Sáng 15/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phiên họp 2 Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XNCN trong 40 năm qua ở nước ta.
Cùng dự các Ủy viên Bộ Chính trị: Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Lương Cường, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; các Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; các Ủy viên Trung ương Đảng và thành viên Ban chỉ đạo.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cho biết, phiên họp nhằm nhìn lại cả quá trình 40 năm đổi mới, tuy nhiên, đã có các lần tổng kết trước, nhất là tổng kết 30 năm gần đây, do đó lần này tập trung chủ yếu vào 10 năm gần đây để khái quát, đánh giá chung, rút ra những bài học kinh nghiệm cho cả quá trình 40 năm đổi mới; cũng như nhận diện những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết trong thời gian tới.
Trên tinh thần kế thừa các kết quả của các lần tổng kết trước, có những nhận thức gì mới có thể đổi mới, bổ sung, từ đó có những nhận thức, đánh giá chung cho cả quá trình 40 năm.
Tại phiên họp, Thường trực Ban Bí thư nhắc lại phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "đến năm 2025, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm thống nhất đất nước, cần hoàn thiện cơ bản hệ thống lý luận về đường lối đổi mới; đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết 40 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tổng kết 100 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, có thể bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; bổ sung, làm phong phú và tiến thêm một bước để hoàn thiện hơn nền tảng tư tưởng của Đảng; và đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì chúng ta sẽ có một hệ thống lý luận hoàn chỉnh, khoa học và hiện đại về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam".
Bà Trương Thị Mai đề nghị, trong quá trình tổng kết, đánh giá, cần tiếp tục khái quát hệ thống lý luận về đường lối đổi mới; từ đó đề xuất quan điểm, mục tiêu, định hướng giải pháp cho giai đoạn tới và đặc biệt quan trọng là cần có những đề xuất kiến nghị góp phần xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng tới đây.
Dự kiến đề cương chi tiết Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới ở Việt Nam sẽ trình Hội nghị Trung ương thảo luận cho ý kiến vào tháng 5 tới.