Câu hỏi: Ngày 21/6/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 84-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Xin cho biết mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, chủ trương và giải pháp tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới mà Nghị quyết 23-NQ/TW đã đề ra.
Trả lời
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có văn học nghệ thuật, là nhiệm vụ rất quan trọng. Ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, chủ trương, giải pháp tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Cụ thể là:
Mục tiêu
Một là, tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu ''dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hai là, xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, đoàn kết, gắn bó cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước ta.
Ba là, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Quan điểm chỉ đạo
Trên cơ sở tiếp tục quán triệt và thực hiện 5 quan điểm chỉ đạo chung đối với nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), riêng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, cần nhấn mạnh và bổ sung các quan điểm chỉ đạo sau đây:
Một là, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
Hai là, văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá - tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp. Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch.
Ba là, tài năng văn học, nghệ thuật và vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc.
Chủ trương và các giải pháp
Trên cơ sở tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn học, nghệ thuật đã được nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương (khoá VIII), Bộ Chính trị xác định các chủ trương, giải pháp lớn phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới:
Một là, tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Trên nền tảng mỹ học mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.
Hai là, tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật; bồi dưỡng nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, đặc trưng của văn học, nghệ thuật cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quan lý trong hệ thống chính trị, cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý lĩnh vực này; xây dựng và đưa vào chương trình đào tạo cán bộ thuộc các trường đảng nội dung về văn học, nghệ thuật. Cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp phải đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật vào quy hoạch, kế hoạch phát triển, của từng địa phương, từng ngành. Xây dựng cơ chế lãnh đạo, quản lý khoa học, bảo đảm được định hướng chính trị; khắc phục những hiện tượng mất dân chủ hoặc can thiệp thô bạo đối với hoạt động văn học nghệ thuật, cũng như xu hướng thả nổi, không phê phán những tác giả, tác phẩm đi ngược lại các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị tốt đẹp của dân tộc và cách mạng. Cấp uỷ đảng các cấp có kế hoạch định kỳ làm việc với lực lượng sáng tạo và hoạt động văn học, nghệ thuật.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật. Hoàn thành cơ bản việc thể chế hoá các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về văn học, nghệ thuật. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển dài hạn các lĩnh vực văn học, nghệ thuật; rà soát, bổ sung và xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, như chế độ lương, nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch xã hội hoá các hoạt động văn học, nghệ thuật, làm rõ các lĩnh vực cần xã hội hoá, lĩnh vực Nhà nước và nhân dân cùng làm, lĩnh vực Nhà nước phải đầu tư bảo tồn, xây dựng và phát triển. Tăng mức đầu tư cho văn học, nghệ thuật; bảo đảm kinh phí cho các chương trình mục tiêu lớn, cho hoạt động sáng tạo của các hội văn học, nghệ thuật, xác định việc đầu tư này là đầu tư cho phát triển. Xây dựng đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học, nghệ thuật cổ truyền; có chính sách đặc biệt hỗ trợ sự phát triển của ngôn ngữ, chữ viết và văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Có kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, nghệ thuật; nâng cấp, cải tạo và xây mới một số nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao, tầm cỡ lớn, tính chất hiện đại ở các thành phố, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của đất nước. Các cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, báo chí, phát thanh, truyền hình phối hợp chặt chẽ với các hội văn học, nghệ thuật nhằm công bố, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lương tốt, định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, phát triển lý luận văn học, nghệ thuật. Kiên quyết khắc phục những yếu kém kéo dài của hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật, nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục, góp phần hướng dẫn, điều chỉnh sáng tác, phê bình văn nghệ. Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động công bố, giới thiệu, truyền bá các sản phẩm tốt phục vụ đông đảo nhân dân ở mọi miền đất nước. Tổ chức nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc thành quả lý luận văn học, nghệ thuật của ông cha ta và của thế giới, vận dụng sáng tạo, làm phong phú lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho mọi năng lực sáng tạo có cơ hội phát huy phát triển, khích lệ những tìm tòi, tôn trọng những ý kiến khác nhau về lý luận và phê bình văn nghệ vì lợi ích chung và sự phát triển lành mạnh của văn nghệ. Xây dựng cơ chế quản lý và chế tài ngăn chặn, xử lý các hoạt động sáng tác, truyền bá những sản phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung, tư tưởng nghệ thuật thấp, ảnh hưởng xấu tới xã hội; xây dựng các đạo luật điều chỉnh lĩnh vực văn học, nghệ thuật, trước mắt sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, Luật Xuất bản..., có những chế tài nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định, đánh giá, quyết định công bố, trình diễn, truyền bá các tác phẩm, đặc biệt trên hệ thống thông tin đại chúng, phát thanh, truyền hình, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật. Phối hợp tốt các lực lượng làm công tác văn hoá đối ngoại, coi trọng xây dựng, phát triển lực lượng dịch giả văn học, nghệ thuật để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc đưa các tác phẩm văn nghệ Việt Nam ra nước ngoài phục vụ đồng bào ta và bạn bè quốc tế. Xây dựng cơ chế thẩm định, lựa chọn tác phẩm (cả sáng tác, lý luận, nghiên cứu, phê bình) của nước ngoài đưa vào nước ta.
Bốn là, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nâng cao chất lượng các trường đào tạo văn học, nghệ thuật; hoàn thiện chương trình, nội dung, giáo trình trong các trường cao đẳng, đại học, giảng dạy các ngành đào tạo văn học, nghệ thuật (sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình, biểu diễn, chỉ huy, đạo diễn...); rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ, đáp ứng yêu cầu đào tạo đặc thù trong lĩnh vực này. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài các năng khiếu, tài năng văn học, nghệ thuật. Xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lỷ, tham mưu lĩnh vực văn học, nghệ thuật có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đảm đương công việc. Xây dựng và thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi văn nghệ sĩ có quá trình cống hiến, có nhiều tác phẩm tốt, ảnh hưởng tích cực trong xã hội.
Năm là, củng cố, đổi mới hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương nhằm nâng cao khả năng tập hợp, động viên phát huy tiềm lăng sáng tạo và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ của hội. Các hội văn học, nghệ thuật phải làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy tính chủ động, tích cực xã hội và tài năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của các hội phù hợp với thời kỳ mới, khuyến khích tìm tỏi các phương thức hoạt động gắn chặt với thực tiễn cuộc sống. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền tác giả văn học, nghệ thuật.
Chính phủ xây dựng nghị định về các hội văn học, nghệ thuật, khẳng định các hội là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, được đầu tư, chăm lo cho sự phát triển. Nghiên cứu phương thức huy động các nguồn lực cho hoạt động của các hội theo hướng đa dạng hóa và việc sử dụng nguồn lực các hội một cách hợp lý, tạo cơ hội cho ra đời các tác phẩm tốt. Xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách, chế tài điều chỉnh việc Nhà nước đặt hàng mua tác phẩm, tổ chức sản xuất, xuất bản, công diễn, trình chiếu, triển lãm, tặng giải thưởng các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của đảng đoàn các hội, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng trong các đơn vị hoạt động văn nghệ, quan tâm bồi dưỡng, kết nạp vào Đoàn, vào Đảng những văn nghệ sĩ trẻ tuổi.
Tăng cường các biện pháp xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng, hướng dẫn, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của dân tộc.
(Trích theo: Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới).
T.H