V.I.Lênin từng chỉ rõ: Đảng cầm quyền là chỉ thời kỳ Đảng đã nắm được chính quyền và sử dụng chính quyền nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chính trị của mình. Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền. Đảng xây dựng và sử dụng chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân để hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, từng bước xây dựng CNXH.
Để cầm quyền tốt, Đảng đã luôn nỗ lực xây dựng, chỉnh đốn, song, nguy cơ của Đảng cầm quyền vẫn luôn hiện hữu. Trước hết là những căn bệnh nội tại nguy hiểm như quan liêu, tham nhũng, tiêu cực do “cá nhân chủ nghĩa”, “lợi ích nhóm” nảy sinh. Kế đến là sự chống phá của các lực lượng thù địch hòng xuyên tạc, phủ nhận vai trò cầm quyền của Đảng. Vì thế, năng lực cầm quyền của Đảng luôn phải được nhận thức đúng, đặt trong mối quan hệ gắn bó, thống nhất với năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng được thể hiện trên những phương diện cụ thể sau:
Một là, khả năng xây dựng quyết sách chính trị đúng đắn của Đảng
Các cơ quan lãnh đạo của Đảng, tuỳ phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền mà ban hành Cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết, chỉ thị... nhằm định hướng cho hoạt động của Nhà nước và toàn xã hội. Năng lực của Đảng thể hiện ở: quyết sách chính trị luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; nội dung quyết sách dựa trên dự báo chính xác xu hướng của thời đại, trong và ngoài nước, từ đó tận dụng được cơ hội, lợi thế và phòng ngừa rủi ro; “Ý Đảng” phù hợp với “lòng dân”; các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, đột phá, trước mắt, lâu dài, tổng thể, theo giai đoạn... được xác định rõ, nhất quán, qua đó xây dựng và phát huy tốt các nguồn lực trong nhân dân để tổ chức thực hiện các quyết sách.
Từ Đại hội XI (2011), Đảng ta xác định mục tiêu xây dựng xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thể hiện rõ nhu cầu, lợi ích của nhân dân, dân tộc Việt Nam, nhờ đó tạo được sự đồng thuận xã hội, đồng thuận giữa Đảng và nhân dân. Các phương châm: “kinh tế là trung tâm”, “xây dựng Đảng là then chốt”, “văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội”, “mở rộng hợp tác quốc tế” v.v.. phản ánh tính đúng đắn, quyết liệt trong nỗ lực vì mục tiêu của Đảng.
Hai là, khả năng nắm giữ quyền lãnh đạo nhà nước, định hướng chính trị cho hoạt động của nhà nước; xây dựng và sử dụng bộ máy nhà nước.
Việc Đảng lãnh đạo đưa nội dung “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước” vào Điều 4 Hiến pháp, khẳng định về mặt pháp lý cao nhất quyền và trách nhiệm của Đảng đối với Nhà nước. Đảng xác định và kiên trì thực hiện được mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Đảng chỉ đạo tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp để đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào chương trình xây dựng luật pháp, biến mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng thành các quy phạm pháp luật và tổ chức cho dân chúng thực hiện.
Ở tầm vĩ mô, năng lực của Đảng thể hiện ở vai trò của Đảng đoàn Quốc hội, của các đảng viên là đại biểu Quốc hội. Vừa là người của Đảng, vừa là đại biểu của dân, họ phải đủ sức gánh trên vai hai trọng trách “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Không chỉ có trí tuệ, họ phải đủ bản lĩnh, dám nghĩ, dám nói, dám đổi mới và dám đấu tranh để gạt bỏ được những bất hợp lý, những biểu hiện của “lợi ich nhóm” trong xây dựng luật pháp, trong quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Đảng định hướng được việc xây dựng, củng cố, sắp xếp, đổi mới bộ máy hành pháp, tư pháp, lập pháp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đảng chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và kiểm soát được đạo đức, lối sống, hành vi trong thực thi công vụ của họ.
