừng được xác lập và nâng cao trên trường quốc tế. Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng để chúng ta khẳng định việc thực hiện chế độ chính trị nhất nguyên trong điều kiện thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam - đó là một thực tế khách quan không phải bàn cãi và không thể phủ nhận!
[1]C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H 1993, tr. 15.
[2]C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 37, Nxb CTQG, H 1995, tr. 641.
[3]Montesquieu, Bàn về tinh thần pháp luật- De lesprit des lois, Nxb Lý luận chính trị, H 2004, tr. 139.
[4]Jean Jacque Rousseau, Bàn về khế ước xã hội- Du contrat social, Nxb Lý luận chính trị, H 2004, tr. 155.
Văn Phục