Tư tưởng Hồ Chí Minh - tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển của các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”[i]. Nhận định này không chỉ khái quát nội hàm tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn chỉ rõ cội nguồn hình thành và giá trị, ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Nhận thức được giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng dân tộc, nhất là kể từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta luôn khẳng định cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò to lớn trong đời sống tinh thần, tư tưởng của nhân dân Việt Nam. Đảng có nhiều chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác tư tưởng, lý luận của Đảng nói chung và tuyên truyền, lan tỏa, bảo vệ, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Tiêu biểu là Chỉ thị số 23-CT/TW về “Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới” (ngày 27/3/2003); Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (ngày 14/5/2011); Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (ngày 15/5/2016); Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””. … Nhờ đó, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng ăn sâu, bám rễ chắc chắn vào đời sống tinh thần, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Ngày 12/6/2021, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá cuả Đảng ta và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm rất cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta, truớc hết là các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân”[ii].
Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các nước lớn tiếp tục điều chỉnh chiến lược, gia tăng cạnh tranh giành ảnh hưởng khiến cho xung đột tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực. Nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục phải đối diện với khó khăn với đà tăng trưởng chậm. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá trên Internet, mạng xã hội bằng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, nham hiểm đúng như Đảng nhận định: “các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta”, “Sự chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động ngày càng tinh vi hơn”.
Trong nước, toàn Đảng, toàn dân tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của hội nghị Trung ương với nhiều chủ trương, định hướng mới và đang tiến hành công tác chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng. Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và công tác cán bộ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết. Bốn nguy cơ, trong đó có tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn nhiều diễn biến phức tạp.
Trước tình hình đó, để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh cần thực hiện những giải pháp cơ bản sau:
Một là, cần kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu, vận dụng với phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặc dù tư tưởng Hồ Chí Minh đã khẳng định được tính đúng đắn trong thực tiễn nhưng thực tiễn cũng luôn vận động, biến đổi không ngừng. Do đó, phải kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu với bổ sung, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Đây là sự quán triệt sâu sắc nguyên tắc phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn đúng như V.I.Lênin đã từng chỉ rõ: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”[iii].
Hai là, kết hợp hài hòa giữa kiên định, bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về Hồ Chí Minh. Thực hiện phương châm kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, cần kết hợp hài hòa giữa kiên định, bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh để làm cơ sở khoa học, lý luận vững chắc song đồng thời cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về Hồ Chí Minh trên các khía cạnh thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Người. Thực tiễn cho thấy, khi đưa ra các quan điểm sai trai, thù địch về Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch nhằm tạo ra lệch lạc về nhận thức, dao động, mơ hồ về lập trường chính trị, chuyển hóa về tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; từ đó phủ nhận cả về nội dung, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về Hồ Chí Minh là một nhiệm rụ rất quan trọng, cần được tiến hành thường xuyên, bài bản, quyết liệt.
Ba là, gắn nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh với hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới đất nước. Cho đến nay, đường lối đổi mới đất nước của Việt Nam đã trải qua gần 40 năm ra đời, không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Hiện nay, Đảng ta đang tiến hành tổng kết 40 thực hiện đường lối đổi mới đất nước, từ đó tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Gắn nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh với hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới đất nước làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng trở thành nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng và “kim chỉ nam” cho công cuộc đổi mới của nước ta.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam. Bất chấp những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện vẫn là nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng ta, soi đường cho dân tộc ta trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Chiên Lê
[i] Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.32
[ii] Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.399
[iii] V.I.Lênin (1974), Toàn tập, tập 4, Nxb Tiến bộ Mátxcơva, tr.232