Từ ngày 02 đến ngày 08/10/2023, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã diễn ra tại Hà Nội. Một trong những nội dung mới của Hội nghị là trên cơ sở đánh giá kết quả hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (gọi tắt là Nghị quyết số 27), Đảng ta đã quyết định ban hành một Nghị quyết mới về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”. Đây là bước phát triển mới trong tư duy của Đảng về phát triển đội ngũ trí thức trong giai đoạn hiện nay.
Nhìn nhận lại 15 thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW
Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Đảng ta nhìn nhận, 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức chung trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, vị trí của trí thức ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn.
Theo đó, đội ngũ trí thức Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo khoa học; là lực lượng đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đội ngũ trí thức có nhiều đóng góp vào sự phát triển công nghiệp, công nghệ và sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới và giải pháp cho các vấn đề kinh tế; ở một số lĩnh vực trọng yếu, nhiều trí thức có năng lực, trình độ khoa học tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, tạo động lực phát triển, nâng cao năng suất, có khả năng giúp quốc gia cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường quốc tế, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế quốc gia.
Với tinh thần thẳng thắn, khách quan, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước còn những hạn chế, khuyết điểm như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa được hoàn thiện đồng bộ; một số nội dung của Nghị quyết chậm được thể chế hoá; thiếu cơ chế, chính sách đột phá, nhất là chính sách đầu tư, huy động các nguồn lực cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là trí thức tinh hoa, các nhà khoa học đầu ngành.
Ngoài ra, cơ cấu, số lượng, chất lượng của đội ngũ trí thức còn bất hợp lý trong các ngành nghề, khu vực. Thiếu cơ chế về tài chính để các hội trí thức chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tính chủ động trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo đối với đội ngũ trí thức còn hạn chế. Một số cấp uỷ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên trong đội ngũ trí thức.
Hội nghị cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm nêu trên trước hết là do nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức chưa triệt để, trách nhiệm chưa cao. Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng đội ngũ trí thức chưa đồng bộ, liên thông, hiệu lực, hiệu quả. Một bộ phận trí thức chưa chủ động, trông chờ, ỷ lại, né tránh, ngại bày tỏ chính kiến, thiếu gương mẫu, năng lực, phẩm chất, uy tín hạn chế, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước ảnh hưởng đến niềm tin của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đối với đội ngũ trí thức. Do đó, cần phải tiếp tục ban hành một nghị quyết mới về phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới
Tại Hội nghị Trung ương 8, Đảng ta thống nhất ban hành Nghị quyết với tên gọi “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”.
Về quan điểm, Hội nghị thống nhất các quan điểm sau:
Một là, xác định trí thức Việt Nam là nguồn lực lao động chất lượng cao, là lực lượng lao động sáng tạo, có vinh dự và bổn phận tiên phong, trực tiếp tham gia sự nghiệp đổi mới, cống hiến xây dựng, phát triển đất nước; nâng cao dân trí, nhân lực; bồi dưỡng, đào tạo nhân tài trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Hai là, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh cả về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý, có lộ trình và bước đi phù hợp, gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm và năng lực của trí thức trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, các hội nghề nghiệp của trí thức và toàn xã hội.
Ba là, tôn trọng, phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo; trọng dụng nhân tài, trí thức tinh hoa, nhà khoa học đầu ngành chính là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và động lực căn bản để xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức và phát huy vai trò, vị trí và sự cống hiến của trí thức, thực sự xứng tầm là nguyên khí quốc gia.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Hội nghị đưa ra 05 giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác trí thức trong giai đoạn mới.Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ trí thức trên địa bàn, lĩnh vực được giao. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác trí thức.
Hai là, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ trí thức. Tạo đột phá, bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài; đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài; xây dựng xã hội học tập; hình thành nền kinh tế tri thức, thúc đẩy liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa trí thức và với các giai tầng khác trong xã hội. Kịp thời phát hiện người hiền tài trong nước và ngoài nước, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài ở một số ngành, lĩnh vực quan trọng, trí thức trẻ, trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, trí thức người dân tộc thiểu số và trí thức nữ.
Ba là, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức.Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với trí thức; thể chế hoá nghị quyết, kết luận của Đảng về trí thức thành cơ chế, chính sách đồng bộ, liên thông, hiệu lực, hiệu quả. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; văn hoá và văn nghệ; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức hoạt động trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn cũng như từng ngành nghề cụ thể; thu hút trí thức trẻ có trình độ cao vào làm việc khu vực công, trí thức Việt Nam ở nước ngoài.
Bốn là, tăng cường nguồn lực, chủ động hội nhập quốc tế để xây dựng đội ngũ trí thức. Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển về hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức. Nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hợp tác, mở rộng giao lưu học thuật, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ với các quốc gia, tổ chức đối tác quan trọng có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.
Năm là, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động các hội trí thức. Tăng cường công tác tư tưởng đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, người có tài năng, nhất là trí thức trẻ nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, trách nhiệm, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức theo hướng bảo đảm hoạt động công bằng, khách quan, cạnh tranh lành mạnh, tích cực; đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của các tổ chức hội trí thức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tư vấn, phản biện, giám định xã hội.
Có thể khẳng định, việc ban hành một Nghị quyết mới về phát triển đội ngũ trí thức là rất kịp thời, đáp ứng yêu cầu cấp bách từ thực tiễn. Điều đó cũng cho thấy bước phát triển không ngừng trong quan điểm của Đảng về phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong giai đoạn hiện nay.
Thành Thu Trang