Ba là, khả năng đổi mới, vận dụng linh hoạt phương thức lãnh đạo phù hợp với nội dung và điều kiện, đặc điểm của Đảng và các đối tượng lãnh đạo
Đảng kiên quyết và kiên trì đổi mới trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm lãnh đạo trong lịch sử, đồng thời thường xuyên tìm tòi nghiên cứu, từng bước tìm ra cách thức, biện pháp, hình thức, lề lối lãnh đạo mới. Đảng xoá bỏ tình trạng bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo. Ở đâu có hoạt động của nhân dân, ở đó phải có sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp qua hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên, hoặc gián tiếp thông qua pháp luật nhà nước. Đảng chủ động thực hiện, đồng thời xây dựng được quy chế phối hợp trong hệ thống chính trị để thực hiện đồng bộ cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Bốn là, khả năng xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.
Đó là đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có năng lực, trình độ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống đúng với yêu cầu về tư cách người đảng viên cộng sản. Đồng thời, toàn bộ những tiêu chí đó phải được thể hiện qua thực tiễn, qua thái độ, trách nhiệm và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, xác lập và nâng cao uy tín của Đảng trong nhân dân. Những tiến bộ vượt bậc trong chất lượng cán bộ, những thành quả to lớn của sự nghiệp Đổi mới do nhiều nỗ lực cống hiến của đội ngũ cán bộ phản ánh rõ nét năng lực cầm quyền của Đảng. Đồng thời, những bất cập, yếu kém, khuyết điểm, sai phạm của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành chính là mặt trái cần phải chỉnh đốn, loại trừ.
Năm là, khả năng kiểm tra, giám sát kịp thời, thi hành kỷ luật chính xác.
Các cấp uỷ, tổ chức đảng chủ động nắm bắt thông tin, nhất là với những thông tin về dấu hiệu vi phạm kỷ luật đảng, qua đó xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát kịp thời, toàn diện. Đội ngũ cán bộ kiểm tra giỏi về chuyên môn, có năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm và có bản lĩnh trong đấu tranh với những sai phạm; làm rõ được ưu điểm, hạn chế, mức độ và phạm vi trách nhiệm tổ chức đảng và đảng viên. Thi hành kỷ luật đảng nghiêm minh, đúng người, đúng việc. Kỷ cương, kỷ luật đảng được tăng cường. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả rõ. Các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, các hành vi vi phạm đạo đức, lối sống được ngăn chặn.
Sáu là, khả năng đối phó thành công với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng, chế độ, đất nước.
Trước hết là khả năng nắm bắt, nhận diện đúng, đầy đủ, nhanh chóng các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và phối hợp các lực lượng toàn hệ thống chính trị tổ chức đấu tranh hiệu quả; vạch trần các quan điểm thù địch, sai trái, ngăn chặn, xử lý các hành vi chống phá; triệt tiêu, xoá bỏ các tổ chức phản động. Hiệu quả cuối cùng là giữ vững được sự ổn định về tư tưởng, chính trị trong Đảng và trong toàn xã hội.
Bảy là, khả năng phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng Đảng, Nhà nước và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân
Đảng định hướng chỉ đạo, hỗ trợ và thúc đẩy được Mặt trận và các đoàn thể chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tập hợp đông đảo các lực lượng xã hội, đoàn kết phấn đấu, thực hiện hiệu quả các phong trào hành động cách mạng gắn với mục tiêu nhiệm vụ chính trị do Đảng đề ra; đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, mang lại hiệu quả chính trị, kinh tế, xã hội rõ nét, phát huy quyền làm chủ tối đa của Nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tám là, những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, gia tăng niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ, về sự tăng thêm uy tín của Đảng, của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
Đây là tiêu chí đánh giá có sức thuyết phục nhất khẳng định năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Nó thể hiện mối quan hệ giữa năng lực nói và làm, giữa nghị quyết và hành động thực tiễn của mỗi tổ chức đảng và đảng viên. 94 năm xây dựng, 79 năm cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện được năng lực và uy tín trước nhân dân và cộng đồng quốc tế.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cao đẹp mà chúng ta đang hướng tới. Xác định rõ các tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng sẽ là một gợi mở để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng vững vàng hơn trong cuộc đấu tranh vì một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
TS Trương Thị Bạch Yến